Cần phải đồng bộ các giải pháp
Năm 2015 được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chọn là năm an toàn thực phẩm, nhưng thực tế tình hình vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm, thực phẩm bẩn không những không giảm mà còn chuyển biến phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Trao đổi với chúng tôi bên hành lang Quốc hội, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho hay, thực tế các cơ quan chức năng đã phát hiện rất nhiều loại lương thực, thực phẩm có chứa chất gây ung thư, gây bệnh.
Tuy nhiên trên thực tế về mặt kiểm soát, các cơ quan chức năng của chúng ta vẫn chưa bao quát được hết.
"Đây là một vấn đề cả xã hội hết sức quan tâm. Phải khẳng định rằng, những người trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm sử dụng những hóa chất mang tính độc hại không chỉ hủy hoại sức khỏe con người hiện tại mà còn gây ảnh hưởng đến cả nòi giống.
Đây không chỉ là vi phạm mà là một tội ác với con người, chính vì thế cần phải có những chế tài để nghiêm trị", ông Vinh nhấn mạnh.
Ông Vinh cũng bày tỏ thêm, nếu người Việt cứ tiếp diễn tình trạng sử dụng các thực phẩm bẩn như thế này thì chắc chắn tỷ lệ mắc bệnh ung thư, tử vong sẽ ngày càng cao, chúng ta muốn dừng thì cần phải có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Trong kỳ họp trước, ĐBQH Trần Ngọc Vinh cũng phát biểu trước Quốc hội, đề nghị các cơ quan chức năng cần vào cuộc mạnh mẽ, hoạt động tích cực và xử lý nghiêm những người trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh thực phẩm bẩn.
Ông Vinh kiến nghị, cần phải đưa 1, 2 điều vào bộ Luật Hình sự sửa đổi, quy định xử lý về tội sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.
"Phần lớn các vùng trồng trọt, chăn nuôi người ta trồng riêng những luống rau hay nuôi gà, lợn để gia đình họ tự sử dụng còn những chất kích thích, tạo nạc, tăng trưởng rất có hại với sức khỏe dùng cho những sản phẩm mang ra thị trường bán.
Do vậy, chúng ta cần phải tăng cường việc ngăn chặn bằng cách tuyên truyền và phải kiểm tra, xử lý nghiêm ngay từ khâu nhập khẩu các chất gây hại đó. Cần xử lý nghiêm các cá nhân, tổ chức nhập các chất gây hại đó.
Phải đồng bộ tất cả các giải pháp thì mới mong giải quyết được vấn đề này", ông Vinh nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về việc sử dụng thực phẩm của gia đình, ông Vinh cho biết, do ở thành phố nên phần lớn chỉ biết đi mua ở các chợ chứ cũng không biết rõ là các thực phẩm đó có hóa chất hay không.
"Mình chỉ xem những loại rau ngon, tươi và tin tưởng, mọi người đang sử dụng thì mình mua chứ còn cũng không biết như thế nào.
Sau khi phát hiện các chất cấm, chất gây hại trong thực phẩm thì cũng rất lo ngại nhưng thực tế ngay kể cả siêu thị cũng chưa chắc đảm bảo.
Do đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác kiểm tra, kiểm định rau củ quả cũng như các loại thực phẩm", ông Vinh nói.
Dễ dàng mua các loại chất cấm
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cũng bày tỏ sự nghi ngại việc buông lỏng quản lý trong lĩnh vực an toàn thực phẩm nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh đến chất cấm Salbutamol và vàng ô.
"Kiểm tra an toàn thực phẩm trong 9 tháng, cơ quan chức năng đã phát hiện 16% mẫu thịt có chất tạo nạc Salbutamol độc hại; 7,6% mẫu thịt dư lượng có chất kháng sinh vượt chuẩn.
10,3% mẫu rau có dư lượng bảo vệ thực vật vượt giới hạn cho phép", bà Thanh nêu và cho biết mới đây Bộ Nông nghiệp còn phát hiện chất vàng ô trong chăn nuôi gia cầm.
Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An)
Salbutamol là chất độc bảng B và chỉ có những công ty có số đăng ký sản phẩm này còn hiệu lực mới được nhập.
Việc sử dụng thuốc thành phẩm và nguyên liệu chứa Salbutamol được quy định rất chặt chẽ tại các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực dược. Chất này chỉ bán theo đơn và dùng theo chỉ định của bác sĩ.
"Vậy việc thực phầm tồn dư chất cấm, độc bảng B là do đâu? Có hay không công tác buôn lỏng quản lý", đại biểu Thanh nêu câu hỏi.
Bà Thanh cũng cho rằng, dù được bán theo đơn, người dân vẫn có thể mua loại thuốc thành phẩm trên không mấy khó khăn ở các đại lý thuốc tây với số lượng tùy ý. Người bán thuốc hầu như không quan tâm người dân mua dùng vào mục đích gì.
Với vàng ô (phẩm màu công nghiệp được dùng trong sơn tường, nhuộm vải) chưa phải là chất nghiêm cấm sử dụng trong thức ăn chăn nuôi, nhưng cũng không nằm trong danh mục cho phép sử dụng.
Tuy nhiên, chất này cũng đang được sử dụng tràn lan trên thị trường và rất dễ mua.
Còn đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) cũng nhấn mạnh: "Phải đấu tranh với chất cấm, chất tạo nạc trong chăn nuôi như đấu tranh với tội phạm ma túy".
Đồng thời, ông Đương cũng mong muốn đề nghị, nông dân vì sức khỏe cộng đồng đừng dùng thuốc diệt chuột, diệt cỏ để tẩm ướp vào rau quả đem ra thị trường.
Tại Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 mới được thông qua vào sáng nay cũng nêu rõ, việc bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều yếu kém.
Từ đó, Nghị quyết yêu cầu trong năm 2016 cần tăng cường công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là tại các tuyến, địa bàn trọng điểm.
Mở các đợt cao điểm đấu tranh và cương quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.