Đó là tình cảnh "trăm lần khổ, vạn lần đau" của ông Lê Văn Trừng (78 tuổi), ở tổ 4, thị trấn Quế, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam.
Hạnh phúc ngắn ngủi
Khi chúng tôi vào, ông Trừng cất lên từng tiếng ho, hơi thở dài đứt quãng. Thấy chúng tôi chào hỏi, ông vội vã tắt chiếc đài cát sét cũ kĩ của mình rồi đưa tay quờ quạng, mò mẫm vịn vào tường bước ra cửa đón khách. Trong không gian u ám, chỉ chiếc giường gỗ là còn nguyên vẹn, ngoài ra thì mọi vật dụng đều cũ nát cả.
Theo lời ông Trừng kể, ngày ấy, cách đây gần 30 năm, ông cũng từng có một cuộc sống hạnh phúc, có vợ và 2 đứa con. Vì gia cảnh bần túng, bệnh tật nên vợ ông đã đi bước nữa và dắt theo những người thân yêu nhất của ông. Từ đó đến nay, ngày nào ông cũng ngồi ngóng ra phía chân trời xanh thẳm để những ký ức tươi đẹp nhạt nhòa hiện về.
Ông thở dài rồi kể tiếp: "Hơn 20 năm nay tôi bị mù lòa như vậy. Cũng vì bị bệnh tật mà vợ con không muốn ở bên mình. Thuở nhỏ, tôi đã phải chịu nỗi đau mất mát quá lớn mồ côi cả cha lẫn mẹ, một mình lặn lội bươn chải để có thể sinh tồn. Năm 1960, chẳng may tôi lại bị lâm nạn trong một trận ốm nặng liệt nhưng không có tiền chữa trị. Rồi về sau, vì khóc nhớ con nhiều nên đôi mắt bị mù lòa rồi suy giảm, hủy hoại dần và thành "mù" luôn".
Khi xưa bản tính ông hiền lành chịu khó nên dù ở tuổi đứng bóng ông cũng đã kết duyên được với bà Nguyễn Thị Bé, một người phụ nữ chung số phận hẩm hiu "không chồng mà chửa". Hai vợ chồng sống chung sống với nhau và lần lượt sinh hạ 2 người con, người con trai đầu tên Lê Văn Giang (SN 1969), cô con gái đặt tên là Lê Thị Mai (SN 1971). Cuộc sống hạnh phúc ngọt ngào cứ trôi qua trong 10 năm. Nhưng rồi, cái nghèo, cái khổ cứ lưu cữu đã làm người vợ ông chán nản, thất vọng, không muốn sống cùng nữa, rồi dắt con đi ra khỏi nhà lúc nào ông không hề hay biết.
Ngồi ngóng con, khắc nỗi nhớ không tên…
Bao năm nay, ông sống dựa vào tiền trợ cấp xã hội 180.000đ/tháng và sự giúp đỡ của bà con làng xóm. Số tiền cũng chẳng thấm vào đâu cho sinh hoạt hằng ngày hay những khi trái gió trở trời. Thứ tài sản đáng giá đồng thời cũng là người bạn tâm giao của ông gần 30 năm qua là chiếc đài FM cũ kĩ để ông lắng nghe tin tức. Nhiều lần ông đăng tin tìm vợ con trên đài, mỗi lần đăng tin, mong kết quả nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì.
"Mong muốn của tôi bây giờ sớm tìm lại được vợ và hai đứa con thất lạc trong suốt thời gian gần 30 năm qua. Giờ tôi già yếu mù lòa như vậy, ông trời gọi đi lúc nào thì biết lúc ấy thôi chứ không còn sức để đi tìm vợ con. Nhờ báo chí thông tin đến mọi nơi, may chăng chúng nó biết đường tìm về được với bố" - ông lão ho một hồi xong thở khó nhọc.
Những hôm ông muốn cải thiện cho bữa cơm trắng thì ông lại vội vã bò lên đường kêu mọi người mua giúp cho. Với ông để có thể " sống" được đến ngày hôm này là nhờ phần lớn vào sự giúp đỡ cưu mang của láng giềng. Ở đây ai họ cũng đều cảm thông, xót thương cho một số phận nghiệt ngã đầy tủi cực như vậy. "Năm ngoái tôi chết hụt thêm một lần nữa. Chiều hôm đấy, tôi mò mẫm dính phải ổ điện rồi bị giật. Thật may mắn sao có chú Điệu, nhà bên cạnh sang cho ít thức ăn thấy vậy liền cứu tôi kịp thời. Năm kia thì bị trúng gió độc, bất tỉnh, mọi người phải đẩy cửa vào để đưa tôi đi cấp cứu", ông cho biết.
Cứ tà chiều, ông mò mẫm tự tay thổi nấu xong, rồi ông lại gắng sức mình leo lên đường để ngóng chờ đợi một điều gì đó. Dù cho ông không nói ra nhưng với người dân quanh đó thì họ thừa hiểu và biết rằng, ông ngồi đó để đếm thời gian, hồi tưởng lại những niềm vui của quá khứ đầy nỗi đau buồn. Ông ngồi đó như để ngóng đợi một niềm vui mong manh nào đó sẽ đến. Từ ngày vợ con ra đi, ông vẫn cứ ở vậy, chấp nhận chịu cảnh sống cô đơn, lủi thủi nơi mái tranh nghèo… Chúng tôi ra về mà lòng nghẹn đắng, chợt văng vẳng bên tai câu thơ : "Cánh cò cõng nắng qua sông, chở luôn nước mắt cay nồng của cha".
Ông Nguyễn Duy Yên, Bí thư chi bộ tổ dân phố số 4, thị trấn Quế cho biết: "Cuộc đời bất hạnh của ông Trừng làng trên xóm dưới đều biết hết cả. Ông sống cô độc, mù lòa trong căn nhà tranh lụp xụp nên ai cũng thương xót. Năm 1993, chính quyền cùng bà con làng xóm ở tổ 4, thị trấn Quế đã giúp đỡ xây dựng cho ông ngôi nhà, và hợp pháp hóa đất ở cho ông. Hiện căn nhà ông Trừng được xây đã lâu, con đường qua đó đã tôn tạo nhiều lần khiến ngôi nhà ấy nằm hủm sâu đến 3m. Để có thể đi lên đường, ông phải "mò mẫm" bám vào bụi cây và những viên đá đường trơ ra. Giờ chỉ mong sao có nhiều tấm lòng hảo tâm giúp đỡ cho ông bớt khổ".
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ. Tài khoản: 1902.798.7602.011 Dương Thị Hà Vân - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn. |