Võ Trọng Nghĩa được coi là "nhà ảo thuật" ứng dụng nguyên lý động lực học vào kiến trúc.
Anh nổi tiếng với việc sử dụng những vật liệu truyền thống và thân thiện với môi trường như tre và gỗ để xây dựng công trình hoành tráng, độc đáo như nhà "House for Trees", nhà trẻ "Farming Kindergarten", nhà hàng tre "Bamboo Wing"...
Những công trình cây mọc từ bê tông của Võ Trọng Nghĩa nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới.
Mới đây, kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa ra cuốn sách “Vo Trong Nghia Architects", tập hợp những công trình kiến trúc nổi tiếng làm nên tên tuổi của anh.
Để hiểu thêm quan điểm của anh về thiết kế “xanh”, chúng tôi đã có buổi trao đổi ngắn với kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa.
Nếu được quyền thiết kế lại thành phố...
Tại sao anh ra sách “Vo Trong Nghia Architects” trong khi anh biết sách kiến trúc ở Việt Nam không “hot” lắm?
Võ Trọng Nghĩa: Thực ra, họ chưa xuất bản nhiều cuốn sách như thế này nhiều lắm từ trước đến nay nên chuyện “hot” hay “không hot” thì chưa rõ.
Nhưng mục tiêu của chúng tôi khi in ra cuốn sách này là nhằm chia sẻ những kinh nghiệm.
Ví dụ, việc sử dụng những vật liệu thân thiện với môi trường như tre, gỗ, đá, đất cho mọi người tham khảo để thực hiện xanh hóa ngôi nhà mình một cách dễ dàng. Tôi tin rằng, sẽ có một lượng người cần cuốn sách này.
Cuốn sách này chúng tôi làm hết và được Thaiha Books hỗ trợ phân phối rất nhiều. Chúng tôi làm mọi thứ làm ra cuốn sách này hoàn toàn miễn phí và được nhiều bên tài trợ ra cuốn sách đó.
Chính vì thế, giá bán mới có giá 300 nghìn đồng để đến được tay những em sinh viên, kiến trúc sư trẻ…
Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa được mệnh danh là "nhà ảo thuật" trong thiết kế.
Anh có rất nhiều công trình hiện đại khiến nhiều người ngạc nhiên được làm từ tre, gỗ - những vật liệu rất rẻ và gần gũi với người dân Việt Nam. Vậy tại sao anh đem tính Việt vào thiết kế của mình nhiều đến vậy?
Võ Trọng Nghĩa: Tôi dùng những thứ xung quanh như tre, đá, gỗ để tạo ra một không gian kiến trúc.
Trước hết, là phù hợp với phong thổ, khí hậu, con người, cách sống vùng đó và tự khắc tạo thành bản sắc chứ không phải tôi cố nhét “bản sắc Việt” vào không gian kiến trúc.
Vậy những công trình xanh thì sao?
Võ Trọng Nghĩa: Tôi mong những căn nhà ở Hà Nội vàT.p HCM trồng càng nhiều cây xanh càng tốt. Vì vậy, công ty chúng tôi chỉ thiết kế cho những ngôi nhà gọi là “nhà cho cây”.
Khi người ta đến gặp tôi, câu đầu tiên tôi hỏi là “tôi làm nhà cho cây, anh chị có chịu không?”, rồi mới làm.
Căn nhà 50 m2 có thể trồng được 15 cây cao và không gian trong nhà hoàn toàn đảm bảo.
Nếu chúng ta làm như thế sẽ trở thành những ví dụ dễ dàng, dễ hiểu cho người dân sống trong khu đô thị. Mọi người sẽ làm ngày càng nhiều để tạo thành một đô thị xanh.
Nhiều người dân Hà Nội đã bắt đầu trồng cây xanh, rau trên ban công, tầng thượng rồi. Nhưng nhiều người cho rằng “đất chật người đông” không đủ diện tích trồng?
Võ Trọng Nghĩa: Đó chính là lý do mình đưa cho họ quyển sách để họ học cách, kinh nghiệm trồng cây, phủ xanh ngôi nhà. Hoàn toàn có thể trồng cây xanh trong diện tích nhà của bạn.
Nếu anh được quyền thiết kế lại thành phố, anh sẽ làm gì?
Võ Trọng Nghĩa: Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những thành phố ít cây xanh nhất trên thế giới.
Nếu được quyền thiết kế lại thành phố thì điều đầu tiên tôi muốn làm là đổi các mái tôn lổn nhổn thành mái cây xanh. Đơn giản như vậy chứ không phải đao to búa lớn, một việc có thể làm ngay và luôn.
Việc thứ hai, tôi sẽ có quy định người dân muốn được cấp phép xây nhà thì cần phải làm mái xanh và đảm bảo có mái cây xanh thì mới được hoàn công.
Và điều tôi luôn nghĩ là mong muốn người dân trồng nhiều cây xanh càng tốt cho thành phố.
5 năm không có việc làm
Trong một bài báo, anh có chia sẻ 5 năm sau khi từ Nhật trở về Việt Nam anh không có việc gì để làm. Vậy anh vượt qua khó khăn đó như thế nào?
Võ Trọng Nghĩa: Mọi ngành nghề khởi nghiệp đều khó khăn và đó như sự sàng lọc tự nhiên xem mình theo được hay không.
Tôi cho rằng, đó là may mắn vô cùng lớn trong cuộc sống của tôi để rèn luyện lòng kiên nhẫn chứ không phải thất bại.
Lúc đầu, 5 năm khó khăn là bình thường. Mình giảm thiểu các chi phí để có thể sống được và làm từ những công trình nhỏ nhỏ để đi lên.
Lúc ấy, văn phòng của chúng tôi chỉ có 10m2 với giá thuê 3 triệu đồng/tháng. Văn phòng chỉ có vài cái ghế, 5-6 người ngồi, người ta đến rất khó để giao phó thiết kế. Nhưng thời gian ấy tôi suy nghĩ ra nhiều ý tưởng.
Thất bại là mẹ của thành công và tôi luôn xác định tâm thế trở về số “MO”. Tôi đã từng làm nhà gỗ ở Nhật mất 3 năm, vậy thì 5 năm vật vờ ở Việt Nam không có gì là khó khăn.
Bar gió và nước của Nguyễn Trọng Nghĩa.
Anh nói, anh chịu ảnh hưởng từ nền giáo dục của người Nhật. Vậy điều gì đáng quý nhất mà anh học được ở họ?
Võ Trọng Nghĩa: Điều tôi học được là phương pháp tư duy tiếp cận vấn đề của họ giản dị.
Buổi học đầu tiên của tôi ở một trường cao đẳng vùng sâu vùng xa ở Nhật Bản như thế này: Tôi bị bịt mắt đi bộ khắp trường. Tôi phải vận dụng hết trí nhớ ghi lại tất cả để đi không vấp.
Điều này giúp phát huy trí tưởng tượng của mình và khả năng vượt qua sợ hãi.
Điều thứ 2 là khi tôi học ở trường ĐH Tokyo. Lúc đó, tôi học thạc sỹ nhưng họ cho tôi 3 kg đất sét làm một cái cầu vượt 60 cm.
Người ta dạy điều giản dị nhưng có tính ứng dụng rất lớn vào thực tế. Đó chính là việc đào tạo phương pháp cách nghĩ, tiếp cận vấn đề đơn giản.
Trân trọng cảm ơn chia sẻ của anh!
- Kiến trúc sư Võ Trọng Nghĩa tốt nghiệp thủ khoa Học viện Kỹ thuật Nagoya (Nhật Bản) năm 2002 và nhận bằng thạc sĩ hạng ưu của Đại học Tokyo năm 2004.
- Anh là một trong hai người Việt được vinh danh là lãnh đạo trẻ tiêu biểu toàn cầu năm 2014 do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) bình chọn.
- Anh hai lần được trao tặng danh hiệu Men Of The Year năm 2013 và 2014 ở hạng mục Architect do tạp chí TTVH & Đàn Ông tổ chức.