Cách đây chưa lâu, một bệnh nhân ở Huế bị suy đa tạng, mặt tím bầm vì nhiễm liên cầu khuẩn lợn do ăn tiết canh mua ngoài chợ. Sau 3 ngày nhập viện điều trị, bệnh nhân đã tử vong.
Theo bác sỹ Trung Cấp - Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) - thì 50% bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn cho biết, họ mắc bệnh do ăn tiết canh lợn và các chuyên gia y tế đều khuyến cáo rằng người dân không nên ăn tiết canh. Mặc dù vậy, rất nhiều người Việt Nam vẫn rất “chuộng” món ăn khoái khẩu này.
Đồng ý với lời khuyến cáo của các bác sỹ, nhiều người nước ngoài đã từng hoặc đang sống ở Việt Nam đều khẳng định tiết canh là món ăn không an toàn, thậm chí “kinh khủng” và “đáng sợ”.
Ryan Duy Hùng (Mỹ): “Bố tôi tưởng tiết canh là sô cô la”
Ryan Duy Hùng (SN 1987) là người Mỹ, anh đã sống ở Việt Nam hơn 20 năm từ khi lên 8 tuổi. Nói về món tiết canh của Việt Nam, Ryan cho biết, năm 1996, anh đã thấy bố mình ăn khi đến Việt Nam.
Ryan Duy Hùng - chàng trai nổi tiếng trong giới trẻ Việt tâm sự về món tiết canh của Việt Nam.
"Thật kinh khủng. Ban đầu ông tưởng đó là sô cô la nên ông ăn miếng rất to. Sau đó, mặt ông rất đau khổ. Ông hỏi đó là gì mới biết là máu động vật. Đó là lần đầu tiên và lần cuối ông ăn món đó.
Năm 2009, tôi được vài người bạn thân dẫn đi ăn món tiết canh. Tôi từ chối nhưng họ ép ăn nên tôi đồng ý thử. Tôi có cảm giác không tốt, không an toàn, không sạch sẽ và tôi không bao giờ ăn nó lần nào nữa.
Ryan cho rằng, đa số người nước ngoài đều thấy sợ khi biết người Việt Nam ăn món được làm từ máu động vật chưa được nấu. Ở phương Tây (Châu Âu), một số người ăn bít tết (bò tái) chưa nướng chín (rất đỏ), thỉnh thoảng có chút máu và họ đã không ăn vì thấy sợ, cảm thấy không ăn toàn", Ryan Hùng cho hay.
Hơn nữa theo lý giải của Ryan thì trong Kinh Thánh nói rằng không được ăn tiết hoặc món ăn có máu nên anh không ăn tiết canh.
František Srnec (Séc): "Tôi nôn ọe vì quá đáng sợ!"
František Srnec (SN 1990) đến từ Cộng hòa Séc và ở Việt Nam đã hơn 2 năm cho biết đã từng thử món tiết canh trong một lần đóng bộ phim Đường lên Điện Biên ở Điện Biên.
"Tất cả mọi người ăn món đó và tỏ ra rất thích. Họ mời tôi ăn, tôi tò mò ăn thử một miếng nhưng gần như tôi nôn oẹ vì quá đáng sợ. Tôi không thích vì máu được làm đông, không qua nấu chín và mùi vị rất kinh khủng, cảm thấy khó ăn. Ở đất nước tôi họ không ăn máu hay nội tạng động vật.
Lần đầu tiên tôi thấy món tiết canh là ở Việt Nam, mặc dù người Việt rất thích ăn nó mỗi sáng nhưng chúng tôi thì không vì tôi nghĩ nó không tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên tôi không nghĩ món này có thể gây chết người. Tôi sẽ không bao giờ ăn lại tiết canh nữa.
Ở Séc có món chưa được nấu chín có tên là "tatarský biftek" gồm có thịt xay tươi với một quả trứng sống, hành tây và một số gia vị. Tuy nhiên chưa ai chết vì ăn món này vì rất an toàn. Ngoài ra còn có món Prdelačka. Món này phổ biến ở vùng nông thôn và không phải ai cũng ăn. Đây là món được làm từ máu tuy nhiên đã được hâm nóng lên", chàng trai này cho biết.
Còn Jan Komárek (người Séc) cũng nói rằng món tiết canh rất kinh khủng và không bao giờ muốn thử món đó. Jan tỏ ra khá bất ngờ khi biết người Việt Nam tiếp tục ăn nó dù biết rằng có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Ryosuke Fujii (Nhật Bản): Phải cấm bán tiết canh ở Việt Nam
Chàng thanh niên người Nhật Ryosuke Fujii cho biết, năm ngoái anh đã thử món tiết canh trong bữa cơm của một gia đình Việt Nam. Anh ăn tiết canh và uống rượu vì tò mò không hiểu sao món ăn đó phổ biến ở Việt Nam. Anh cho biết, ở Nhật không có những món như vậy, mà chỉ có thịt bò, ngựa hay cá sống.
Ryosuke Fujii thắc mắc rằng tại sao Việt Nam không cấm bán tiết canh khi biết rằng món này rất nguy hiểm?
Sau khi xem những hình ảnh về bệnh nhân nhiễm liên cầu khuẩn lợn sau khi ăn tiết canh, Ryosuke Fujii rất bất ngờ và sợ. Anh thắc mắc: “Thật đáng sợ và tôi không muốn ăn nữa. Nếu có người chết vì ăn món ăn này thì cần phải dừng lại ngay, quá nguy hiểm. Hay người Việt Nam không quan tâm đến sức khỏe? Tại sao chính phủ không cấm bán tiết canh? Hãy suy nghĩ vì có nhiều người ngộ độc, tử vong!".
Royosuke Fujii cho biết thêm, cách đây vài năm ở Nhật, có ba người bị nhiễm độc chết sau khi ăn thịt bò tươi tại một cửa hàng. Sau đó, cửa hàng đó đã bị đóng cửa.