Chặng đường tìm hạnh phúc
Nếu ví cuộc đời chị Nguyễn Thị Hằng (SN 1957, thôn Văn Hội, xã Văn Bình, Thường Tín, Hà Nội) như một bản nhạc thì ở đó, đa số là những nốt trầm. Bởi lẽ, anh Nguyễn Đức Đăng (SN 1959) chồng chị bị tâm thần phân liệt, lúc nào cũng ra ngẩn vào ngơ. Sức khỏe anh không có nên mọi công việc trong nhà đều do một mình chị định đoạt. Hai người lấy nhau được gần 15 năm, có với nhau hai mụn con nhưng hai cô con gái xinh đẹp của họ trí tuệ cũng chậm phát triển.
Nhìn anh Đăng đang rít vội điếu thuốc lá, thỉnh thoảng, đôi tay thô ráp của anh lại vuốt nhẹ mái tóc của con, chị phân trần: “Nhìn thế thôi nhưng tâm trí của anh chỉ như đứa trẻ. Hơn 30 năm nay, anh sống như thế rồi”.
Kể lại mối tình năm xưa với “tiếng sét ái tình” của cô gái lần đầu bước vào yêu, chị Hằng cười, nụ cười đầy chua xót.
Trong một lần đi gặt lúa thuê cho nhà bà Bùi Thị Nuôi ở thôn Văn Hội, chị Hằng tình cờ bắt gặp hình ảnh người đàn ông tha thẩn trước hiên nhà, thỉnh thoảng lại ngẩng lên, ánh mắt vừa như vô hồn lại vừa đăm chiêu. Sự hiền lành, chất phác và ánh mắt ấy đã chiếm trọn trái tim của người phụ nữ mà từ nhỏ đã phải sống cảnh “dì ghẻ con chồng”.
Thêm đó là sự động viên của hàng xóm “lấy nó đi cho đỡ khổ”, khiến chị càng quyết tâm đến với anh mặc mọi sự phản đối, sự ái ngại của mọi người xung quanh về tương lai của chị. Bản thân chị hiểu, hai người khổ gặp nhau cuộc sống sẽ càng khổ hơn nhưng chị không cưỡng lại “sự sắp đặt của số phận” và coi đó như cái duyên nợ từ kiếp trước của mình với anh Đăng.
“Quen nhau 2 tháng, gặp nhau được 3 lần, anh cũng bảo tôi: “Hằng thương thì lấy tôi để tôi có một chỗ dựa còn tôi không làm được gì đâu”. Chính câu nói ấy của anh càng khiến tôi thương anh hơn và quyết định lấy anh làm chồng” – chị Hằng tâm sự.
Chật vật con đường mưu sinh
Nhìn chồng đang nghịch chơi cùng con gái út, bé Nguyễn Thị Lan Anh (4 tuổi), chị Hằng thở dài: “Mẹ chồng tôi mới mất được 3 – 4 tháng, trước khi mất bà cũng dặn tôi phải chăm sóc anh và vợ chồng đừng khi nào mắng chửi nhau”.
Xung quanh nhà, mọi thứ vẫn xếp chồng bừa bộn, đâu cũng là những thứ mọi người cho: từ chiếc tivi cho tới xe đạp, bộ quần áo… Tự tay anh chị không có đủ kinh tế để sắm.
Nhiều lúc nhìn chồng cứ ra ngẩn vào ngơ mà không làm được gì, chị cũng bực, cũng giận chồng rồi giận mình, rồi chị khóc, khóc ngày, khóc đêm, khóc cả trong những cơn mộng mị.
“Nhiều người khuyên bỏ anh để đi tìm hạnh phúc mới. Nhưng tôi không làm được như thế vì tôi bỏ đi, anh và con sẽ lại dắt nhau đi lang thang, bữa no bữa đói. Anh cũng bảo tôi: “Hằng cố chăm sóc tôi, tôi không làm được gì đâu, sau này tôi chết tôi sẽ phù hộ Hằng”. Nghe những lời thủ thỉ ấy, chẳng người vợ nào nhẫn tâm bỏ đi. Hơn nữa, tình cảm của tôi dành cho anh vẫn còn nhiều lắm” – mím chặt môi chị Hằng nói.
Ngày sinh con gái đầu lòng, bé Nguyễn Thị Hiểu Ly (13 tuổi), chị phải đi nhặt lá rau má, hái từng quả sung về cho các thành viên trong gia đình ăn.
“Khi mới sinh bé thứ hai, có người thấy gia cảnh khốn khó quá, tới xin tôi con về nuôi, cũng có người khuyên tôi đưa nó vào Trung tâm Bảo trợ xã hội, nhưng tôi không đồng ý. “Có rau ăn rau, có cháo ăn cháo”, gia đình 4 người chúng tôi sẽ nương tựa vào nhau để cùng vượt qua cảnh khổ” – chị Hằng chia sẻ.
Nhắc tới những lần anh đi lang thang, chị càng xót xa hơn. Đó là câu chuyện xảy ra khoảng 3 – 4 năm trước, trong một lần không kiểm soát được hành vi của mình, anh Đăng đã bỏ nhà lên khu vực Cao Bằng, Lạng Sơn mà trong túi không có nổi đồng xu. Cả nhà đã đi tìm khắp nơi nhưng tung tích về anh vẫn biệt tăm. Ngày anh trở về sau 4 tháng đi “lang bạt” với thân hình tiều tụy “da bọc xương”, chị vừa mừng vừa tủi. Sự trở về của anh, với chị đó là điều may mắn.
Vào những ngày nắng nóng, anh Đăng “phát bệnh” nhiều hơn. Anh có thể gây hấn với người xung quanh khiến chị có lần phải quỳ lạy để xin sự tha thứ từ mọi người, nhưng chưa khi nào anh đánh đập hay quát mắng vợ con. Trong mắt chị, anh vẫn chỉ là “đứa trẻ” với bản tính “hiền như cục đất”.
Công việc chính hiện tại của chị Hằng là phụ dán đồ hàng mã, đi mò cua bắt ốc ngoài đồng để lấy tiền nuôi 4 miệng ăn. Chị nhớ, mình đã từng hai lần rủ chồng ra đồng cùng nhưng anh chỉ xua tay, lắc đầu. “Nghĩ đi nghĩ lại, cho anh ấy ra đồng, tiền thuốc còn hơn tiền kiếm được” – chị Hằng cho hay.
Chị kể, nơi xa nhất mà chị đi chính là những cánh đồng làng, cuộc sống quanh năm suốt tháng chị bó hẹp sau “lũy tre làng” với người chồng “điên” và hai đứa con cũng chẳng được khôn ngoan như người. Mỗi lần đi làm như thế, chị lại phải lo cơm nước sẵn, rồi vội vàng trở về khi công việc đã tươm tất.
“Nhiều lúc tôi cũng tủi thân khi nhìn hạnh phúc của các gia đình xung quanh. Cảnh sống của gia đình tôi ngày nào cũng là bữa no, bữa đói nên tôi chẳng dám ước mơ về sự “đổi vận” mà chỉ ước sao có đủ cơm ăn, áo mặc, 2 con được học hành nên người. Những nợ nần của gia đình, tôi sẽ nhịn ăn để trả dần mà không để chồng con phải khổ” – chị Hằng nói.
Và mỗi khi có ai gọi chồng mình là “điên”, hay bảo mình lấy chồng điên, chị Hằng lại nổi giận vì với chị, anh luôn là người đàn ông sống tình cảm. Khi tôi quay sang hỏi anh: “Anh Đăng có thương chị Hằng không?”, anh im lặng hồi lâu rồi khẽ gật đầu. Chính cái gật đầu ấy của anh khiến chị thêm vui, chị cười, nét cười đầy khắc khổ của người phụ nữ ở cái tuổi đã toan về chiều.
Nằm gọn trong lòng bố, bé Lan Anh cũng lí nhí: “Con cũng thương bố mẹ. Sau này con muốn được làm cô giáo”.
Và những ước mơ của họ vẫn được giấu chặt sau ngôi nhà vừa được xây nên bằng số tiền anh chị đi vay nợ, bằng sự giúp đỡ của chính quyền, cộng đồng… trên nền ngôi nhà tranh mà “mưa tới mặt, nắng tới đầu”. Nhưng dù cuộc sống khó khăn, ở đó chúng tôi vẫn tìm thấy những nụ cười, nụ cười làm vơi bớt những gánh nặng mưu sinh.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ. Tài khoản: 1912.832.546.5015 Báo Điện tử Trí Thức Trẻ - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn. |