Ngôi làng chuyên đãi khách món thịt chó vào dịp lễ hội

Khanh Dương |

Phong tục giết chó đãi khách trong lễ hội hàng năm của người dân thôn Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên (Từ Sơn, Bắc Ninh) có từ bao giờ thì ít người biết. Hơn 7.000 người dân nơi đây chỉ biết rằng, đó là điều không thể thiếu trong phong tục của làng, không có “nó”, họ thấy có lỗi với tổ tiên.

Chẳng thế mà trong suốt hai ngày diễn ra lễ hội, hàng nghìn con chó đã được người dân thôn Cẩm Giang tiêu thụ, khiến du khách thực sự "ấn tượng".

Nghèo khó thế nào cũng phải có bát thịt chó để đãi khách

Vừa bước vào làng Cẩm Giang, phường Đồng Nguyên đã được nghe nhiều người dân ở đây kháo nhau về những phong tục tập quán của làng.

Bên cạnh nghề truyền thống nấu rượu nếp cẩm nức tiếng cả nước thì hội làng Cẩm Giang cũng được nhiều người biết đến với những hoạt động linh đình và những truyền thống cổ xưa còn được con cháu bảo tồn nguyên vẹn.

Điều khiến mọi người không khỏi bất ngờ là mỗi khi hội làng về, bất kể nhà nào ở thôn Cẩm Giang cũng phải chuẩn bị một mâm thịt chó để thiết khách.

“Thế mới gọi là chu đáo”, anh Nguyễn Văn Quân - chủ một quán thịt chó ở làng Cẩm Giang - vui vẻ nói, “Làng Cẩm Giang chúng tôi phát triển chẳng kém gì những làng quê khác nhưng vẫn không đánh mất đi những phong tục tốt đẹp ở làng quê.

Nếu như ở những nơi khác, người làm nghề giết mổ như tôi sẽ bị cho là gánh nhiều hậu quả tâm linh, nhưng với người dân làng Cẩm Giang thì đó có thể được coi là việc làm cao quý vì góp phần bảo vệ phong tục mà tổ tiên để lại…

Chỉ trong thôn thôi nhưng có tới cả chục quán thịt chó, hội làng về, mỗi quán chúng tôi tiêu thụ hết cả trăm con chó mỗi ngày, giết bao nhiêu cũng không xuể.

Để chuẩn bị, trước hội làng 1 tuần, chúng tôi phải đánh xe tải vào tận Thanh Hóa hay các vùng phụ cận, thu gom chó về phục vụ cho người dân trong hai ngày diễn ra lễ hội.

Nhà nào cũng phải thuê thêm người, trang bị máy vặt lông chó…”.

“Lời giới thiệu” của anh Quân khiến cho bất kỳ ai nghe thấy cũng phải tò mò.

Để hiểu về nguồn gốc của phong tục này, ông Nguyễn Xuân Tuy (62 tuổi, Bí thư Chi bộ thôn Cẩm Giang, Phụ trách phụ trách quản lý di tích làng Cẩm Giang) cho biết:

“Đình làng Cẩm Giang thờ Đức Pháp Hải Đại vương - một vị tướng của quê hương đã có công chiêu binh mộ lính tham gia cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng và đánh đuổi quân đô hộ nhà Hán vào những năm 40 - 43 sau Công Nguyên.

Trải qua các triều đại nhà Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Lê Sơ, Nguyễn…., Đức Thánh đều linh ứng phù trợ cho nước cho dân nên được các triều vua phong sắc Phúc Thần, tự Hộ Quốc Hựu Dân.

Dịp lễ hội diễn ra trong hai ngày mùng 9 - 10.2 (âm lịch) hàng năm.

Các nghi lễ sẽ diễn ra liên tục cho đến trưa, bao gồm cả lễ đón tiếp làng chạ anh Đình Bảng - ngôi làng đã kết nghĩa anh em với Cẩm Giang từ những năm kháng chiến chống Pháp khó khăn.

Thú vị nhất trong phần lễ là hành trình rước kiệu đi xung quanh làng, có tới hàng nghìn người tham gia, chật kín cả đường.

Còn phần hội thì nổi trội với những trò chơi dân gian như đấu vật, cờ người, trọi gà, đá bằng, đánh cờ tướng và nhất là nhà nào cũng chuẩn bị thịt chó để ăn trong 2 ngày diễn ra lễ hội.

Con cháu ở xa đến mấy cũng về tham dự hoặc nhờ người nhà làm lễ đưa ra đình khấn vái, cầu mong sức khỏe, phát đạt.

Phong tục giết chó đãi khách vào mỗi dịp hội làng đã có từ lâu đời, chúng tôi khi sinh ra đã được tiếp thu phong tục đó.

Chính vì thế, trong ngày diễn ra lễ hội, đi quanh làng chỗ nào cũng thơm nức mùi thịt chó với đầy đủ các món luộc, hấp, giả cầy, nướng”.

Nói đoạn, ông Tuy kể về sự tích ra đời phong tục lạ ở làng mình bằng hai câu thơ “Cơm đồng Cháy, cá Gáy đồng Chờ”.

“Đó là hai món ẩm thực nổi tiếng ở các vùng phụ cận được nhiều người biết tới.

Thời xưa, chỉ những người chức sắc trong làng mới có cơ hội thưởng thức những món ăn đó.

Trong khi đó, người dân làng Cẩm Giang của chúng tôi thì nghèo, chẳng có gì nổi trội để có thể so sánh với làng bên. Người dân trong làng chỉ có nghề nhuộm vải để nuôi thân.

Tuy nhiên, nhờ hồng phúc của nhà vua thời Lý, người dân làng Cẩm Giang được miễn thuế, chuyển từ việc chỉ được nhuộm vải trắng sang nhuộm vải lâu.

Trong mỗi lần nhuộm vải lâu như thế, đều thải ra một loại bã màu nâu của vải…

Vì người dân trong làng nghèo quá, nuôi gà không có gì cho nó ăn nên để gà ăn những bã vải màu nâu. Việc này khiến cho những con gà gầy guộc, thịt không ngon.

Mà mỗi lần hội làng đến, khách khứa rất đông, giết gà đãi khách thì họ chê không ăn nên các cụ nghĩ chuyển sang việc giết chó để đãi khách.

Ngày xưa, chó được nuôi phổ biến và không khó kiếm bằng gà. Kể từ đó, cứ mỗi dịp hội làng diễn ra, mọi nhà trong làng đều chuẩn bị thịt chó, làm đủ các món”.

Nói về phong tục này của làng mình, ông Nguyễn Văn Bình - thủ từ làng Cẩm Giang - tự hào nói:

“Nhiều người ở khắp mọi miền Tổ quốc về tham dự đều rất thích thú với phong tục giết chó đãi khách ở quê chúng tôi.

Trước đây, mỗi nhà đều nuôi chó chuẩn bị đến ngày lễ hội để thể hiện phong tục, nhưng sau, dịch vụ phát triển, nhiều nhà không nuôi được thì xuất hiện các nhà hàng.

Hai ngày lễ hội, họ đánh cả xe tải chó về giết thịt khiến không khí rất nhộn nhịp.

Đó không đơn thuần là nhu cầu ăn uống trong lễ hội mà nó còn thể hiện sự tôn kính, biết ơn tổ tiên của người dân làng chúng tôi”.

Ông Nguyễn Xuân Tuy. 

Đã ăn thịt chó là không được bước vào đình

Cũng theo ông Bình cho biết, phong tục giết chó đãi khách trong dịp lễ hội của làng luôn được triển khai trong quy tắc nghiêm ngặt.

“Tuy giết chó đãi khách trong 2 ngày là điều không thể thiếu nhưng tuyệt nhiên những món thịt chó đó không được đưa lên cúng tổ tiên, hoặc những người đã ăn thịt chó thì không được bước vào đình làng, vì theo quan niệm chung là khi đã ăn thịt chó thì thân thể không được sạch sẽ, các vị anh linh không thể về được.

Ai phạm phải sẽ bị thần linh quở trách, trừng phạt….”, ông Bình nói.

Ông Nguyễn Xuân Tuy chia sẻ: “Tôi chưa chứng kiến người nào ăn thịt chó mà dám vào trong đình cả.

Nhưng từ thời xa xưa, tôi đã được nghe bố mình kể lại rằng, có mấy cụ bô lão trong làng sau khi ăn thịt chó rồi vô tình bước vào trong đình tham gia tế lễ, mấy ngày hôm sau bỗng dưng sinh bệnh rồi qua đời.

Từ đó, mọi người trong làng chẳng ai bảo ai đều thực hiện răm rắp quy tắc làng đề ra.

Có một điều rất lạ là ngay cả những cháu bé mới 5 - 6 tuổi cũng ý thức được điều này, mỗi khi ăn thịt chó xong đều chơi quanh quẩn ở nhà mà không dám theo người lớn ra xem lễ ở đình.

Nếu người nào đã trót ăn thịt chó rồi thì cần phải chờ cho đến hôm sau, tắm rửa sạch sẽ, mới có thể ra đình được.

Biết rằng đây chỉ là tín ngưỡng của mỗi địa phương nhưng chúng tôi ai nấy đều nhất mực tuân theo”.

“Hội làng và việc giết chó đều diễn ra cùng trong một thời điểm nhưng người dân vẫn tuân thủ nghiêm và thực hiện tốt những nét văn hóa của tổ tiên.

Cũng vì thế mà đôi khi diễn ra những chuyện dở khóc, dở cười xung quanh phong tục này.

Có những nhà ở gần ngay đình, đã trót ăn thịt chó vào rồi là cứ phải ở trong nhà cả ngày, muốn đi ra ngoài cũng không được, trong nhà cần thứ gì đó thì phải nhờ ai đó ở ngoài mua giúp.

Lúc khách đến chơi ra về, vì giữ nghiêm quy định làng, gia chủ không đưa tiễn ra tới cổng, nhiều vị khách không hiểu, phật ý và buông lời trách móc.

Hôm sau, chủ nhà phải giải thích đến là khốn khổ…”, ông Tuy nói.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại