Như Tuổi Trẻ đã thông tin, chiều 22-5, tại giao lộ Lê Hồng Phong - Trần Phú (trước khách sạn Sammy, Đà Lạt) ông Mai Nam Dương đã lái xe trong trình trạng say rượu và gây tai nạn làm 1 người chết và 3 người bị thương. Nạn nhân thiệt mạng là ông Trương Văn Hiến (sinh năm 1965, ngụ tại Đà Lạt), ba người bị thương nặng gồm: Nguyễn Thị Hạnh Nguyên (sinh năm 1974), Phạm Thị Đan Thanh (sinh năm 1979), Nguyễn Văn Vinh (sinh năm 1984).
Ông Dương chỉ bị thương nhẹ và xuất viện sau đó
Đến ngày 4-7, Công an TP Đà Lạt đã họp báo công bố quyết định khởi tố ông Mai Nam Dương về tội vi phạm quy định an toàn giao thông đường bộ. Tại buổi làm việc, cơ quan điều tra thông báo kết quả điều tra, theo đó ông Dương đã không làm chủ tốc độ, không chú ý quan sát và có uống rượu, bia trước khi điều khiển ôtô, nồng độ cồn đo được của ông Dương là 0,644 miligam/lít khí thở, gấp 2,5 lần mức qui định (0,25 miligam/1 lít khí thở).
Hiện trường vụ tai nạn làm 1 người chết, 3 người bị thương. Ảnh: Người lao động
Mặc dù đã bị khởi tố, song ông Dương lại được Cơ quan điều tra cho tại ngoại với lý do có nhân thân tốt, và đã từng làm Phó giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Lâm Đồng? Như thế chẳng phải ngay từ ban đầu, vì là cán bộ mà ông Dương đã thoát khỏi bị tạm giam.
Miễn truy cứu trách nhiệm hình sự vì bồi thường hơn 1 tỷ đồng
Ngày 7/12/2013 Viện KSND TP Đà Lạt bất ngờ ra quyết định “đình chỉ điều tra vụ án” vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đối với ông Mai Nam Dương. Ngoài ra, ông Dương cũng được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự do đã đền bù cho các nạn nhân hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, gia đình các nạn nhân cũng ký đơn bãi nại cho ông.
Tiến sĩ luật Phan Anh Tuấn, trưởng bộ môn luật hình sự (Đại học Luật TP.HCM), khẳng định việc Viện Kiểm sát nhân dân TP Đà Lạt miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Mai Nam Dương là không có cơ sở. Tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh: “Vụ án liên quan đến ông Dương không phải là trường hợp khởi tố theo yêu cầu của người bị hại (khoản 2 điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự) nên việc bãi nại của những người bị hại trong vụ án này không thể là căn cứ đình chỉ vụ án. Ông Dương phạm tội rất nghiêm trọng, nếu bị truy tố và đem ra xét xử thì cũng khó có thể cho hưởng án treo (vì gây ra hậu quả chết người) nói gì đến chuyện miễn trách nhiệm hình sự. Các tình tiết khác như đền bù thỏa đáng cho nạn nhân chỉ là tình tiết giảm nhẹ khi xét xử”.
Viện trưởng VKS TP Đà Lạt từ chối giải thích
Phản ứng gay gắt của người dân đã khiến các nhà chức trách phải lên tiếng giải thích sự việc này. Ông Phạm Văn Khải – tân Viện Trưởng VKS TP Đà Lạt đã lên tiếng: “Người ký quyết định này không còn làm việc ở đây nữa, tôi mới nhận bàn giao nên không nắm vụ việc, thông cảm cho tôi".
Khi được hỏi khi nào sẽ thông tin rõ ràng vụ việc, ông bảo: “Tôi không biết và không thể hứa”. Câu trả lời của ông tân Viện trưởng không làm thỏa mãn dư luận, nhưng cũng chẳng ai trách được ông, vì ông mới nhận chức. Còn ông Viện trưởng cũ ra quyết định chuyển đi đâu chẳng ai rõ, và ông cũng chẳng phải giải thích vì đã chuyển đi rồi.
Khi một người dân trực tiếp liên quan tới vụ án, họ phải khai báo, tường trình, giải thích cặn kẽ mọi hành động của mình cho các nhà chức trách được biết. Nhưng khi các nhà chức trách ra quyết định không đúng với pháp luật, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của dân thì chẳng phải giải thích, người nọ đẩy cho người kia là xong.
Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm?
Thông tin về vụ việc này, trên báo Kiến Thức có trích ý kiến của luật sư Lê Cao Tánh, Trưởng văn phòng luật sư Bá Tánh, đoàn luật sư tỉnh Lâm Đồng. Luật sư Lê Cao tánh cho rằng: “Việc VKSND TP Đà Lạt không truy tố ông Mai Nam Dương (dù vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ) có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.”
Căn cứ vào Điều 25, Điều 202, Bộ luật Hình sự và Nghị quyết số 02/2003/NQ-HĐTP, ngày 17/4/2003 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì việc VKSND TP Đà Lạt miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Mai Nam Dương là hoàn toàn trái với các quy định hiện hành.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 202, Bộ luật Hình sự quy định: "Trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định hoặc có sử dụng các chất kích thích mạnh khác mà pháp luật cấm sử dụng"; thì khung hình phạt cho người vi phạm khoản này là phạt tù từ ba năm đến mười năm.
Đối chiếu với các quy định của pháp luật cho thấy không có căn cứ nào để VKSND TP Đà Lạt miễn truy cứu trách nhiệm hình sự đối với ông Mai Nam Dương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng.
Cùng chung ý kiến này, trên báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh cũng đưa ý kiến của Luật sư Hoàng Cao Sang- Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh. Luật sư Sang khẳng định: “Hành vi phạm tội của ông Dương là rất rõ ràng, không thể chối cãi được. Việc VKSND TP Đà Lạt không truy tố ông Dương là hành vi vi phạm pháp luật một cách nghiêm trọng. Trong trường hợp này, cần phải xem xét và khởi tố người ra quyết định đình chỉ vụ án về tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội theo Điều 294 BLHS. Điều 294 BLHS quy định: “Người nào có thẩm quyền mà không truy cứu trách nhiệm hình sự người mà mình biết rõ là có tội thì bị phạt tù…”.
Cách đây vài tháng, dư luận cũng xôn xao vụ việc Ông Trần Quang Hiền- Chánh Thanh Tra Sở Y tế tỉnh Quảng Nam lái xe gây tai nạn, khiến chị Nguyễn Nhật Huyền Trang (SN 1990) ở phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng tử vong tại chỗ. Sau đó, ông Hiền đã bồi thường gia đình nạn nhân 260 triệu đồng, rồi ngày nào cũng gọi điện năn nỉ, khóc lóc xin gia đình chị Trang bãi nại. Sau khi được gia đình chị Trang đồng ý, ông Hiền cũng biến mất tăm, không thấy đến thăm hỏi nữa, sự việc cũng dần bị chìm vào quên lãng. Phải chăng vì là cán bộ nên ông Hiền cũng đã được “ưu tiên”?