Nữ sinh 15 tuổi tự tử vì bị tung clip sex: Đại biểu QH lên tiếng

Y.Dương |

Sáng nay (24/6), tại buổi thảo luận ở QH, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng: "Có thể nói, mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh tới kết cục đau lòng như trên".

Mấy ngày qua, dư luận vẫn xôn xao câu chuyện về nữ sinh N.T.A.T.  (SN 2000, ngụ xã X.Đ, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) tự tử vì bị tung clip sex lên mạng.

Sáng nay (24/6),  tại phiên thảo luận ở Quốc hội, Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã nhắc tới vụ việc thương tâm này khi nói về việc đảm bảo an toàn thông tin cá nhân trên mạng trong dự Luật an toàn thông tin mạng.

Tờ Vietnamnet dẫn lời Đại biểu Thanh Hải cho rằng, việc clip bị đưa lên mạng xã hội đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm lý của nữ sinh.

"Có thể nói, mạng xã hội đã góp phần đẩy nữ sinh tới kết cục đau lòng như trên", nguồn trên dẫn lời nữ Đại biểu tỉnh Hòa Bình.

Vẫn nói về câu chuyện nữ sinh tự tử, tờ Pháp luật TP. HCM dẫn lời bà Hải về việc, vị này có trao đổi với Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son xung quanh sự việc.

Sau khi trao đổi, nữ Đại biểu thấy rằng, clip này do bạn trai nữ sinh đưa lên mạng, thuộc loại thông tin riêng, không phải thông tin cá nhân.

Bà nói: "Việc bảo vệ thông tin riêng, cũng như quy định khác về thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật".

Theo tờ VOV, vị Đại biểu này nhấn mạnh, việc xây dựng Luật an toàn thông tin sẽ là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu các tác động xấu, tác động mặt trái của mạng Internet, mạng xã hội nên thanh thiếu niên.

Trước hết, cần bổ sung thêm về các quy định đối với việc bảo vệ các thông tin riêng trên mạng vào Chương III.

Xung quanh sự việc nữ sinh 15 tuổi tự tử, TS Huỳnh Văn Thông (Trưởng khoa Báo chí Truyền thông - ĐHKHXH & NV TP.HCM) nêu quan điểm trên tờ Tuổi Trẻ, sự kết nối rộng rãi, dễ dàng giữa cá nhân trên mạng đã bao hàm sẵn các rủi ro cho người tham gia.

Chẳng hạn như sự tấn công "bẩn", các "làn sóng" đủ năng lượng để xô đổ vài thứ trong dòng chuyển động của nó.

"Những người dễ bị xô đổ nhất trên mạng xã hội có thể là người cả tin và người yếu đuối... bản thân cuộc sống vừa là cơ hội vừa là mối nguy hiểm.

Hãy nghiêm túc học cách tận dụng và đối mặt. Bạn có thể mắc sai lầm nhưng đừng để mình gục ngã và bị xô đổ, bị cuốn trôi một cách dễ dàng", TS Thông nói trên Tuổi Trẻ.

Học viện Cảnh sát nhân dân
Đại tá, TS Đỗ Cảnh Thìn
"Vì sự việc được đăng tải trên mạng lên rất khó kiểm chứng được bản chất; những người tham gia vào quá trình thông tin này không biết rõ hình hài, tuổi tác, công việc, gia đình…; không “đọc” được cảm xúc (vui, buồn, hạnh phúc, hãnh diện, xấu hổ…) nên dẫn đến một hệ quả là không ít người cảm thấy mình không có trách nhiệm với những gì mình viết, bình luận trên mạng". (Theo VOV)

(Tổng hợp)

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại