Người đàn ông "ung thư" ôm bụng kêu đau vật vã đi xin tiền ở HN

Minh Ngọc |

Người đàn ông với khuôn mặt khắc khổ nói mình đang mang căn bệnh hiểm nghèo. Khi đến chỗ đông người, người này ôm bụng và gục xuống tỏ vẻ đau đớn.

Liên tục ôm bụng và gục xuống đau đớn

Trưa ngày 16/10, chúng tôi gặp và tiếp xúc một người đàn ông khoảng 60 tuổi nói trên, tại đường Ngụy Như Kom Tum (Thanh Xuân - Hà Nội).

Người đàn ông này mặc một bộ quần áo khá cũ kỹ, trên tay cầm một túi nilon màu đen, liên tục ôm bụng kêu đau, khuôn mặt nhăn nhó và bước đi rất khó khăn.

Người đàn ông này luôn ôm bụng, khuôn mặt tỏ ra đau đớn
Người đàn ông này luôn ôm bụng, khuôn mặt tỏ ra đau đớn

Khi đi đến trước tòa nhà cao tầng, người đàn ông này liền ngồi khụy xuống một góc tường, tay ôm bụng, mặt nhăn nhó như không còn hơi thở.

Một số nam nữ thanh niên thấy thương tình đã tiến lại hỏi thăm, người đàn ông này không trả lời một cách rành rọt mà vừa trả lời vừa mếu máo.

Với giọng nói thều thào, người đàn ông này cho biết bị bệnh ung thư, không có tiền chữa bệnh... Sau đó, ông này lại ôm bụng đứng dậy tỏ vẻ đau đớn hơn.

Một vài người chứng kiến đã nhanh chóng rút ví lấy tiền và kéo “người bệnh” lại để biếu.

Rất nhiều người tỏ ra xót thương và cho tiền
Rất nhiều người tỏ ra xót thương và cho tiền

Khi nhóm người đã đi khỏi, người đàn ông đứng dậy đút tiền vào túi quần và ôm bụng đi theo hướng đường Lê Văn Thiêm.

Với quãng đường hơn 1km, chúng tôi phát hiện người này “sụp” xuống đường khoảng 20 lần và đứng dậy cũng rất khó khăn.

Hành tung bí ẩn

Với mục đích tìm hiểu hoàn cảnh của “người bệnh” và mong muốn được giúp đỡ, khi chúng tôi thăm hỏi thì người đàn ông này càng tỏ ra đau đớn hơn. Người này cũng chỉ nhỏ nhẹ cho biết: “Tôi bị ung thư đang điều trị ở bệnh viện K”.

Về lý do đi lang thang ngoài đường trong suốt thừ gian qua, người đàn ông này giải thích.

“Nhà tôi ở xa lại không có người, đang điều trị nhưng không có tiền thì bác sỹ không cho thuốc nên phải bỏ viện mà đi…”

Quan sát trong chiếc túi nilon màu đen của người đàn ông này, chúng tôi phát hiện một vỉ thuốc giảm đau, ít bông, bịch sữa và chiếc bánh mỳ.

Khi chúng tôi đề nghị: "Nếu bản thân chú bị bệnh thì chúng cháu sẽ đưa chú đi chữa bệnh miễn phí hoặc sẽ gọi cấp cứu đến giúp đỡ. Ngoài ra, chúng cháu cũng giúp đỡ để chú có nơi ăn ở đều miễn phí".

Nhưng người đàn ông này nhất mực không nhận lời, cũng không chịu cũng cấp thông tin liên quan về mình, rồi nhanh chóng đứng dậy.


Người đàn ông này nhất định không nói tên tuổi và quê quán

Người đàn ông này nhất định không nói tên tuổi và quê quán

Vừa đứng dậy, người đàn ông phát hiện thấy đồng nghiệp của chúng tôi ghi hình, liền khua liên tục và với giọng nói mạnh mẽ hơn: "Đừng có chụp ảnh, tôi không cần sự giúp đỡ, các anh cứ để tôi đi".

Đi được một đoạn thì người này lại khụy xuống
Đi được một đoạn thì người này lại khụy xuống

Căn cứ vào thông tin người đàn ông này cho biết đang điều trị bệnh ở viện K, chiều cùng ngày, chúng tôi đã liên hệ với Bệnh viện K để tìm hiểu thông tin.

Trao đổi với PV, Bác sỹ chuyên khoa II, Nguyễn Thị Vân - Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện K Trung ương (Quán Sứ, Hà Nội) cho rằng, nếu bệnh nhân không có giấy tờ, không biết tên tuổi quê quán thì rất khó xác định có phải bệnh nhân của viện hay không.

Về thông tin bệnh nhân cho rằng do không có tiền điều trị nên phải bỏ về, bà Vân cũng cho rằng, cần phải xác thực thông tin nhiều chiều, chứ ở xã hội còn có một bộ phận không nhỏ đã lợi dụng lòng tốt của mọi người.

“Ở bệnh viện chúng tôi có Ban công tác xã hội và có quỹ Ngày mai tươi sáng đã được lập rất lâu rồi. Liên tục hàng tháng ở các khoa phòng, chúng tôi có danh sách những bệnh nhân, có người không có bảo hiểm, bệnh nhân người dân tộc, bệnh nhân rất nghèo.

Các khoa phòng có tổ chức hội đồng người bệnh để nắm được người bệnh nào thực sự khó khăn, không có tiền điều trị cần sự giúp sức của mọi người.

Nếu có bệnh nhân khó khăn thực sự, bệnh viện và mọi người sẽ chia sẻ. Thực ra, nếu có bệnh nhân nào túng thiếu thì những bệnh nhân cùng phòng họ cũng nhận ra và tự chia sẻ với nhau hoặc phản ánh tới bệnh viện…”

Bà Vân cho biết thêm: “Tuy nhiên, cũng có chuyện người dân ở ngoài giả bệnh lợi dụng lòng tốt của xã hội để xin tiền, họ có lân la ở gần bệnh viện rồi tự tạo ra các câu chuyện…”.

Trước đó, cách đây 4 tháng, chúng tôi cũng từng gặp người đàn ông trên lang thang khắp các tuyến phố tại Hà Nội. Cũng với vẻ mặt khắc khổ, ốm yếu và luôn miệng nói bản thân bị ung thư, gặp ai người đàn ông này đều nói mình sắp chết.

Từ đó ai gặp cũng cảm thấy thương cảm và không ngần ngại móc hầu bao "biếu" người đàn ông này từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn.

Người đàn ông nói mình bị bệnh ung thư nhưng không có tiền chữa trị nên phải đi xin tiền của mọi người.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại