Trong thời gian qua, trên thị trường thế giới, giá dầu thô liên tục biến động mạnh, theo chiều hướng đi xuống.
Đặc biệt, trong phiên giao dịch ngày 15/1, giá dầu Brent giao tháng 3/2016 giảm 6,3%, xuống 28,94 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 2/2004. Trong 1 tuần, giá dầu đã giảm đến 14%.
Trong khi đó, giá dầu WTI của Mỹ giao tháng 2/2015 giảm 1,78 USD, tương ứng 5,7%, xuống 29,42 USD/thùng, thấp nhất kể từ tháng 11/2003, cả tuần giá giảm 11,3%.
Tính từ tháng 7/2014, thời điểm thị trường dầu bắt đầu lao dốc cho tới nay, giá nhiên liệu này đã sụt giảm tổng cộng 70%.
Đặc biệt, trong ngày 11/1, Quỹ đầu tư Morgan Stanley đã đăng một báo cáo tuyên bố rằng giá dầu có thể xuống mức 20-25 USD/thùng.
Nhà phân tích Adam Longson của Morgan Stanley cho biết sức mạnh của đồng USD là nguyên nhân đẩy giá dầu tụt xuống mức 20 USD/thùng trong 2 tháng tới, chứ không phải do dư thừa nguồn cung.
Bảng giá xăng dầu trong nước của Tập đoàn xăng dầu Việt Nam
Tại thị trường trong nước, trong một báo cáo của Bộ Tài chính mới đưa ra thì trong khi giá dầu của thế giới giảm đến 40% thì giá xăng trong nước mới điều chỉnh giảm 12%.
Theo thông tin từ Tập đoàn xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), tính đến trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu lần đầu tiên trong năm 2016 (4/1/2016), Quỹ bình ổn giá giá xăng dầu của tập đoàn này là 2.380 tỷ đồng.
Việc giảm giá mạnh của xăng trên thế giới trong chu kỳ này cộng việc quỹ bình ổn giá còn hàng nghìn tỷ đồng, rất có khả năng, trong chu kỳ điều hành giá lần này vào ngày 19/1, giá bán lẻ trong nước tiếp tục được giảm mạnh.
Trước đó, ngày 12/1, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho hay, trong tương lai cũng tính tới sẽ điều chỉnh giá xăng dầu hàng ngày mà không phải đợi chu kỳ 15 ngày.
Ông cũng nhấn mạnh: “Chúng ta chưa thể điều chỉnh giá xăng dầu tăng giảm theo ngày thời điểm này được. Đó chỉ là mong muốn trong tương lai khi điều hành giá xăng dầu…
Doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu phải có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, công nghệ thông tin, nhân lực…
Các cơ quan quản lý Nhà nước phải đủ năng lực để kiểm tra, kiểm soát, nhất là công tác hậu kiểm thì mới theo ngày, còn không vẫn phải tuân thủ quy định 15 ngày”.
Hiện tại, giá xăng dầu trong nước đang chịu hơn 40% là thuế, phí. Trong đó, thuế nhập khẩu (20%) là 1.505 đồng/lít, thuế tiêu thụ đặc biệt (10%) là 902 đồng/lít, thuế bảo vệ môi trường 3.000 đồng/lít, thuế giá trị gia tăng là 1.457 đồng/lít.
Tổng cộng các khoản thuế là 6.864 đồng, tương đương 42,8% giá bán lẻ xăng dầu.
Ngày 4/1/2016, giá bán lẻ xăng RON 92 giảm gần 400 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành, đến tay người tiêu dùng không được cao hơn 16.032 đồng/lít.
Xăng E5 không vượt quá 15.339 đồng. Các mặt hàng dầu giảm 616-865 đồng/lít, kg.
Giá dầu diesel có mức giá tối đa 11.119 đồng/lít; giá dầu hỏa bán không quá 10.274 đồng/lít; giá dầu mazut về mức giá bán tối đa 7.456 đồng/kg.
(Tổng hợp)