“Nữ chúa” thổi độc
Trời tối mịt, mụ Chơn (tên thật Hồ Ta Pưng, bản Kớp, xã Hướng Phùng, Hướng Hóa - Quảng Trị) mới cắt rừng trở về nhà, trên tay cầm lá cây để chuẩn bị “thổi” giải độc cho một thanh niên chờ sẵn. Anh Hồ Cất (25 tuổi), người cùng bản không may ba ngày trước, trên đường đi lấy củi bị con rắn cắn vào bàn tay khiến toàn thân đau nhức, cánh tay sưng rộp, chữa miết không khỏi...
Anh Hồ Cất đang được mụ Chơn “thổi” độc
Mụ Chơn ít nói, chăm chú nhìn đứa trai bản, rồi vào nhà lấy ra khay đựng một chai rượu, một tấm vải, hai cái bát, một cây đăng làm bằng sáp ong rừng và tháo chiếc vòng bạc dầy đặc ở cánh tay phải đặt xuống dưới khay... Tức thì, mụ lầm rầm niệm chú những lời thì thào trong khóe miệng, ngấp ngụm rượu, lấy cây đăng bỏ vào miệng, hơ hơ vào chiếc lá rồi cứ thế vừa xoa lá, vừa phun rượu vào vết thương của chàng trai bản.
Buổi trị độc có một không hai này kéo dài chừng gần nửa tiếng đồng hồ giữa cái âm u, bí hiểm cùng tiết trời lạnh buốt đêm triền núi. Mụ Chơn hết niệm chú lại phun rượu, hơ lửa cũng phải đến chục lần. “Mai mày phải đến tiếp nhé, một ngày ba lần. Độ hai ba ngày nữa là mày khỏi thôi” - mụ dặn người trai bản.
Nếu không trực tiếp chứng kiến cảnh “thổi” độc này, thì có cạy răng mụ cũng không tiết lộ với người ngoài những chuyện trong “nghề”. Mụ Chơn bảo: cái lá đó tác dụng làm tan máu, cầm vết thương, còn lành hay không là ở câu chú niệm trong miệng. Trước và sau mỗi lần niệm đó phải làm lễ, mời ông bà tổ tiên về phù giúp, để lời chú đó công năng mạnh nhất.
Đưa ánh mắt ra khoảng tối bao la, mụ Chơn khẽ khọt như sợ ai nghe thấy: “Cái lá này cũng dễ kiếm thôi. Nó là lá từ bi nhưng phải lấy ở những khu sát “rừng ma” thì mới tốt. Sát thôi chứ không phải trong “rừng ma” nhé vì nếu chặt, lấy cây ở rừng ma sẽ bị rừng phạt, bệnh không khỏi mà càng nặng hơn đó”.
Theo chỉ dẫn của mụ, khu “rừng ma” của bản Kớp phải đi qua hai quả đồi, đến gần bên dòng suối thì nhìn tay trái sẽ thấy cây cối um tùm đó là “nghĩa địa” của người Vân Kiều trong bản. Mỗi lần lấy lá từ bi, mụ Chơn phải cắt rừng từ sớm có khi đến tối mịt mới về.
Kỳ bí gia truyền
Gần 60 mùa rẫy qua, mụ Chơn được dân bản nhắc đến như “nữ chúa”, người kỳ cựu nhất còn sót lại của phương cách bí truyền thổi giải độc. Chẳng ai nhớ nổi đã có bao nhiêu người đến mụ để “thổi” giải độc, cứu sống. Ngay cả người Kinh lên trồng cao su, làm kinh tế khi bị độc, gẫy tay cũng tìm đến mụ.
“Thổi giải độc chỉ những người trong nhà mới truyền được cho nhau. Một người chỉ truyền lại cho hai người mà thôi. 10 tuổi, tau được học rồi, phải kiêng kị nhiều năm. Ít là 3 năm, nhưng muốn hiệu nghiệm thì phải kiêng đến suốt đời” - Mụ Chơn bật mí quanh cách truyền bí “thổi” giải độc riêng có của dân tộc Vân Kiều mình.
Lá cây từ bi không thể thiếu khi “thổi” độc, thổi gẫy tay, đình sản... của người Vân Kiều
Muốn truyền “thổi” phải ăn các loại con còn sống và có đầu nhưng phải kiêng ăn các loại cá chìm (sống dưới bùn đất: chình, lươn, trê...) mà chỉ ăn loài cá nổi như cá mương, diếc, rô...; đồng thời kiêng ăn thịt cầy, mè, gà rừng và các loại thú, bò sát dữ (hổ, sói, rắn...); khi uống, chỉ được uống nước lấy từ sương rừng đọng trên các kẽ lá, trường hợp uống nước sông, suối thì phải uống ngược tức là xoay mình ngược lại với dòng chảy của con sông mới được uống; thậm chí nếu phát hiện dây phơi quầy áo thì nhất định không được chui qua; không được dùng tay bẻ cây rừng mà chỉ được dùng rựa, dao chặt cành...
Mụ Chơn bảo: “Khó nhất là học các câu thần chú. Mỗi câu phải mất ít nhất gần nửa năm mới được. Đúng ngày rằm các tháng phải ôn luyện. Vừa kiêng vừa học, nếu vi phạm chỉ một điều cấm kỵ thôi thì mọi phép thổi sẽ mất hết, không học lại được nữa”. “Khóa học” đặc biệt này kéo dài đến tận 3 năm. Tuy nhiên, sau hai năm đầu không được “thổi” cho ai, để các “phép” này già đi mong có hiệu nghiệm cao nhất.
Tôi đánh liều hỏi về những câu chú, tức thì mụ Chơn chau mày: “Đó là điều tuyệt mật nhất. Chỉ khi truyền người ta mới được nói cho nhau. Ngay cả khi “thổi độc” nếu bị người ngoài nghe được cũng sẽ hỏng phép”.
Ông Phan Văn Lực, Chủ tịch UBND xã Mò Ó, Đăkrông,
Quảng Trị cho biết: “Chuyện người được “thổi” khỏi bệnh là có thật
nhưng vẫn chưa có cơ sở nào nghiên cứu cách khoa học. Trước đây do y
học chưa được phổ biến ở bản làng, người dân dùng các cách dân gian để
chữa trị. Giờ phát triển rồi, xã tuyên truyền, vận động người dân khi
bị thương, gặp tai nạn trước hết nên để các cơ sở y tế để điều trị để
đảm bảo an toàn tính mạng”.
“Tau “thổi” là để giúp người, chẳng mong lợi lộc gì. Người ta thấy lành thì đến, không lành thì đi. Những người được cứu thì tùy tâm họ có thể trả lễ bằng rượu, gà để tau tạ lễ tổ tiên. Mấy chục mùa rẫy trước, việc thổi cầm máu, thổi gẫy tay, đình sản... tau làm hết nhưng giờ tau vẫn khuyên họ nếu bệnh nặng thì hãy đến cơ sở y tế”. |
Theo Xuân Tuyết
Bee.net