Ở nơi cả xóm có duy nhất một ngôi nhà

Căn nhà nằm trên một ngọn đồi bốn bề vắng lặng, trước mặt là cánh đồng lúa rộng gần 2ha. Khi vào vụ gieo sạ phải nhờ vào nước trời, một năm sản xuất một vụ.

Sông Bà Đài nằm “gói gọn” trên địa bàn xã Phú Mỡ. Qua đến vực Ông thuộc địa phận xã Xuân Quang 1 (huyện Đồng Xuân, Phú Yên) thì người dân quanh vùng gọi là sông Cái. Đến thị trấn Chí Thạnh (huyện Tuy An), người dân quanh vùng gọi là sông Ngân Sơn. Cách đây 5 năm, dòng sông xảy ra trận lũ lịch sử, cả nước đều biết.

Con sông đổ nước xuống thác Rọ Heo qua thác Dài. Khi qua khỏi vực Lò (vực sâu thứ 2 của sông Kỳ Lộ), bên bờ sông có một xóm nhưng duy nhất chỉ một ngôi nhà. Trong ngôi nhà ấy bao năm qua, người cháu 64 tuổi nuôi ông cậu 107 tuổi.

Thả bè mò o qua thác Rọ Heo

Vực Ông là nơi sâu nhất theo suốt chiều dài của dòng sông Kỳ Lộ. Tại đây, dòng sông chảy qua tảng đá lớn rồi bỗng nhiên “hạ độ cao”, vì thế dòng nước từ tảng đá giữa dòng sông dội xuống ầm ào “năm này qua tháng khác” tạo thành vực sâu.

Ông Châu Văn Dũng, một thợ lặn xã Xuân Quang 1, cho hay: “Nơi này bao năm qua, người nào lặn tài nhất vẫn chưa đến đáy. Vì áp suất sông lớn nên khi lặn sâu gần đến đáy, hơi còn nhưng ép ngực khó thở, khi ngoi lên chảy máu lỗ tai nên không ai dám “cả gan” lặn sâu thêm nữa”.

Qua khỏi vực Ông, dòng sông uống mình chảy qua địa bàn thôn Kỳ Lộ (xã Xuân Quang 1), vùng này không có thác vực. Thế nhưng vừa qua khỏi địa bàn thôn Kỳ Lộ “xuất hiện” thác Rọ Heo, đây cũng là dòng thác hiểm trở nhất dọc theo suốt chiều dài của dòng sông.

Theo nhiều người dân sống quanh vùng, sở dĩ có tên gọi thác Rọ Heo là do dòng thác chảy xuyên qua hai vách núi, phía trên to, phía dưới vót lại nhỏ giống như rọ heo, phía dưới chân thác lại có tảng đá án ngữ giữa dòng chảy.

Trước đây, nhiều người dân sống ở thôn Thạnh Đức (xã Xuân Quang 3, Đồng Xuân) chuyên làm nghề đan ky giỏ, rổ rá lên đến tận trên này xa gần 30 cây số chặt mò o (một loại cây giống lồ ô) thả bè về.

Mỗi khi bè mò o qua thác Rọ Heo, người có kinh nghiệm lâu năm, sức khoẻ tốt mới lái bè “lách” được tảng đá đó qua khỏi thác. Người “yếu bóng vía” thì bè đâm vào tảng đá rả bè phải nhọc công kết bè lại.

thác Rọ Heo, lũ lịch sử, sông Bà Đài, Phú Yên
Người dân xóm Đồng Hiệu dưới chân thác Rọ Heo

Dưới chân thác Rọ Heo có 37 hộ dân xóm Đồng Hiệu (xã Xuân Quang 1) sinh sống, nơi đây hầu như quanh năm suốt tháng hiếm có người lạ mặt đến.

Bà Nguyễn Thị Lan, một cư dân ở dưới chân thác Rọ Heo giãi bày: “Ở đây nghèo thì không nghèo nhưng khổ thì khổ thật vì cuộc sống ở đây làm lụng quanh năm vất vả, thế nhưng xóm làng bình yên, cả xóm như người một nhà, “ở chung mà làm riêng”. Như nhà tôi đây, lâu lâu có người lạ thả bè gặp sự cố ở thác Rọ Heo đến ở nhờ qua đêm, “lỡ chợ, lỡ quán”, những người ở xung quanh thấy vậy lúc dọn cơm có chén canh, con cá bưng qua cho nhau cùng mời khách”.

Nhiều người dân làm nghề đan ky giỏ, rổ rá ở thôn Thạnh Đức kể, thác Rọ Heo hiểm trở nên khi đến mùa mò o khan hiếm, mới “thượng” lên trên thác Rọ Heo chặt mò o thả bè về. Thường thì người làm nghề chặt mò o ở Hòn Hang, Gò Giang phía dưới thác Rọ Heo thả bè theo sông Cái về bến khỏi phải vượt qua trở ngại.

Ông Nguyễn Xuân, một người cao niên ở làm nghề đan ky giỏ, rổ rá ở thôn Thạnh Đức đang xuôi bè mò o kể: trước đây tôi cùng mấy người nữa bè mò o qua vực Lò, cua đinh to bằng cái nia nổi lên làm lật bè mò o của mấy người trong xóm. Hiện nay, cua đinh ở vực sâu này đã bị tuyệt chủng.

Xóm…một ngôi nhà bên sông

Người dân làm nghề đan ky giỏ, rổ rá ở thôn Thạnh Đức chặt mò o thả bè về cập bến Hóc Bướm và bến Gò Sau.

Giữa bến Hóc Bướm và bến Gò Sau có bến Xe Đá. Trước đây, thời chống Pháp rồi đến chống Mỹ, xóm nhà cạnh bến Xe Đá cư dân sống đông đúc.

thác Rọ Heo, lũ lịch sử, sông Bà Đài, Phú Yên
Cụ Nguyễn Tính 107 tuổi đang được người cháu Nguyễn Thị Chinh 64 tuổi - gọi bằng cậu nuôi dưỡng.

Thời ấy, người dân ven biển ở chợ Giã thuộc xã An Ninh Tây (huyện Tuy An) bơi sõng câu lên trên này bán mắm cá rồi mua lúa sắn chở về nên bến này rất nhộn nhịp.

Sau ngày đất nước giải phóng, một tuyến đường mới mở cách xa bến sông, người dân chuyển vào sống hai bên đường gần chợ, trường học, trạm y tế nên giờ xóm này chỉ còn một ngôi nhà duy nhất.

Căn nhà nằm trên một ngọn đồi bốn bề vắng lặng, trước mặt là cánh đồng lúa rộng gần 2ha. Khi vào vụ gieo sạ phải nhờ vào nước trời, một năm sản xuất một vụ, chủ ruộng từ xa đến canh tác.

Lúc gieo sạ và khi thu hoạch thì ban ngày mới có bóng người ở ngoài ruộng, những tháng còn lại thì cánh đồng vắng lạnh.

Phía bên phải theo hướng ngôi nhà, là thác Bằng Lăng của dòng sông Kỳ Lộ chen chân vào vách đá đổ nước ầm ào rồi chảy qua bến Xe Đá. Xung quanh nơi ở của hai con người là gò sắn, đồi mía.

Ông cụ tên là Nguyễn Tính, năm nay đã 107 tuổi còn người cháu ruột của ông là Nguyễn Thị Chinh, cũng đến 64 tuổi.

Trong ngôi nhà ấy bao năm qua có một người cháu không ngại khó khăn nuôi ông cậu tuổi cao. Cụ Tính kể, sở dĩ ông chọn sinh sống ở nơi vắng vẻ này là vì mảnh đất này gắn chặt với cuộc đời ông.

“Thời Pháp thuộc ở đây đông đúc lắm, rồi đến thời chống Mỹ cũng vậy, dân ở đây vừa đi chăn bò, vừa tiếp tế lương thực cho cách mạng. Nói là dỡ cơm để đi chăn bò luôn trưa nhưng thực tế là giấu cơm, gạo, thức ăn trong bụi tre, tối cách mạng đến lấy. Lúc đó, bom rơi đạn lạc, nhiều người đã chết và chôn ở đây. Gần tết, đông đảo con cháu về đây tảo mộ ông bà”, cụ Tính chậm rãi nói.

Ông còn dẫn chỉ cho tôi xem hàng chục ngôi mộ của những người đã từng che chở nuôi dưỡng cách mạng. Chiều, ông ngả cái nong tre ra giữa sân ngồi bó gối, tiếp tục kể những câu chuyện từ phía xa lắm của cuộc đời.

“Lớp già như tôi không ai còn nữa. Những ngôi mộ kia là thời cùng lứa với tôi. Họ nằm ở đây nên tôi không đi đâu hết. Tối đến, tôi thắp hương cầu mong linh hồn họ siêu thoát. Ai cũng đi hết, bỏ họ bơ vơ, tội!”. Thế là ông quyết định sống ở một nơi vắng vẻ này, chỉ có ngọn đèn dầu và bình trà là bạn tri kỷ đêm đêm thức cùng.

Ở đó, hồi còn trẻ, ông đã khai hoang gần 1ha đất trồng sắn, mía. Ông sống nép mình và cần cù lao động, những thửa gò lởm chởm đá nhưng đến mùa xuống giống cây trồng, một màu xanh bạt ngàn trải rộng.

Lũ lịch sử

Sông Cái chảy đến bến Chợ Lùng (xã Xuân Quang 3) thì được tiếp nước từ sông Trà Bương (người dân quanh vùng gọi là sông Con).

Sông Trà Bương bắt nguồn từ Suối Mây thuộc xã Xuân Phước (huyện Đồng Xuân), dài hơn 5 cây số, mùa mưa được tiếp nước từ suối Mây, suối Tía, suối Trầu, suối Bà Sào và suối Ré.

thác Rọ Heo, lũ lịch sử, sông Bà Đài, Phú Yên
Cầu Ngân Sơn trên tuyến quốc lộ 1 bắc qua sông Kỳ Lộ.

Được tiếp nước khi chảy đến thị trấn La Hai, dòng sông Cái rộng hơn và cũng hiền hoà hơn vì từ đây sông không còn thác ghềnh nữa.

Qua thị trấn La Hai bắt gặp hai cây cầu song song, đó là cầu đường bộ La Hai nằm trên Trục giao thông phía Tây Phú Yên vừa mới đầu tư xây dựng, và cầu sắt La Hai nằm trên tuyến đường sắt Bắc- Nam xây dựng từ thời chống Pháp.

Hai cây cầu được xem là biểu tượng “sang” nhất thị trấn La Hai và cũng là hình ảnh gắn kết giữa quá khứ và hiện tại.

Phía dưới cầy sắt La Hai khoảng 50m, sông Cái được tiếp thêm sức mạnh từ dòng nước của sông Cô, bắt nguồn từ Vân Canh (Bình Định). Lạ thay con sông này khi chảy qua địa bàn huyện Đồng Xuân cũng có 3 tên gọi, khi chảy qua địa bàn xã Xuân Lãnh người dân quanh vùng gọi là sông Hà Nhao, xuôi đến xã Xuân Long gọi là sông Cô, còn khi “lọt” ra đến Khẩu (nơi giao nhau với sông Cái) thì người dân ở đây gọi là sông Con.

Như vậy từ xã Xuân Quang 3 đến thị trấn La Hai có hai con sông Con (theo cách gọi người dân quanh vùng) đều đổ nước nhập về sông Cái.

Đến đây chúng tôi tìm gặp cụ Nguyễn Triều Sơn (70 tuổi), ở thị trấn La Hai để tìm hiểu vì sao có tên gọi sông Cái và sông Kỳ Lộ.

Cụ Sơn cho hay: “Ở huyện Đồng Xuân, lớp người cỡ gần 40 tuổi trở lên nói đến sông Cái ai cũng biết. Còn sông Kỳ Lộ trên giấy tờ, lớp trẻ bây giờ mới thạo. Người dân trong vùng đi xa cũng đều “xưng” là dân sống ven sông Cái”.

Cuối tháng 11/2009, mưa to nước từ thượng nguồn đổ về chạy dọc theo suốt chiều dài dòng sông gây ra một trận lũ lịch sử, hàng ngàn ngôi nhà chìm nghỉm trong nước lũ. Trận lũ cuốn trôi làm chết 18 người dân ở Xóm Trường (xã Xuân Quang 2), sang bằng 44 ngôi nhà.

Ông Lê Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 cho biết: “Sau lũ đời sống nhân dân gặp khó khăn. Tết năm đó người dân xóm Trường từ cái nhỏ nhất như cân nếp, gói trà, bột ngọt đến cái lớn hơn như ti vi, bàn ghế đều do các tổ chức, cá nhân khắp cả nước gởi tặng”.

Lũ lịch sử đổ về nước dâng cao đến nỗi có những ngôi nhà ở trên cao bao nhiêu năm qua chưa ngập lụt, năm đó nằm trong “diện” chạy lụt. Lũ rút hai bên dòng sông, hàng ngàn héc ta soi ruộng bị bồi lấp, xói mòn. Hàng ngàn bụi tre người dân trồng ven sông ngăn sạt lở bị “bứng” gốc. Có nơi dòng sông biến đổi dòng chảy.

Lũ đi qua dòng sông trở lại hiền hoà. Đi dọc theo suốt chiều dài dòng sông, mùa nắng để lộ những doi cát trắng trải dài. Hai bên bờ những xóm nhà nằm lưng chừng trên những quả đồi, nhìn từ xa những con đường đất như sợi chỉ xuyên qua xóm. Hai bên bờ sông, ở đó có cuộc sống cực nhọc mà êm đềm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại