Mua nước với giá "cắt cổ"
Bắt đầu từ ngày 13/8, đường ống nước từ Sông Đà về Hà Nội gặp sự cố, cho đến nay vẫn chưa thể tiếp tục cấp nước trở lại, khiến hàng nghìn hộ dân của Thủ đô bị đảo lộn cuộc sống.
Theo tìm hiểu của PV, khu vực tổ dân phố 1 đến tổ 7 phường Láng Hạ và một số hộ ở phường Thành Công, quận Đống Đa, Hà Nội, đang bị thiếu nước trầm trọng.
Đặc biệt, một số nhà hàng trên phố Láng Hạ đã phải mua nước sạch để kinh doanh với giá “cắt cổ”.
Chiều 17/8, có mặt tại một nhà hàng trên đường Láng Hạ, nhân viên nhà hàng cho biết: “Mất nước đã 5 ngày rồi, mọi hoạt động của nhà hàng chúng tôi rất khó khăn. Nhà vệ sinh chúng tôi cũng phải đóng mà không dám cho khách dùng....
Rất khó khăn mới có thể liên hệ được với công nhân của công ty nước sạch, mua được xe nước thì chúng tôi phải trả từ 800 đến 1 triệu đồng, trung bình 100 nghìn/ khối”.
Tối cùng ngày, phóng viên cũng chứng kiến cảnh hiếm gặp của những người dân đang chờ đợi đến lượt “xin” nước sạch do xe bồn của Công ty nước sạch mang đến khu vực đường Láng.
Tài xế và nhân viên đang phục vụ ở đây cho biết, từ 2 ngày nay các anh phải liên tục đi theo chiếc xe bồn này và hoạt động hết công suất.
“Những nơi nào mất nước mà đông dân cư hơn thì chúng tôi ưu tiên đến trước và cấp nước miễn phí cho người dân”, một nhân viên cấp nước cho biết.
Nhiều hộ dân tranh thủ trưng dụng mọi thứ để làm bình chứa nước.
Có người từ rất xa khi nhận được thông tin cũng mang theo bình đến xin nước.
Ngứa không chịu được phải tắm trộm
Không chỉ ở khu vực nội thành bị mất nước sinh hoạt, ở ngoại thành như làng Phú Mỹ, thuộc phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), hàng trăm hộ dân cũng đang phải sống trong cảnh không có nước sinh hoạt.
Nhiều sinh viên trọ học cho biết, họ đã phải đi tắm nhờ hoặc tắm “trộm” do quá sức chịu đựng.
"Chúng em đều chưa đi làm nên tiền ăn còn không có, nghĩ đến cảnh đi tắm ở các nơi dịch vụ là điều không tưởng. Có khi đến nhà bạn bè hoặc người thân tắm nhờ, nhưng vì phương tiện và đường xá xa nên không duy trì được bao lâu.
Gần đây có một số bạn khi ngứa quá không chịu được thì đành lén lút sang giếng nhà chủ tắm trộm ...", một sinh viên chia sẻ.
Bà Phương, chủ nhà trọ ở đường Mỹ Đình cho biết, khu nhà trọ bà cho thuê từng có nhiều sinh viên đến tắm trộm, dù bà biết nhưng cũng thông cảm.
“Việc mất nước nhiều ngày nay tôi rất hiểu. Tuy nhiên, có nhiều sinh viên vào tắm nhưng không hỏi ý kiến của chủ nhà chắc do ngại. Nếu hỏi một tiếng thì tôi cũng thoải mái hơn nhưng mà thôi trong điều kiện này cũng thông cảm cho các cháu”, bà Phương chia sẻ.
Nhiều hộ gia đình, nhà trọ phải sắm máy bơm.
Theo tìm hiểu được biết, các hộ dân ở trên đều sử dụng nguồn nước sạch của Hợp tác xã Dịch vụ Tổng hợp Nông Nghiệp Mỹ Đình (nguồn nước sạch Sông Đà).
Từ khi mất nước đến nay, nhiều gia đình đã thuê thợ về đào nước giếng khoan để sinh hoạt, mỗi lần đào giếng mất 7 triệu đồng, chưa kể máy móc.
Liên quan đến sự việc trên, ông Nguyễn Văn Ngà, Phó Chủ nhiệm HTX Dịch vụ Tổng hợp nông nghiệp Mỹ Đình cho biết, đơn vị chưa thấy người dân có kiến nghị về việc mất nước mà chỉ nhận được đơn của người dân đề nghị thay đường ống nước.
“Hiện nay, việc mất nước là do nước Sông Đà yếu cho nên không cung cấp đủ nước cho người dân sinh hoạt. Ngay như nhà tôi ở ngoài đường chính cũng không có nước dùng”, ông Ngà cho hay.
Cũng theo ông Ngà, một phần nữa là do đường ống dẫn nước thiết kế cho các hộ dân sử dụng được làm từ năm 1998 quá nhỏ, nên khi có nước thì các hộ gia đình ở bên ngoài đã hút hết nước dẫn đến các hộ sâu bên trong không có nước chảy vào.
Cuộc sống của hàng trăm hộ dân ở Thủ đô đang bị đảo lộn do thiếu nước sinh hoạt.
Trước đó, cũng trong ngày 17/8, trao đổi qua điện thoại với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty nước sạch Vinaconex cho biết, đơn vị này đã khắc phục xong sự cố vỡ đường ống nước và cấp nước trở lại cho người dân từ 3 đến 4 hôm nay.
Theo ông Tốn, việc không có nước ở một số nơi thì trách nhiệm thuộc về đơn vị cấp nước.
“Bên tôi đã cung cấp nước đều đặn, không giảm áp trong đợt này, việc thiếu nước là không thể”, ông Tốn nói.
Tuy nhiên, theo ghi nhận đến 17h chiều 17/8, tại nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội vẫn rơi vào tình trạng mất nước.