Nỗi ám ảnh
Hẹn gặp Paul George Harding tại ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong ngõ của phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội), nhìn dáng người mảnh khảnh, khuôn mặt thân thiện và đặc biệt là ánh mắt sâu thẳm, ít ai nghĩ người đàn ông này từng là lính dù thuộc Lữ đoàn không quân 173 tham chiến tại chiến trường Bình Định - Lâm Đồng từ năm 1969.
"Tôi thực sự ân hận về khoảng thời gian tham chiến tại Việt Nam, bởi khi đó tôi còn quá trẻ!" - câu đầu tiên cựu binh Mỹ chia sẻ khi được hỏi về cuộc chiến.
Được đưa đến Việt Nam từ năm 1969, sau một năm chiến đấu, Paul đã nhận ra sai lầm trong cuộc chiến nên xin trở về Mỹ và tham gia tổ chức chống chiến tranh.
Lý do để người lính Mỹ xin rút khỏi Việt Nam là sau thời gian ngắn tham chiến, Paul tận mắt chứng kiến những đau thương, mất mát mà cả người Việt Nam và Mỹ phải hứng chịu.
Paul kể, hình ảnh ám ảnh ông nhất là bé gái chứng kiến người thân bị lính Mỹ bắn đến không nhận dạng được.
"Khi lập gia đình và có con, tôi càng day dứt khi nghĩ tới hình ảnh bé gái ngồi bên người đàn ông bị bắn chết.
Là người cha, tôi chắc chắn không ai muốn con mình phải chứng kiến cảnh tượng này" - ánh mắt cựu binh Mỹ như nhìn lại quá khứ.
Chiến tranh kết thúc, Paul luôn ấp ủ trở lại Việt Nam, làm điều gì đó để chuộc lại lỗi lầm mà ông và quân đội Mỹ gây ra.
Chứng kiến cảnh Paul dằn vặt về thời gian tham chiến tại Việt Nam, vợ và 4 người con ủng hộ ông quay lại chiến trường xưa để sám hối, ăn năn.
Bạn bè Paul không ít người từng tham gia cuộc chiến cũng mong muốn như ông nhưng chưa thực hiện được nên cũng ủng hộ quyết định của cựu binh già.
Tháng 10/10/2014, Paul George Harding đến Việt Nam để thực hiện mong muốn gần nửa thế kỷ qua.
Lần quay lại thứ hai "chưa hẹn ngày về"
Một mình đặt chân xuống Hà Nội, không biết câu tiếng Việt nào, Paul không khỏi bỡ ngỡ và mơ hồ về những việc mình sẽ làm.
Như bao người nước ngoài khác khi đến Việt Nam, Paul tham gia những tour du lịch ngắn và tham quan một số địa danh nổi tiếng của TP Hà Nội như Văn Miếu, Hồ Gươm, thư viện Quốc gia…
Tại những nơi này, Paul nhận ra nhu cầu học tiếng Anh của người Việt Nam là rất lớn khi xuất hiện những bạn trẻ hay đi theo những du khách nước ngoài như ông để trò chuyện "luyện tiếng".
Một ý tưởng vụt đến trong đầu Paul và ông quyết định biến nó thành hiện thực. Ông tập hợp một số bạn trẻ quen trong quãng thời gian thăm thú Hà Nội, mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí.
Tuy nhiên, việc tổ chức trung tâm dạy tiếng Anh gặp phải một số vướng mắc về giấy tờ nên Paul và các bạn tình nguyện viên đã mở lớp học với quy mô nhỏ.
Khởi đầu với một lớp chỉ 4 học viên, nhưng bằng quyết tâm và nhiệt tình, sau vài tháng, cựu binh Mỹ có gần 400 học viên, chia đều cho 8 lớp học mỗi tuần.
May mắn cho Paul, thấy sự tích cực của ông cùng các bạn tình nguyện viên, tổ dân phố số 9 phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đã cho mượn nhà văn hóa để tổ chức lớp học mỗi ngày.
Sau mỗi lần đứng lớp, Paul trở về nhà nằm trong ngõ phường Trung Hòa để nghiên cứu về đời sống và con người Việt Nam.
Căn nhà nhỏ gọn gàng, ngăn nắp được Paul thuê bằng tiền lương hưu hàng tháng. "Tôi có lương hưu. Số tiền đó đủ cho tôi sinh sống tại Việt Nam.
Tôi thấy mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Nếu mọi người ở đây còn cần thì tôi còn chưa có ý định về Mỹ" - Paul tươi cười cho biết.
Tâm nguyện
Lớp học của Paul được mọi người biết đến do đây không chỉ là cơ hội học tiếng Anh miễn phí, mà còn bởi các buổi học luôn đầy ắp tiếng cười.
Paul chủ yếu dạy mọi người về kỹ năng nghe nói nên ông không ngại ngần hóa thân thành những con vật như: gà, bò… hay có những động tác kỳ quặc để học viên dễ hình dung và tự tin hơn trong giao tiếp.
Ngoài ra, những bài giảng của Paul xoay quanh nhiều lĩnh vực cuộc sống và phần lớn liên quan đến lịch sử Việt Nam.
Ông chia sẻ: "Tôi rất thích đề tài này và đã có nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi về sử Việt Nam, nhất là giai đoạn kháng chiến".
Paul thường sử dụng kinh nghiệm vốn có tích lũy trong cuộc sống kết hợp với việc lên Thư viện Quốc gia Việt Nam thu thập thông tin để soạn giáo án hướng dẫn học viên.
Sự linh hoạt thời gian học cùng lòng nhiệt huyết khiến học viên tìm tới lớp của người cựu binh Mỹ ngày càng tăng.
"Thời gian học lớp thầy Paul thường là vào buổi tối nên phù hợp cho những người đi học hoặc đi làm như mình.
Mới tham gia 2 tháng, nhưng sự nhiệt huyết của thầy làm cho khả năng giao tiếp của mình tăng lên rất nhiều" - Nguyễn Khánh Ly, nhân viên Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
Do phòng học chật chội nên nhiều người muốn tham gia đành chịu.
Bác Hồng - Chủ tịch Hội khuyến học phường Trung Hòa cho biết: "UBND phường rất hoan nghênh thiện chí của thầy Paul và thường xuyên thông báo trên đài phát thanh của phường cho công dân trên địa bàn biết và đến học.
Trước mắt, tôi sẽ báo cáo UBND phường, đồng thời liên hệ thêm các tổ dân phố trên địa bàn phường để hỗ trợ tốt nhất, cung cấp địa điểm dạy cho chuỗi các lớp tiếng Anh miễn phí này".
Lường trước việc học viên tăng mạnh, thầy Paul xây dựng đội ngũ giáo viên từ chính những bạn tình nguyện viên để tham gia giảng dạy trên toàn địa bàn các quận của TP Hà Nội.
Để một ngày nào đó, Paul sẽ hoàn thành tâm nguyện được trực tiếp đến giảng dạy tại Bình Định, Lâm Đồng - nơi mà cách đây nửa thế kỷ người lính Mỹ này từng tham chiến.
"Đấy là cách duy nhất để tôi bù đắp những tổn thất cho người Việt Nam. Tôi luôn mong có ngày được dạy cho con, cháu của những người lính Việt Nam một thời chúng tôi ở hai chiến tuyến" - cựu binh Mỹ tâm sự.
Sáng chủ nhật hàng tuần, Paul có một lớp học đặc biệt dành cho các em thiếu nhi. Lớp học này như một nơi để Paul trút bỏ những lo toan trong cuộc sống hằng ngày khi được vừa dạy vừa vui đùa.
“Sự hồn nhiên, ngây thơ của các cháu bé làm tôi bớt nhớ nhà phần nào” - nhìn đám học viên nhí, Paul cười hiền.