Cụ Mai Huy Định (làng Đông Phú, xã Hậu Thành, Yên Thành) chia sẻ trên tờ Tiền Phong: "Nhiều gốc lim ở rừng lim Hậu Thành có niên đại cách đây hơn 200 năm.
Ngày tôi còn chơi khăng, đánh đáo, đã thấy những gốc lim cổ thụ này. Giờ tôi bước vào tuổi “cổ lai hy”, rừng lim vẫn vậy, xù xì, yên tĩnh".
Nhiều cây có đường kính to, vài người ôm mới xuể, được người dân Hậu Thành coi như "báu vật".
Ngoài ra, ở xã Lăng Thành (huyện Yên Thành) được bao quanh bởi 106ha lim, trải dài từ thôn 1 đến thôn 8.
Lim ở đây được bà con gọi bằng "cụ" và phân bố với mật độ khá dày. Hiện nay, tất cả diện tích lim trên đã được địa phương giao cho các hộ dân quản lý, hễ để mất cây nào thì người dân phải đền tiền cây đó.
Dù thời tiết bên ngoài nắng gắt nhưng dưới những tán lim bao giờ cũng mát mẻ như buổi sớm. Có khi, ánh nắng xuyên qua những kẽ lá tạo thành luồng ánh sáng huyền ảo tuyệt đẹp.
Báo giới trong nước cho hay, lim được trồng ở xã Lăng Thành là lim xanh và lim sâu róm.
Ngoài việc là loài gỗ quý hiếm, những gốc lim cổ thụ ở Yên Thành còn có ý nghĩa lớn với người dân nơi đây, bởi lim có từ thuở lập làng, gắn với cuộc sống của bà con.
Một số cây lim trong rừng lim của xã Lăng Thành. Ảnh: Doanh nhân Sài Gòn online
Ông Đặng Ngọc Hà (đội trưởng bảo vệ rừng lim ở xã Lăng Thành, huyện Yên Thành) thông tin trên một tờ báo trong nước, rừng Chú Rùa là nơi mà những gốc lim còn giữ được vẻ hoang sơ nhất trong những nơi phân bố lim.
Việc bảo vệ, chăm sóc lim cũng được chính quyền địa phương dành nhiều sự quan tâm.
Đặc biệt, ở đây, người dân coi những cây lim cổ thụ là tài sản chung nên nhiều năm qua, tại địa phương không xảy ra vụ chặt trộm lim nào.
54 cây lim tổ cụ ở thôn Đại, xã An Lạc, thị xã Chí Linh, Hải Dương đã được Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam vào năm 2012.
Ông Nguyễn Công Văn (Trưởng ban khánh tiết đền Cao, thôn Đại, xã An Lạc) cho biết, cây cao tuổi nhất được các nhà khoa học đánh giá là trên 800 tuổi, còn cây thấp nhất cũng phải 100 tuổi.
(Tổng hợp)