Phát ngôn 'sốc nhức óc' của thầy cô: Đừng cư xử kiểu chợ búa

Minh Nguyệt – Tùng Anh – Mỵ Lương (ghi |

Cô giáo xưng mày - tao với học sinh, mắng học sinh mất dạy (trong khi chính mình là người dạy), bày tỏ ý muốn tát học sinh… Theo các chuyên gia, thầy cô buông thả lời nói của mình sẽ không nhận được sự tôn trọng mà họ cần phải có.

Biết nhịn cũng là một cách giáo dục

“Tôi thấy vấn đề ứng xử của giáo viên hiện nay đang được dư luận rất quan tâm. Gần đây tôi cũng có theo dõi vụ việc thầy Đinh Ngọc Hiện – Hiệu trưởng của trường ĐH Thành Tây (HN) có những lời lẽ khiếm nhã khi tiếp xúc với phóng viên báo chí.

Có thông tin cho rằng, vì thầy có anh em với quan chức nên mới “thoải mái” cho ra những phát ngôn kiểu thóa mạ, đe dọa người khác.

Trường hợp này rất hiếm, đặc biệt nó lại xảy ra với một vị hiệu trưởng ở một trường ĐH lớn, có học hàm, học vị mà xử sự như vậy thì tôi cũng chưa từng thấy.

Thầy dùng những ngôn ngữ rất khó nghe, chợ búa, mà báo chí cũng là người tác nghiệp, họ cũng không có tội tình gì cả.

Tôi nghĩ, đây cũng là trường hợp cá biệt. Tuy nhiên, đối với một nhà giáo thì cư xử không đúng chuẩn mực là điều đáng lên án. Là thầy cô thì phải biết kiềm chế, bởi mình làm dâu trăm họ.

Mình không chỉ tiếp xúc với học sinh mà còn tiếp xúc với cả phụ huynh, thậm chí là cha chú, ông bà của học sinh. Mỗi người một tính cách, nên phải tùy từng tính cách, hoàn cảnh tiếp xúc cụ thể để mà ứng xử phù hợp.

Luôn luôn giữ thái độ của một người làm công tác giáo dục. Đôi lúc, “nhịn” cũng là một sự giáo dục. Cái này cũng là kinh nghiệm của cả một quá trình đi dạy”.

PGS. Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội)

Sản phẩm giáo dục phản ánh nhân cách người thầy

“Vị trí của một người đứng đầu một môi trường giáo dục rất quan trọng nó không chỉ ảnh hưởng đến các giáo viên khác trong trường mà còn ảnh hưởng đến học sinh. Vì vậy một trong những yêu cầu của người lãnh đạo các trường là phải có tâm, có tầm và có tài năng thực sự. Ngoài ra, họ còn phải biết gương mẫu.

Sự gương mẫu thể hiện qua đạo đức, phẩm hạnh và sự tôn trọng cần có đối với người khác. Chính vì vậy, là giáo viên đã không nên ăn nói suồng sã thiếu suy nghĩ rồi chứ không nói đến hiệu trưởng của một trường.

Thực tế, chúng ta phải hiểu rằng sản phẩm của giáo dục không chỉ là tri thức mà còn là nhân cách, nhân cách của học sinh sẽ có được từ chính nhân cách của một người thầy tốt”.

TS. Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng – Hà Nội

Không vì stress mà cho phép phát ngôn thoải mái

“Là một giáo viên thì tôi rất phản đối những phát ngôn thiếu tôn trọng người khác như thế.

Chúng ta thì nghĩ rằng mình có quyền này quyền kia, nhưng thực ra tất cả mọi người đều có quyền bình đẳng trên thế giới, thế nên không ai có quyền xúc phạm người khác.

Vấn đề đạo đức của giáo viên cũng vậy. Hiện, một bộ phận giáo viên cũng đua theo trào lưu suồng sã, thoải mái của xã hội. Xưa thì giáo viên cư xử rất chuẩn mực, bây giờ thì khác nên mọi người có những phát ngôn thoải mái.

Tôi nghĩ giáo viên thì cũng là con người, bản thân họ cũng có cuộc sống riêng, có những khó khăn riêng và những áp lực khác nhau.

Tuy nhiên, dù có áp lực tới đâu thì họ cũng phải tuân thủ những “quy tắc nghề”, không thể nói: “Vì tôi đang stress mà tôi không thể bình tĩnh được”, hay “đây chỉ là chia sẻ ngoài lề”…

Về giáo dục mà nói, hầu hết các thầy cô vẫn biết là cần phải giữ hình ảnh, phong cách đạo đức để mà dạy học sinh. Bản thân tôi cũng đã từng tiếp xúc với báo chí, phụ huynh…

Cũng từng gặp phải những trường hợp bị xúc phạm, hoặc dùng những lời lẽ thiếu tôn trọng nên mình rất hiểu và thông cảm với các thầy cô đó. Tuy nhiên, làm trong môi trường giáo dục thì phải chấp nhận, cố gắng khắc phục, đi lên”.

TS. Vũ Thu Hương – Giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội

“Gieo gió ắt sẽ gặp bão”

“Dù nói với phóng viên, hay nói với học sinh, người nói phải hiểu rằng đây là cuộc trao đổi, giao tiếp giữa con người với con người. Nguyên tắc giao tiếp là bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, dù đối tượng là ai.

Nhất là đối tượng là những công dân, có đầy đủ quyền công dân hay bị tước quyền công dân (đối tượng hiện đang bị giam giữ, vi phạm pháp luật...), thì yêu cầu người giao tiếp cũng phải tôn trọng.

Trong trường hợp giao tiếp, trao đổi với phóng viên như trường hợp vị hiệu trưởng trường Đại học Thành Tây, nếu phóng viên sai, phóng viên hoàn toàn phải chịu trách nhiệm trước luật pháp và cơ quan quản lý của mình.

Chúng ta không được phép phán xét, thóa mạ, không được dùng những lời lẽ xúc phạm đến nhau. Sống con người với con người phải chân thành.

Tôi đã nhiều năm công tác ở đoàn thành niên, thường xuyên tiếp xúc trao đổi với các em học sinh, sinh viên, thấy các thầy cô dù lớn hơn tuổi nhưng khi cư xử với các em luôn phải tôn trọng.

Tất cả những hành động “xấu xí” cửa người lớn là chúng ta đang “gieo gió” ngày hôm nay và ắt “gặt bão” ngày mai”.

Ông Dương Văn Tịnh – Nguyên Giám đốc Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên Hà Nội

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại