Những con vật kỳ lạ nhất mới được phát hiện tại Việt Nam

Hoàng Ánh |

(Soha.vn) - Đó là những món quà thiên nhiên vô giá mà thiên nhiên đã ban tặng làm phong phú thêm hệ sinh thái tại đất nước nhiệt đới.

Ếch biết bay tại Bình Thuận, Đồng Nai

Loài ếch cây mới (tên khoa học Rhacophorus helenae) có chiều dài cơ thể khoảng 10cm. Nó có màng da nối liền giữa các chi nên có thể lướt mình nhẹ nhàng từ cây này sang cây khác. Loài ếch cây Helen không được chú ý trong một thời gian dài do nó sống trên những tán cây cao.

Phát hiện này bất ngờ bởi loài ếch mới hiện chỉ sống trong hai mảng rừng ở Việt Nam, đó là khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông, Bình Thuận và rừng Tân Phú, Đồng Nai.

Cận cảnh loài 'ếch bay' mới - Ảnh: australianmuseum.net.au

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết loài ếch cây mới tại Việt Nam đang bị đe dọa do mất môi trường sống và sự xâm lấn của con người như chăn thả gia súc và thu hái lâm sản. Các vùng đất thấp rừng nhiệt đới hiện cực kỳ khan hiếm trên thế giới. Đa phần diện tích rừng ngày càng bị thu hẹp do bị ảnh hưởng bởi bùng nổ dân số, nông nghiệp và phát triển công nghiệp.

Cá có bộ phận sinh dục ở đầu

Các nhà khoa học vừa công bố phát hiện loài cá mới sống ở sông Mêkông, địa phận Việt Nam. Điều đặc biệt là, con đực thuộc loài cá này có bộ phận sinh dục nằm phía dưới đầu và chìa ra một “cái lưỡi cưa” để dễ dàng giao phối với con cái.

Cá Phallostethus cuulong giống đực và giống cái. Ảnh: mapress.com/zootaxa

Theo tạp chí New Scientist, đó là cá Phallostethus cuulong, đặt theo tên tiếng Việt sông Cửu Long của Việt Nam. Đây chỉ là loài thứ 22 trong chi cá Priapiumfish – được lấy theo tên của vị thần tình dục và sinh sản cổ đại Hy Lạp Priapus. Tất cả chúng sống tại các dòng sông Đông Nam Á.

Bên trong cơ thể cá Phallostethus cuulong giống đực. Ảnh: L.X.Tran/New Scientist.

Trong chuyến công tác tại Việt Nam năm 2009, nhà khoa học Koichi Shibukawa làm việc tại Quỹ Môi trường tự nhiên Nagao, Nhật đã phát hiện loài cá mới này. Ông nhìn thấy một con đang bơi tại một con kênh thuộc sông Mêkông và bắt nó.

Sau này, trong quá trình hợp tác, nghiên cứu với các đồng nghiệp tại ĐH Cần Thơ, ông Shibukawa mới xác nhận đây là một loài cá mới. Cá đực có chiều dài cơ thể khoảng 2cm.

Thằn lằn tím tại Cà Mau

Các nhà khoa học đã phát hiện loài thằn lằn tròn Hòn Khoai (tên khoa học là Cnemaspis psychedelica), đây là một loài động vật đặc hữu của Vệt Nam, phân bố tại đảo Hòn Khoai (thuộc tỉnh Cà Mau).

Sửng sốt ngắm thằn lằn tím chỉ có ở Việt Nam

Chúng được các nhà khoa học phát hiện ra từ năm 2010, và hiện tại chưa tìm thấy ở nơi nào khác ngoài các vùng đồi, rừng còn được bảo tồn khá nguyên vẹn ở đảo Hòn Khoai.

Riêng phần đầu của chúng được bao phủ bởi những đốm vàng tươi, trông giống như một chiếc vương miện rực rỡ. Toàn bộ mặt trên của thân chúng được nhuộm một màu tím êm dịu, chân, đuôi và bụng có màu cam rực rỡ.

Tổng hợp theo Tuổi trẻ/Vietnamnet/Báo khoa học

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại