Dãy nhà lá tạm bợ của những người Việt không thuộc quốc gia nào - Ảnh: Thuận Thắng
Lênh đênh theo dòng Mê Kông từ Biển Hồ về đến Việt Nam đã hơn ba năm nay, những người Việt này vẫn đang tá túc tạm bợ trên một nhánh kênh 79, ven quốc lộ 62 thuộc xã Tuyên Bình (Vĩnh Hưng, Long An).
Những căn chòi lá xiêu vẹo, chắp vá, cùng những nhà thuyền mục lỗ chỗ… tạo nên một “xóm liều” - như cách dân địa phương thường gọi.
Ông Tô Văn Đẹp - chủ tịch UBND xã Tuyên Bình - cho biết hiện “xóm liều” này đang có 25 hộ với hơn 130 nhân khẩu.
Dù đã hình thành từ đầu năm 2012, nhưng những người dân này vẫn gần như không thay đổi, vẫn kiểu “chân ướt chân ráo” với thân phận không một mảnh giấy tùy nhân, không quốc tịch...
Thứ duy nhất khẳng định họ là người Việt, có lẽ là giọng nói đặc sệt phương ngữ Nam bộ từ đầu thế kỷ XX mà họ được thừa thưởng từ đời ông, bà vốn từ miền Tây ngược con nước di cư lên Biển Hồ.
Họ cũng chẳng nhớ nỗi ông, bà mình ra đi đích xác từ địa danh nào, An Giang, Đồng Tháp hay Long An, …
Họ chỉ biết liều thân trở về lại Việt Nam, nơi họ xem là quê nhà khi vùng Biển Hồ không còn là miền đất hứa, cá tôm đã cạn dần, cùng vô số hiểm nguy nơi xứ người.
Theo Sở Tư pháp tỉnh Long An, để được nhập quốc tịch, những Việt kiều này phải sinh sống trong lãnh thổ Việt Nam ít nhất 20 năm.
Có nghĩa nếu không có gì thay đổi, những cư dân “xóm liều” này sẽ tiếp tục một cuộc đời không mảnh giấy tùy thân, tồn tại qua ngày ít nhất 17 năm nữa.
Ông Tô Văn Đẹp cho biết ngoài việc không mang thân phận hợp pháp, những cư dân này còn thiệt thòi bởi thiếu trình độ văn hóa, không chữ nghĩa, ...
“Mới đầu về họ chủ yếu sống bằng nghề giăng lưới bắt cá. Tuy nhiên cá cũng thưa dần, mùa nước vừa rồi lại thấp.
Cuộc sống của họ chủ yếu tập trung vào mấy cọng lục bình phơi đem bán mà học được của người dân trong vùng, và mấy đồng lời từ việc bán vé số của phụ nữ, trẻ em dọc theo quốc lộ 62. Đàn ông làm thuê quá bấp bênh, bữa được, bữa mất”, ông Đẹp cho biết.
Tuy nhiên, ngay từ khi trở về, ngoài việc được tá túc nhờ, những người Việt này còn nhận được rất nhiều sự giúp đỡ.
Trẻ em được Đồn biên phòng Tuyên Bình mở lớp dạy chữ, đến nay những em trong độ tuổi trên 10 hầu hết đều biết được chữ Việt. Được những đoàn y tế thỉnh thoảng khám bệnh, và được Chính phủ trợ cấp gạo vào những dịp lễ, tết.
Và so với Biển Hồ, “xóm liều” này còn cho họ sự yên bình, không phải chịu những o ép thiệt thòi, hiểm nguy. Và trên hết, là giấc mơ được trở về để thế hệ con, cháu được lớn nên ngay trên mảnh đất quê hương máu mủ.
Như câu đồng dao họ vẫn thường ru con, ru cháu những ngày còn mắc kẹt ở xứ người:
“Ở Cao Miên vì tiếc mả mồ Về xứ Bác Hồ mới là yên phận Cho dù lận đận cũng máu thịt ông bà…”
Những đứa trẻ ở xóm "liều" biên giới không được đi học như những người bạn cùng trang lứa khác vì không có giấy khai sinh, hộ khẩu, quốc tịch và không thuộc quốc gia nào - Ảnh: Thuận Thắng
Vì không "mảnh giấy lận lưng" nên những người đàn ông không quốc tịch không thể tìm được công việc tử tế, lâu dài. Tất cả đều là "thợ đụng" - ai thuê gì làm nấy và không ra khỏi địa phương. Cuộc sống tứ bề khó khăn - Ảnh: Thuận Thắng
Một căn nhà của những người trong xóm "liều" - Ảnh: Thuận Thắng
Bà Trần Thị Hai chuẩn bị bữa tối cho chồng và 4 người con trai đi làm thuê về ăn. Hàng ngày bà đi bán vé số kiếm sống - Ảnh: Thuận Thắng
Gia đình bà Hai có 6 lao động làm thuê khoẻ mạnh nên là gia đình hiếm hoi trong "xóm liều" có ti vi - Ảnh: Thuận Thắng
Nghề chính của cả "xóm liều" là bán vé số, từ người già tới trẻ em - Ảnh: Thuận Thắng
Hai chiếc thuyền này đã kéo nhau di chuyển hơn 500km đưa những người Việt từ Biển Hồ (Camphuchia) về huyện Vĩnh Hưng, Long An - Ảnh: Thuận Thắng
Bà Võ Thị Đẹp trở về Tuyên Bình từ năm 2012, bà chỉ nhớ quê mình ở Đồng Tháp nhưng không rõ ở huyện nào vì ông bà của bà thuộc những người Việt thế hệ đầu tiên qua Biển Hồ mưu sinh từ những năm 1930. Cũng như bà, đa số những Việt kiều ở xóm liều đều không biết rõ quê quán của mình ở đâu tại ĐBSCL - Ảnh: Thuận Thắng
Bà Nguyễn Thị Tiếp đang thắp nhang lên bàn thờ cửu huyền, kiểu bàn thờ rất lạ mà nói như bà là người Miên, người Việt đều không có. Chỉ có Việt kiều vùng sông nước Biển Hồ vì điều kiện chỗ ở trên thuyền quá chật chội nên nghĩ ra bàn thờ kỳ lạ này. Nay, dù đã về nước, sống trên đất liền, nhưng phong tục trên Biển Hồ vẫn được họ mang theo - Ảnh: Thuận Thắng
Cũng như bàn thờ cửu huyền, bếp cà ràng, một loại bếp đặc trưng của những người sống trên thuyền cũng có trong các gian bếp của xóm Việt kiều. Cho dù bây giờ không còn cần loại bếp đặc dụng nấu trên thuyền này nữa - Ảnh: Thuận Thắng
Người dân ăn uống, tắm giặt, và cả vệ sinh ở cùng một dòng kênh dơ như thế này. Cả "xóm liều" không có được 1 cái giếng nước sạch - Ảnh: Thuận Thắng
Bữa cơm "trắng" của những đứa trẻ "xóm liều" - Ảnh: Thuận Thắng
Những đứa trẻ Việt này phải đợi ít nhất 17 năm nữa mới có tờ giấy khai sinh, chứng minh nhân dân và quốc tịch Việt Nam - Ảnh: Thuận Thắng
Em Hồ Thị Ly 9 tuổi đang học lớp 2 tại lớp tình thương do các chiến sĩ biên phòng đồn Tuyên Bình dạy. So với thế hệ cha mẹ, ông bà, em là một trong những người may mắn vì biết đọc, viết một loại chữ - Ảnh: Thuận Thắng
Gia đình ông Võ Văn Hoàng cùng gia đình người anh đã bơi xuồng suốt hơn 500 km từ Kandien, Pursat (Campuchia) về đây vào năm 2012. Ông nói: “Về đây dù vẫn nghèo nhưng ngủ ngon giấc vì sống trên đất mình, không còn nơm nớp lo cướp bóc. Không còn lo sợ sóng gió Biển Hồ” - Ảnh: Thuận Thắng