Người dân nói gì về mẫu tàu điện Trung Quốc sản xuất cho Việt Nam?

VIẾT LONG |

Sau khi trưng bày, nhiều người dân đã được tham quan và đóng góp ý kiến về mẫu tàu điện đầu tiên của Việt Nam. Trong đó, nhiều người tỏ ra chưa hài lòng và có người đưa ra ý kiến ngược lại.

Ngày 29-10, Ban Quản lý dự án đường sắt (Bộ GTVT) chính thức trưng bày mẫu tàu điện tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông, tại Trung tâm Hội chợ triển lãm Việt Nam (148 Giảng Võ, quận Ba Đình, Hà Nội).

Theo hợp đồng giữa Việt Nam và Trung Quốc, Việt Nam sẽ mua 13 đoàn tàu của Trung Quốc, mỗi đoàn tàu có bốn toa, sức chứa tối đa 1.326 người, phục vụ vận chuyển hành khách đô thị trục Cát Linh - Hà Đông, với số tiền 63,2 triệu USD.

Được biết, tàu điện trên do Công ty TNHH trang thiết bị tàu điện ngầm Bắc Kinh (Trung Quốc) sản xuất.

Nói vễ mẫu tàu, chị Vũ Thanh Thúy, 124  đường Âu Cơ, Tây Hồ (Hà Nội), cho rằng mẫu tàu Cát Linh - Hà Đông nhìn tổng thể thì chưa được đẹp và hiện đại so với các tàu điện ở Nhật Bản.

"Tôi từng nhiều lần đi tàu điện của Nhật Bản thấy trang thiết bị trong tàu rất hiện đại, đặc biệt ghế ngồi rất cao cấp, không phải bằng ghế nhựa như tàu Cát Linh - Hà Đông.

Đặc biệt, tôi thấy đầu tàu chưa được đẹp và thiếu thẩm mỹ, đầu tàu cần phải thuôn hơn một chút như đầu cá nó mới đẹp. Tôi cũng muốn góp ý thêm về vỏ tàu, nhìn vỏ tàu này trông gia công sơ sài, thép mỏng"- chị Thúy góp ý.


 Ảnh: Chị Thúy cho rằng vỏ tàu được làm sơ sài và không đẹp. Ảnh: VIẾT LONG

 Ảnh: Chị Thúy cho rằng vỏ tàu được làm sơ sài và không đẹp. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Nguyễn Đình Hải, quận Tây Hồ (Hà Nội) lại bày tỏ sự lo lắng về việc quá tải của tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông:

"Tôi tham khảo lãnh đạo ngành đường sắt thì được biết tàu chạy 6 phút/chuyến, với đoàn tàu được thiết kế (sức chứa tối đa 4 toa tàu là 1.326 người) như thế này thì việc quá tải đã nhìn được trước mắt.

Bên cạnh đó, cửa đoàn tàu cần phải được thiết kế lại, vì đoàn tàu di chuyển theo lập trình sẵn, với lượng khách đông nên việc lên xuống chỉ diễn ra vài phút. Nếu thiết kế cửa như hiện nay thì không đảm bảo an toàn".

Ông Hải cũng cho rằng Ban quản lý dự án đường sắt cần phải để người dân góp ý kỹ hơn về thiết kế của tàu chứ không riêng gì màu sắc.


 Ảnh: Ông Hải đánh giá về thiết kế của tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VIẾT LONG

 Ảnh: Ông Hải đánh giá về thiết kế của tàu mẫu Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: VIẾT LONG

Không đánh giá chi tiết như ông Hải, ông Nguyễn Đăng Thanh, một cựu chiến binh ở Ba Đình (Hà Nội), cho biết, về hình dáng tàu thì tôi không có ý kiến, nhưng về ghế ngồi thì tôi mong muốn có thêm tay nắm để đảm bảo an toàn.

Vì tôi là người già, nếu không có tay vịn rất dễ bị ngã. 

Đồng tình với ông Thanh, ông Nguyễn Kim Tấn (huyện Trương Mỹ, Hà Nội) cũng cho rằng màu sắc bên ngoài chưa hợp lý, màu xanh này quá đậm, màu xanh da trời thì đẹp hơn.


 Ảnh: Đoàn tàu điện được trưng bày để lấy ý kiến người dân. Ảnh: VIẾT LONG

 Ảnh: Đoàn tàu điện được trưng bày để lấy ý kiến người dân. Ảnh: VIẾT LONG

Ông Lê Kim Thành, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt, cho biết mẫu tàu sẽ được trưng bày từ hôm nay đến 17 giờ ngày 30-11-2015 để người dân cùng tham quan và góp ý.

Tàu thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế

"Liên quan đến vấn đề lo lắng an toàn của tàu điện Cát Linh - Hà Đông, tôi khẳng định tàu được thiết kế theo tiêu chuẩn chung của quốc tế và Việt Nam đã yêu cầu Tổng thầu (Trung Quốc) cập nhận các thiết bị, tiêu chuẩn cao nhất để đảm bảo an toàn cho đoàn tàu"- Ông Trần Xuân Sanh, Cục trưởng Cục quản lý và xây dựng chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT) cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại