Người Việt đang hèn đi vì “chặt chém”

Mai Quốc Ấn |

Tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho rằng, "chặt chém" là một vấn nạn kéo sự văn minh đi xuống. Và sự "vung dao" của kẻ bán, sự "rụt cổ vào" của người mua, làm cho xã hội đang hèn đi...

PGS. TS. Huỳnh Văn Sơn (Trưởng Khoa Tâm lý học, Đại học Sư phạm Tp. HCM) nhìn "chặt chém" như một vấn nạn với nhiều căn nguyên mà ở đó, cả kẻ bán lẫn người mua đang làm cho nó trở nên nhức nhối, kéo sự văn minh xuống.

Ông không giải thích bằng những lý lẽ quen thuộc như do quá khứ nghèo nên người Việt làm thế mà ngược lại, những người giàu cũng "chặt chém". Vấn nạn này đang làm cho người Việt hèn đi.

Người Việt tự đánh mất những phản ứng tích cực

PV: Người Việt có thể chấp nhận nghe chửi để được ăn dù mình bỏ tiền ra. Điều này không xa lạ và có ý kiến rằng, đó là căn nguyên của việc chịu "chặt chém". Ông có ý kiến gì về vấn đề này, thưa ông?

TS. Huỳnh Văn Sơn: Nếu chặt chém đã liên quan đến con người, đến tương tác giữa mua và bán thì nhìn nhận hành vi từ hai phía thì ý kiến đó quả thật là hợp lý.

Chúng ta cần công bằng khi đòi hỏi người bán có văn hóa, có đạo đức thì người mua cũng phải có những chiến lược, kỹ năng và những yếu tố có liên quan…

Người tiêu dùng cần phải trang bị cho mình những kiến thức, lòng tự trọng, sĩ diện song song với những kỹ năng cần thiết. Điều đó là yêu cầu không thể thiếu để trở thành những người tiêu dùng hiện đại, thông minh, có văn hóa.

Thẳng thắn và công bằng rằng, chính sự thỏa thuận vô lý trong ý thức như thế đã làm cho tình trạng này cứ tiếp diễn và dần trở thành một thực trạng tồn tại khá chặt.

Dẫu rằng trên thực tế, không ít gia đình và cá nhân đã “sợ”, “nản” nên đã hạn chế việc đi ra ngoài, đi xa ăn tết. Hay thậm chí và tự trang bị cho mình những gì cần thiết khi ăn tết du lịch trong nước hoặc đi đâu đó ăn uống trong Tết để tránh những cái hại cho mình.

Nhưng cũng chính những điều này đã dẫn đến một lệ hụy cho nhiều người là thế… Chính kiểu bảo vệ mình, mua lấy sự an toàn cho bản thân hay tránh voi không xấu mặt nào đã dẫn đến những thực trạng đáng buồn hơn trên bình diện lớn hơn…

Còn người bán thì lâu dần trở thành nếp nghĩ, rằng "kiểu gì chúng nó cũng quy phục", nên nghĩ ra những cách thức để lấy nhiều tiền hơn, chặt chém trở thành những mánh lới được suy nghĩ, tư duy khá kỹ lưỡng…

PV: Ông vừa nói là "chặt chém" đã thành nếp ở kẻ bán lẫn người mua. Và sự "chịu đựng" cho "chém" chính là thứ khiến người Việt đang hèn đi?

TS. Huỳnh Văn Sơn: Đúng vậy. Tôi nghĩ điều này thực sự đang tồn tại. Như đã phân tích, những người bán đang làm giảm hình ảnh hay thậm chí làm méo mó hình ảnh của cả một cộng đồng kinh doanh, thậm chí cả những người Việt.

Người Việt khắp nơi trên thế giới đổ về, nhiều quốc gia khắp thế giới đến Việt nam sinh sống và ăn Tết sẽ có cái nhìn rất đáng buồn đối với thực tế này ở Việt Nam.

 

Hơn thế nữa, chính sự đổi thay và sự xấu đi trong nhân cách người kinh doanh, người mua bán sẽ là cái kết rất đáng buồn cho một con người…

Còn người Việt im lặng khi bị chặt chém sẽ dần dần làm cho mình “rụt cổ” lại theo đúng nghĩa của từ này. Một là tâm lý: thôi kệ. Hai là tâm lý: Cho qua và ba là tâm lý: thủ thế hay rút lui…, sẽ dần dần làm cho thực trạng xã hội không hề thay đổi.

Hơn nữa, vì sĩ diện người ta thỏa hiệp để không bị đánh giá là khờ, là dại. Dần dần người Việt sẽ mất đi những phản ứng tích cực lẽ ra rất nhân văn, rất đúng quy định để đẩy một xã hội văn minh hơn.


Nếu bị chặt chém, chẳng bao giờ tôi rụt cổ - TS. Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

"Nếu bị chặt chém, chẳng bao giờ tôi "rụt cổ" - TS. Huỳnh Văn Sơn. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Chặt chém không phải vì nghèo

PV: "Chặt chém" là biểu hiện kém văn minh. Oái oăm là nó lại diễn ra ở một đất nước có thể nói là giàu văn hóa. Sự "đối nghịch" oái oăm này, nên được hiểu thế nào, thưa ông?

TS. Huỳnh Văn Sơn:Tôi nghĩ rằng giàu văn hóa là một sự tự đánh giá hay sự đánh giá là điều có lý. Nhưng giàu không có nghĩa là sang và văn minh. Điều chúng ta cần nhìn nhận và hướng đến là một xã hội văn minh với sự ứng xử văn hóa của con người.

Tôi mong muốn và rất tâm đắc khi mình mua hàng nghĩa là phải trả đầy đủ cho sản phẩm và thương hiệu của nó. Nhưng song song đó, phải trả luôn cho cả gói dịch vụ con người với hàng loạt những mức phí quy đổi không hề nhỏ.

Nếu người bán ý thức được điều đó, một mặt có thể lấy tiền nhiều hơn nhưng mặt khác phải hoàn thiện hơn về dịch vụ bán hàng.

Còn người mua không còn kỳ kèo, không mặc cả, trả giá từng xu một hay trề nhúng hoặc trả giá bèo bọt cho một vật phẩm, mặt hàng hay sản phẩm.

Hãy hiểu và nhớ “Thái độ của con người trước đồng tiền là thái độ của con người trước cuộc sống”.

Đừng quên đằng sau đồng tiền người bán kiếm được là uy tín, danh dự và cả nhân cách của mình. Hơn nữa, đằng sau đồng tiền bỏ ra của khách hàng là nước mắt và mồ hôi quy đổi nếu đó là khoản tiền chân chính.

Còn người mua, cũng cần nhìn người bán và nhìn đồng tiền của mình sao cho phù hợp chứ không phải quá vô tư xem tiền mình như chiếc lá hay nặng và to bằng bánh xe bò…

PV: Những đứa trẻ thường được dạy mặt tiêu cực của đồng tiền mà ít được dạy sự tích cực của nó. "Chặt chém", nếu nhìn theo logic này, cũng là một hậu quả của giáo dục, phải không, thưa ông?

TS. Huỳnh Văn Sơn: Tôi nghĩ bất kỳ hành vi và sự ứng xử nào của con người cũng đều xuất phát từ giáo dục. Đừng hiểu đó là sự dạy học đơn thuần ở trường, ở lớp.

Câu chuyện về cây đinh đứt tay của một cậu bé học vá xe làm cho tôi nhớ mãi. Khi người thầy hay người cha dùng cây đinh để làm thủng ruột xe nhiều lỗ hoặc buộc người ta thay cả ruột cũng đã làm đứt tay con mình hay học trò mình.

Nhưng đằng sau đó là cả một nhân cách cũng bị đứt đi hay bị méo mó.

PV: Người ta vẫn cho rằng, do Việt Nam mình trong quá khứ nghèo, nên một số người đã chọn sự "chặt chém" để tránh xa cái nghèo...

TS. Huỳnh Văn Sơn: Tôi muốn nói để đặt vấn đề chứ không trách cứ: Có thể người ta nghèo nên buôn bán chặt chém nhưng cũng không ít người không nghèo nhưng vẫn chặt chém giống cha mẹ, anh chị hay những người kinh doanh khác.

Từ đó, hàng loạt câu hỏi đã đặt ra: chúng ta đã làm gì với những hộ kinh doanh, hay những cá nhân kinh doanh lẻ, tạm? Bao nhiêu quan tâm hay những tác động về kỹ năng mua bán, kỹ năng kinh doanh, chăm sóc khách hàng?

Những chương trình tập huấn về đạo đức kinh doanh, nhân cách người kinh doanh và lương tâm, uy tín có được làm không?

Chúng ta đã làm gì với thuế đã thu từ những người hay nhóm kinh doanh đã đóng để có những tác động tương xứng như trách nhiệm phản hồi? Chức năng giám sát, kiểm tra và giáo dục chưa được thực thi một cách hiệu quả là một thực tế…

PV: Vậy theo ông, chúng ta cần có những phản ứng gì để xóa nạn "chặt chém"?

TS Huỳnh Văn Sơn: Chúng ta cần nhìn nhận vấn đề này trên bình diện tương tác và những hệ lụy để nhận thấy suy nghĩ và hành vi chặt chém là một biểu hiện phá vỡ những hình ảnh rất thân thiện, chuyên nghiệp và văn hóa trong tiến trình hội nhập thế giới.

Tôi nghĩ về phía người bán, cần tuân thủ những yêu cầu về đạo đức mua bán, kinh doanh. Điều này cho thấy, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc thực thi các chức năng quản lý như đã phân tích.

Việc đào tạo, hướng dẫn… là cần thiết. Nhưng song song đó, việc thực thi các chức năng của quản lý như kiểm tra, giám sát… để xử phạt, chấn chỉnh.

Còn người mua hãy trở thành những người mua bản lĩnh và có trách nhiệm. Trách nhiệm để góp phần khắc phục tình trạng chặt chém và xây dựng một môi trường kinh doanh đúng nghĩa có văn hóa.

PV: Câu hỏi cuối: Bản thân ông đã từng bị "chặt chém" chưa, thưa ông?

TS. Huỳnh Văn Sơn: Chưa. Tôi thích sự thẳng thắn trong giao dịch và hướng đến giá trị văn hóa hài lòng, thoải mái. Vì thế, tôi thường nhận được những dịch vụ tốt nhất từ người quen.

Có lẽ tôi may mắn khi được nhiều người biết đến nên nhiều chủ quán ăn hay nhà hàng rất ưu ái…Tuy nhiên, nếu bị chặt chém, tôi sẽ phản ứng lịch sự vừa và đủ để không co đầu rụt cổ theo kiểu chấp nhận thụ động hay tình nguyện chịu đựng.

PV: Xin cảm ơn ông!

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại