Những văn bản "lạ đời" của các cơ quan, quan chức Việt Nam

HD (tổng hợp) |

(Soha.vn) - Hàng loạt các văn bản "lạ đời", "tiền hậu bất nhất", thậm chí trái luật của cơ quan công quyền, quan chức ban hành đã gây ra sự bức xúc trong dư luận...

Hàng ngàn văn bản trái luật

Thời gian qua, không ít những văn bản "lạ đời", "tiền hậu bất nhất", thậm chí là trái luật của quan chức, các cơ quan công quyền ban hành gây ảnh hưởng không nhỏ tới quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây bức xúc dư luận.

Gây ra nhiều dư luận trái chiều trong thời gian qua, có thể kể đến Thông tư 27/2012 của Bộ Công an quy định bắt buộc phải điền họ tên cha mẹ lên CMND. Điều này đã gặp phải phản ứng khá dữ dội từ phía dư luận. 

Bảng danh sách điều hơn 60 cán bộ công chức VP UBND TP Đà Nẵng đi phục vụ đám tang.
Bảng danh sách điều hơn 60 cán bộ công chức VP UBND TP Đà Nẵng đi phục vụ đám tang.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc xem xét và “tuýt còi” vì trái với quy định trong Bộ luật Dân sự và Công ước Quốc tế về quyền trẻ em mà Việt Nam đã ký kết tham gia. 

Thủ tướng Chính phủ sau đó đã yêu cầu Bộ Công an tiến hành sửa đổi Thông tư 27 và Nghị định 170/2007 theo hướng bỏ việc ghi họ tên cha mẹ trên CMND. 

Ngoài ra,  trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, Thông tư 04/2013 của Bộ GD-ĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT đã quy định người có bằng chứng về vi phạm quy chế thi phải có trách nhiệm gửi cho nơi tiếp nhận theo quy định; không được phát tán thông tin cho người khác, dưới bất kỳ hình thức nào. 

Sau khi dư luận lên tiếng phản ánh quy định này trái với luật Khiếu nại tố cáo và Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có ý kiến, Bộ GD-ĐT đã phải ban hành ngay Thông tư 06 sửa đổi, bổ sung Thông tư 04, bỏ quy định này.

Gần đây nhất là thông tư liên tịch của Bộ Công an, Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ về quản lý, kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm đã tính tới cả việc xử phạt đối với hành vi đội mũ không đủ 3 lớp (thuộc thẩm quyền của nghị định do Chính phủ ban hành - PV). 

Thậm chí một lãnh đạo của Cục quản lý thị trường còn hăng hái xung phong để lực lượng này ra đứng đường cùng cảnh sát giao thông để kiểm tra xử phạt. Dư luận đã lên tiếng phản đối mạnh mẽ và sau đó các cơ quan chức năng này đã phải sửa đổi ngay sau đó.

Năm 2012, thống kê chưa đầy đủ của Bộ Tư pháp đã cho thấy một bức tranh đáng lo ngại: các bộ, ngành, địa phương (bao gồm cả cấp tỉnh, huyện, xã) đã tự kiểm tra trên 1.054.366 văn bản do mình ban hành, phát hiện 5.240 văn bản có dấu hiệu vi phạm các điều kiện về tính hợp pháp của văn bản. Cơ quan chức năng đã tiến hành xử lý 4.371/5.240 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật (83%)

Hàng loạt văn bản "tiền hậu bất nhất"

Bên cạnh hàng loạt những văn bản trái luật của các cơ quan công quyền, thời gian qua dư luận cũng không khỏi bức xúc, xôn xao trước hàng loạt văn bản "lạ đời" của nhiều quan chức tại một số địa phương.

Ngày 18/10/2012, bà Nguyễn Ngọc Ánh, Phó chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Năm Căn đã ký văn bản phân công các cán bộ tại đơn vị này trực đám tang em trai của ông Nguyễn Việt Nam, Chi cục trưởng Chi cục Thuế huyện Năm Căn.

Cuối tháng 11/2011, ông Đỗ Thanh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Thanh Hóa tổ chức đám cưới cho con gái. Bộ phận tham mưu của Sở đã ban hành lịch phân công nhiệm vụ cụ thể cho đội ngũ cán bộ công nhân viên cơ quan từ ngày 1/11 đến khi kết thúc lễ vu quy.

Gần đây hơn, ngày 26/3/2013, UBND tỉnh Kon Tum đã ra công văn điều động cán bộ và nhân dân đến xem và cổ vũ các trận bóng đá U19 Quốc gia - Cúp Tôn Hoa Sen năm 2013…

Trong một văn bản mới đây, để phục vụ đám tang của một cựu lãnh đạo địa phương, Chánh VP UBND TP Đà Nẵng đã điều hơn 60 công chức thuộc các phòng ban của UBND TP để phục vụ.

Bảng phân công trực phục vụ đám tang vị cựu lãnh đạo có đóng dấu của ông Nguyễn Văn Cán - Chánh Văn phòng UBND thành phố Đà Nẵng ghi rõ tên của hơn 60 công chức với thời gian phân công rõ ràng ca trực của từng nhóm công chức từ chiều 13/6 đến trưa 17/6.2013.

Danh sách công chức thuộc các phòng quản trị tài vụ, văn xã, lưu trữ, tổ chức, kinh tế tổng hợp, quản lý đô thị, tiếp dân, nội chính… được điều động phục vụ từng công việc rõ ràng.

Trong bảng phân công có đóng dấu này, người ký yêu cầu các đồng chí Trưởng phòng, Giám đốc trung tâm sắp xếp thời gian để cho các công chức có tên trong danh sách tham gia phục vụ đám tang theo phân công.

Trả lời báo chí sau đó, ông Chánh văn phòng cho rằng: “Việc này tôi không có gì để trao đổi, muốn làm việc thì cần phải có văn bản gửi sang Văn phòng UBND thành phố".

Công văn với nội dung in nghiêng
Công văn với nội dung in nghiêng "lạ đời" của Hiệp hội vận tải Hà Nội.

Mới đây nhất, ngày 10/6/2013, Chủ tịch Hiệp hội vận tải TP. Hà Nội đã có công văn số 18/2013/HH-CV về việc đề nghị hoãn việc điều chuyển phương tiện nhằm giảm tải bến xe Mỹ Đình gửi tới UBND TP. Hà Nội.

Tuy nhiên, điều khiến mọi người chú ý ở chỗ, cuối công văn có một nội dung được in nghiêng: “Ngoài ra cũng cần phải lưu ý đến các mối quan hệ: Thái Bình là quê của 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng, 2 Thứ trưởng Công an, Nam Định là quê của 1 Phó Thủ tướng, 3 Bộ trưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung Ương, Phó Ban Kinh tế Trung ương…” để TP. Hà Nội “cân nhắc một cách cẩn trọng trước khi đưa ra quyết định cuối cùng".

Bên cạnh đó, thời gian qua, dư luận cũng không khỏi bức xúc trước hàng loạt thiếp mời cưới, báo hỷ, mời giỗ.. nhưng lại có in nguyên cả họ tên và chức vụ của không ít các quan chức hàng tỉnh. 

Những văn bản trái pháp luật, "lạ đời" này, sau đó đều được chỉnh sửa, tạm dừng hoặc nhận được lời xin lỗi từ các quan chức nhưng  vấn đề thực tế vẫn đang đặt ra đó là, trình độ quan trí của chúng ta hiện nay phải chăng đang có vấn đề (?) và dù ra văn bản sai nhưng cho đến nay vẫn chưa có bắt cứ ai bị xử lý, chịu trách nhiệm.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại