Thầy có thích học sinh giỏi Toán ở phổ thông hay không?
Khi nói về đề án tích hợp môn Sử đang gây tranh cãi, GS. Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Không cần sinh viên giỏi sử, cần con người có lòng yêu nước”.
Tuy nhiên, sau đó, GS Thi cho hay, ý kiến trên của ông không nói đến sinh viên mà ở đây là học sinh. Tuy nhiên, người viết đã viết nhầm.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu, nhà sử học Dương Trung Quốc ngay sau khi nghe thông tin về phát ngôn của GS Thi đã đặt câu hỏi lại:
“Giáo sư có nói không cần học sinh giỏi Toán hay không? Thầy có thích học sinh giỏi Toán ở phổ thông hay không? Có khi vì GS là người học giỏi Toán và môn Toán hiện nay không có vấn đề gì.
Nhưng đặt trong hoàn cảnh hiện nay, việc dạy và học môn Sử đã có vấn đề từ rất lâu rồi mà Bộ Giáo dục và Đào tạo lại không tập trung vực nó lên.
Tất cả các động thái dường như theo phương thức khá phổ biến hiện nay là cái gì khó là bỏ và thay thế bằng cái khác trong khi chưa biết cái khác ấy là cái gì”.
Giáo sư Đào Trọng Thi. Ảnh: quochoi.vn
Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng đưa quan điểm, rất nhiều giá trị cũ nhân danh cái này, nhân danh cái khác kiểu như phong kiến, đế quốc, lạc hậu rồi ta hủy nó đi.
"Nhưng phá cái cũ mà không xây được cái gì mới, như phá một cái đình làng mà không xây được một trung tâm văn hóa nào ra hồn. Câu chuyện về môn Sử trong chương trình học hiện nay nó cũng gần như là như vậy.
Tôi cảm thấy tư duy của người thực hiện chỉ là tư duy dự án mà thôi. Tư duy theo kiểu, có cơ hội là làm một bộ môn mới, đầu tư tiền bạc, sức lực vào mà chưa biết là cái gì.
Tại cuộc hội thảo đầu tiên của Bộ tổ chức mà chúng tôi được mời đến dự, tôi còn hỏi, môn học giáo dục công dân và tổ quốc là thế nào? và khi chúng tôi phản biện thì họ còn nói nếu ai tìm thấy đề án hay hơn sẽ thay.
Đó là cách làm rất ẩu”, ông Quốc nêu.
Đáng nói hơn, theo ông Quốc, bức xúc đầu tiên với đề án tích hợp môn Lịch sử lại nằm chính trong đội ngũ của ngành giáo dục như các thầy cô giáo dạy môn học này chứ không phải từ Hội khoa học lịch sử VN, một tổ chức xã hội nghề nghiệp.
"Điều tôi nói đầu tiên đối với vấn đề này là cần phải thận trọng, đừng biến học sinh thành chỗ để thí nghiệm. Hay là vào trận đánh lớn thì cứ thế đánh, đánh rồi sửa mà không cần biết thương vong thế nào?
Đó là việc làm rất vô trách nhiệm, đặc biệt là trên lĩnh vực giáo dục", ông Quốc nhận xét.
Tri thức có thể của nhân loại nhưng người trí thức phải của dân tộc
Ông Quốc cũng nhấn mạnh thêm, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo tìm ra được một mẫu hình, một bộ môn mới thì mọi người sẵn sàng lắng nghe thuyết phục và có bước đi chuyển đổi.
"Trong khi đó vẫn phải coi môn Sử là môn quan trọng, nếu nó yếu thì Bộ phải vực dậy, dù sau này có thi hay không thi, tự chọn hay bắt buộc.
Sử là một hệ thống chứ không phải một mệnh đề. Cho nên nguy cơ biến mất môn Sử chúng tôi lên tiếng cảnh tỉnh là để Bộ Giáo dục phải có trách nhiệm hơn và phải có cách làm phù hợp”, ĐB Dương Trung Quốc nhấn mạnh.
Cũng theo ông Quốc, vừa có một đạo luật riêng bắt buộc dạy môn Quốc phòng - An ninh không chỉ trong trường phổ thông nhưng ở đây lại tích hợp, dường như là xóa bỏ đi.
Bộ Giáo dục là cơ quan hành pháp mà làm như vậy là không được", ông Quốc nói thêm.
Ông Quốc cũng nhắc lại lại câu hỏi với GS Đào Trọng Thi: "Nếu GS Thi phát biểu như vậy, anh có thích học sinh anh giỏi Toán hay không? Nếu học sinh phổ thông mà không học toán thì GS có thể có được đội ngũ Toán học của mình hay không.
Có lẽ GS được đào tạo ở nước ngoài nhiều quá. Nên nhớ rằng, tri thức có thể của nhân loại nhưng người trí thức phải của dân tộc”.
Trước câu hỏi, làm thế nào để “vực dậy” môn Lịch sử, ông Dương Trung Quốc cho rằng: “Tôi nghĩ đầu tiên Bộ Giáo dục phải có cách vực môn sử dậy và đương nhiên là cần sự quan tâm của toàn xã hội.
Tôi rất thích việc, trước hết phải coi Lịch sử là một khoa học. Lâu nay, chúng ta muốn lịch sử như mình muốn, chứ không phải lịch sử như nó có. Cho nên nó nhạt phèo, xơ cứng, không hấp dẫn là vì thế.
Lịch sử là phải công bằng và trung thực, nếu mất hai cái cánh công bằng và trung thực thì học sinh chán cũng đúng. Chúng tôi cũng chán chứ đừng nói học sinh”.
Cũng trao đổi với chúng tôi, GS Phan Huy Lê cho rằng, ý kiến của GS Đào Trọng Thi như vậy nhưng chúng ta cần tiếp tục phản biện để môn Sử về đúng với vị trí, vai trò của nó.