Nhân sự chủ chốt do T.Ư khóa mới quyết định

Hoài Thu |

Quy chế bầu cử ở Đại hội Đảng lần thứ XII do Đại hội quyết định. Việc bầu Bộ Chính trị và phân công các chức danh chủ chốt do BCH T.Ư khóa mới quyết định.

Hôm nay (20/1), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng sẽ họp phiên trù bị (chính thức khai mạc vào ngày mai), tại Hà Nội.

Nhân dịp này, Báo Giao thông có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư về công tác nhân sự Đại hội - một trong những nội dung được cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đặc biệt quan tâm. Ông Vũ Ngọc Hoàng cho biết:

Trước đây, trong quá trình bàn đề án chuẩn bị nhân sự chủ chốt, quan điểm của T.Ư là nên tìm trong số các đồng chí Bộ Chính trị đương nhiệm, vì những đồng chí đó đã có quá trình tích lũy kinh nghiệm, ít nhất có một khóa là Ủy viên Bộ Chính trị.

Bộ Chính trị khóa XI có 16 người, đến khi T.Ư xác định độ tuổi để xem xét các trường hợp tái cử thì chỉ còn lại 6 người, 10 người đã quá tuổi. Khi xem xét các chức danh chủ chốt (Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội), Bộ Chính trị đề nghị xem xét trước tiên những nhân sự còn trong độ tuổi, tất cả trường hợp quá tuổi tạm thời chưa xem xét. T

uy nhiên, quá trình T.Ư xem xét bằng hình thức phiếu kín với chức danh Tổng Bí thư cho Khóa XII, các đồng chí trong độ tuổi đạt số phiếu giới thiệu thấp, dẫn tới chưa chọn được nhân sự dự kiến Tổng Bí thư từ các đồng chí còn trong độ tuổi.

Từ thực tế này, T.Ư quyết định phải có trường hợp đặc biệt, tức là trong số các nhân sự quá tuổi đang là Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI phải có ít nhất một người ở lại để bảo đảm tính kế thừa, ổn định và tạo điều kiện trẻ hóa cán bộ.

T.Ư đã thảo luận qua hai kỳ và quyết định chọn phương án giữ lại một trường hợp đặc biệt để giới thiệu Tổng Bí thư.

Tập thể Bộ Chính trị đã họp, thảo luận và thống nhất rất cao, giới thiệu một đồng chí ở lại tham gia khóa XII, 9 đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị còn lại đều xin rút để tạo điều kiện trẻ hóa đội ngũ cán bộ.

Có lẽ đây là nhiệm kỳ có số Ủy viên Bộ Chính trị không tái cử nhiều nhất.

Các chức danh chủ chốt còn lại được chọn trong số Ủy viên Bộ Chính trị còn trong độ tuổi tái cử, T.Ư giới thiệu mỗi chức danh từ 3- 4 phương án, sau đó xem xét lập danh sách và bỏ phiếu kín để chọn phương án giới thiệu. Kết quả thống nhất rất cao, có trường hợp đạt gần 96%.


Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng

Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo T.Ư Vũ Ngọc Hoàng

Thưa ông, liệu Quyết định 244 của Trung ương về Quy chế bầu cử trong Đảng có hạn chế quyền ứng cử, đề cử tại Đại hội Đảng XII hay không, thưa ông?

Tôi khẳng định là không. Dư luận cho rằng, Quyết định 244 đưa ra một quy chế bầu cử mất dân chủ, ở chỗ không cho ứng cử, đề cử. Hiểu như vậy là chưa chính xác.

Thực chất, theo quy định của Quyết định 244, nếu anh là người cũ trong cấp ủy, anh đã trực tiếp tham gia họp bàn để thống nhất quyết nghị giới thiệu nhân sự thì anh nên có trách nhiệm với quyết nghị chung ấy.

Nghĩa là quyết định này chỉ áp dụng với những người cũ đã ở trong cấp ủy, còn những người mới được tham gia cấp ủy lần đầu tại Đại hội không vướng gì quy định đó cả.

Ngay cả với người cũ được giới thiệu thì quyền quyết định có ở trong danh sách đề cử hay không vẫn thuộc về Đại hội chứ không phải do cấp ủy quyết định.

Quy chế bầu cử ở Đại hội XII thì do Đại hội XII quyết định chứ BCH T.Ư Khóa XI không được quyền quy định cho Đại hội phải thế này thế khác.

Tất nhiên, theo tôi, thời gian tới, việc này cần phải được tiếp tục nghiên cứu để đảm bảo quyền của các đảng viên trong việc bảo lưu ý kiến khi ý kiến cá nhân khác ý kiến của tập thể, kể cả trong vấn đề nhân sự liên quan trực tiếp cá nhân mình.

Đó là nói trong trường hợp ấy, chứ khi cá nhân đã thống nhất với cấp ủy rồi thì chẳng có vấn đề gì nữa; Tính trung thực, tinh thần trách nhiệm không cho phép đảng viên làm khác cho dù không có chế tài gì.

Quá trình đề cử nhân sự chủ chốt có tính tới phương án số dư không, thưa ông?

Việc bầu Bộ Chính trị và phân công các chức danh chủ chốt khóa XII thì do BCH T.Ư Khóa XII quyết định.

Khi bầu vào Bộ Chính trị cần có số dư bao nhiêu, khi phân công chủ chốt cần có mấy phương án để lựa chọn đều do T.Ư khóa mới quyết định, T.Ư Khóa XI không làm thay được mà chỉ có thể giới thiệu phương án để cấp ủy khóa mới nghiên cứu.

Nếu được đa số đại biểu tán thành, các chức danh Tổng Bí thư, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra T.Ư có được Đại hội bầu trực tiếp?

Tôi nghĩ việc bầu cử sẽ thực hiện theo Quy chế bầu cử do Đại hội thông qua. Quy chế Đại hội chịu sự quy định của Điều lệ Đảng (là “luật cơ bản” của Đảng).

Điều lệ Đảng hiện hành chưa có quy định bầu Tổng Bí thư, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra tại Đại hội. Còn việc có sửa đổi Điều lệ Đảng hay không sẽ do Đại hội quyết định.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

1.510 Đại biểu dự Đại hội Đảng lần thứ XII

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra từ 20 đến ngày 28/1. Đại hội có nhiệm vụ đánh giá kết quả 30 năm đổi mới; Kiểm điểm việc thực hiện nghị quyết Đại hội XI của Đảng (nhiệm kỳ 2011-2015); Quyết định phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ 5 năm 2016-2020; Bầu BCH T.Ư khóa XII nhiệm kỳ 2016-2020.

Chủ đề của Đại hội là “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; Phát huy sức mạnh toàn dân tộc và dân chủ xã hội chủ nghĩa; Đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; Bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; Phấn đấu sớm đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Tham dự Đại hội có 1.510 Đại biểu (ĐB), trong đó, ĐB đương nhiệm là 197 (173 Ủy viên BCH T.Ư chính thức, 24 Ủy viên dự khuyết); ĐB bầu cử là 1.300 người (86,09%); ĐB nữ 194 (12,85%); ĐB là người dân tộc thiểu số 174 (11,52%).

Ngoài ra, còn có một số ĐB là Anh hùng LLVTND; Nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú; Thày thuốc nhân dân, Thày thuốc ưu tú; Nghệ sỹ ưu tú; Có 55 ĐB là giáo sư, phó giáo sư.

Về độ tuổi, từ 30 trở xuống có 2 người; Từ 31 - 40 tuổi có 65 người (4,3%); 41-50 tuổi có 384 người; Từ 51 - 60 tuổi 992 người (65,7%); từ 61 - 70 tuổi có 64 người (4,24%); Trên 70 tuổi có 2 người…

Đại hội dự kiến bầu 180 ủy viên T.Ư chính thức và 20 ủy viên dự khuyết. Tuy nhiên, đây mới là dự kiến, còn kết quả cuối cùng phải chờ được Đại hội thông qua chính thức.

Ngày 27/1, Đại hội sẽ bầu BCH T.Ư. Ngay sau đó, BCH T.Ư khóa mới sẽ họp phiên thứ nhất để bầu Bộ Chính trị, bầu Tổng Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư. Kết quả này sẽ được báo cáo ra Đại hội và khi Đại hội chuẩn y sẽ chính thức công bố.

Hoài Thu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại