Những điều chưa biết về ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết

Hoàng Đan |

Không chỉ muốn có mâm ngũ quả đẹp mắt, ấm cúng trong ngày Tết mà mỗi gia đình còn cần hiểu ý nghĩa mâm ngũ quả để gửi gắm ước nguyện trong năm mới.

Ngũ quả tượng trưng cho sự sinh sôi phát triển

Ngày Tết cũng vậy, nhà nào cũng có tục lệ bày soạn các loại quả để thờ cúng. Mâm ngũ quả ngày Tết có ý nghĩa bao trùm là thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, lòng thành kính với tổ tiên.

Trao đổi với chúng tôi, Đại đức Thích Thanh Thắng, Ủy viên Ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, theo đạo Phật việc cúng bái xuất phát từ lòng thành, từ sự hoan hỷ, không quan niệm nhiều ít hay chẵn lẻ.

Nhưng có một số quan niệm cho rằng, số lẻ thuộc dương, cụ thể số 5 đứng vào chữ sinh, tượng trưng cho sự sinh sôi phát triển.

Về màu sắc của các loại quả: màu trắng thuộc kim (trái lê…), màu đỏ thuộc hỏa (trái táo đỏ, trái hồng…), màu vàng thuộc thổ (trái đu đủ, cam, quýt, quất, dứa…).

Màu xanh thuộc mộc (như táo xanh, chuối xanh…), màu tím sẫm thuộc thủy (như nho tím, vú sữa tím…).

Mâm ngũ quả thông thường ở miền Bắc không bao giờ thiếu chuối tiêu xanh, bưởi, quất, táo xanh, phật thủ, ngoài ra còn có thể điểm thêm cả cam, quýt, ớt, lê…

Đại đức Thích Thanh Thắng.
Đại đức Thích Thanh Thắng.

Ở miền Nam thì lâu nay người ta vẫn cúng trái mãng cầu, trái dừa (đọc là vừa), trái xoài (đọc là xài), trái đu đủ, trái sung (ghép lại thành: cầu vừa đủ xài và sung túc).

Ngoài ra số 5 cũng tượng trưng cho ngũ phúc. Đầu năm đón ngũ phúc vào nhà thì cả năm sẽ tốt đẹp.

Có một số quan niệm khác nhau về ngũ phúc, chẳng hạn có người cho rằng ngũ phúc bao gồm 5 chữ: Phú (giàu có), Quý (địa vị sang trọng), Thọ (sống lâu), Khang (khỏe mạnh), Ninh (bình an).

Người Hoa thì diễn giải khác hơn khi cho rằng ngũ phúc bao gồm: Trường Thọ (không đoản mệnh), Phú Quý (có địa vị, giàu sang), Khang Ninh (khỏe mạnh, bình an), Hiếu đức (sống lương thiện, nhân hậu), Thiện chung (khi chết nhẹ nhàng, thanh thản, không tật bệnh...).

Cách lý giải ít nhiều khác nhau, song vẫn được nhấn mạnh ở 3 chữ đầu tiên là Phú, Quý, Thọ (cũng được xem là Phúc, Lộc, Thọ), bởi người ta cho rằng chữ “Khang”, “Ninh” cũng nằm trong chữ “Thọ”.

"Với quan niệm về ngũ phúc như thế, người ta bày mâm ngũ quả cũng với những ước mong ấy.  

Nói chung về số lượng ít nhiều, màu sắc, chẵn lẽ, hay diễn giải các ý nghĩa khác nhau cũng tùy vào quan niệm của người dân mỗi vùng miền, và cho đến nay ít nhiều cũng có giao thoa, thay đổi", Đại đức Thắng chia sẻ.

Những điều lưu ý trước khi bày mâm ngũ quả

Theo anh Nguyễn Văn Mạnh, một người bán hoa ở chợ Long Biên (Hà Nội), nhiều gia đình khi mua các loại quả về, thường rửa cẩn thận cho quả bóng, đẹp.

Tuy nhiên, việc rửa sẽ làm quả sớm bị héo hoặc thối nếu có chỗ đọng nước. Do đó, chỉ cần dùng khăn giấy ẩm lau sạch quả là được.

Với những quả bưởi mà vỏ bị ố vàng hay mốc xanh, có thể hòa chút nước vôi sạch, thấm vào khăn lau đều sẽ cho vỏ bưởi vàng mà không lo đọng nước, héo bưởi.

Thêm vào đó, do bận công việc, nhiều gia đình có thể mua quả từ ngày 27 - 28 Tết, thậm chí sớm hơn.

Do đó, nếu không tính đến việc mâm quả sẽ còn để từ 30 Tết đến vài ngày sau mà chọn mua những quả đã chín đẹp, vừa mắt thì khi bày, quả đã có thể bị chín quá, lá héo, mũm vỏ.

Nên lựa những quả già nhưng chưa chín quá (tùy theo thời gian mua có sát ngày 30 Tết chưa). Chuối nhất định phải là chuuối xanh. Các loại quả xoài, mãng cầu, đu đủ, hồng… nên mua quả ương về bày để không bị thối.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại