Ngày đầu tiên của năm, tàu cá đã bị đâm chìm

Hà Anh |

Ngày 1/1/2016, người dân cả nước tưng bừng nô nức đón chào khoảnh khắc bước sang một năm mới. Nhưng tại một làng chài nhỏ thuộc thôn Phàn Thất, xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) lại dậy sóng vì thông tin tàu và người thân bị đâm chìm trên biển và chịu một đêm lạnh lẽo vì tát nước cứu tàu, đếm thời gian chờ tàu cứu nạn đến cứu.

Quyết đâm cho chìm

Trưa ngày 1/1/2016, ngư dân Huỳnh Luận gác đài canh tại địa phương nhận được thông tin dữ về việc tàu tại địa phương vừa bị đâm chìm.

Ông Luận nhào lên buồng bật máy Icom, mở tần số 8559 và lập tức nghe âm thanh ầm ầm trên biển dội vào đất liền.

Đó là tiếng của thuyền trưởng Huỳnh Bi la hét anh em tranh thủ qua giúp tàu bị nạn, có tiếng gọi ngư dân cẩn thận khi rời tàu chìm.

Để sóng Icom không bị nhiễu và nhận thông tin chính xác, đài canh cắt tất cả các hệ thống phát sóng như tivi, internet.

Từ khơi xa, các ngư dân điện vào bờ cho biết, tàu cá QNg 98459 đã bị đâm chìm tại tọa độ 17 độ 07 phút, 00 giây vĩ độ bắc - 108 độ 21 phút 00 giây kinh đông, cách đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị)  khoảng 70 hải lý.

Các ngư dân trấn an người thân trong bờ: “Bị mất tài sản, nhưng anh em mình không ai bị thương tích, cứu được người là quý. Tàu thép đâm tàu của ngư dân mình đã bỏ chạy mất hút”.

Tàu bị chìm là của ông Huỳnh Hợp, quê ở huyện Đức Phổ, làm nghề lưới khơi. Ông Hợp có thâm niên hơn 30 năm đi biển Hoàng Sa và Trường Sa.

Hiện, ông Hợp giao lại cho con trai là ngư dân Huỳnh Thạch làm thuyền trưởng, trên tàu có 10 ngư dân là người địa phương.

Trên tàu của ngư dân xã Phổ Quang có lắp đặt hệ thống máy định vị, định dạng nên các ngư dân đã nắm được thông tin tàu đã lao vào đâm 2 lần gây chìm tàu mang số 00098880.

Theo các ngư dân mô tả, đây là tàu vỏ thép, đặc điểm giống tàu đánh lưới của ngư dân Trung Quốc.

Ngư dân tên Thơ và Giao từ ngoài biển điện vào, kể lại: “Chúng tôi đang neo tàu nghỉ ngơi thì bất ngờ bị họ đâm vào bên trái của tàu. Tàu lắc rất mạnh muốn chìm. Anh em ngư dân theo phản xạ nhảy xuống biển.

Anh em ngư dân vẫy liên tục kêu cứu vì tàu của ông Huỳnh Bi đồng hương đang chạy cách đó khoảng 1 hải lý. Lúc này chiếc tàu lạ kia quay lại và tiếp tục đâm tiếp một lần nữa.

Cú đâm mạnh đến mức ca bin tàu bị hất tung lên rồi vỡ vụn, chỉ còn mỗi cọc ca bin. Con tàu quay như chong chóng và rạn nứt khắp thân tàu”.

Ngồi giữ máy Icom, ngư dân Huỳnh Luận liên tục thông tin về tình hình cho thân nhân các ngư dân yên tâm.

Các ngư dân trên biển cho biết, 6 tàu cá của ngư dân đã đến kịp thời và đang tập trung cứu tàu bị nạn đang trong tình trạng bị chìm trên biển.

Vào giờ phút đó, tất cả các tàu đều quy về chung một tần số Icom để liên lạc giữa đất liền và ngoài biển để hỗ trợ kịp thời.


Thông tin đang được cập nhật tại đài canh. Ảnh: Hà Anh.

Thông tin đang được cập nhật tại đài canh. Ảnh: Hà Anh.

Đàn bà đỏ mắt

Thôn Bàng An và Phàn Thất là hai địa phương làm nghề biển của xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ. Thông tin về tàu bị đâm chìm như luồng điện lan khắp làng chài. Vợ các ngư dân rầm rập chạy tới đài canh để nghe thông tin.

Trên khuôn mặt các chị đều hiện ra nét thảng thốt, mắt đỏ hoe vì lo lắng. Thân nhân của các ngư dân bị nạn đang tập trung tại đài canh, gồm vợ của thuyền trưởng, cha mẹ của chủ tàu.

Tất cả chỉ biết ngồi lặng im và nghe những âm thanh buồn từ ngoài khơi xa vọng về. Hôm nay là một ngày vui đối với người dân cả nước đón chào năm mới.

Nhưng đối với ngư dân ở làng chài này thì đây là một ngày buồn, khi con tàu 718 mã lực, hơn 350 tấm lưới trị giá 3,5 tỷ đồng đang chìm xuống biển.

Chị Phạm Thị Hồng Lộc, 50 tuổi, có chồng là ông Nguyễn Ngọc Thơ đang đi trên tàu. Anh đi bạn, mang theo góp 30 tấm lưới, trị giá 100 triệu đồng.

Chị cho biết, đây là loại lưới cản 180. Chị rất lo vì đã phải vay mượn tiền sắm lưới mới để anh đi bạn kiếm thêm phần lợi tức. Còn chị Lê Thị Thu Nhi, 33 tuổi, chồng là Nguyễn Hồng Hào, ngư dân đi trên tàu.

Chồng chị đi bạn và góp vào 24 tấm lưới. Chị cho biết “đó là cả tài sản của vợ chồng, nếu mất thì thâm nợ nần”. Bà Phạm Thị Chuyền, 70 tuổi, mẹ của thuyền trưởng Thạch ngồi bên máy Icom theo dõi thông tin vẻ đầy lo lắng.

Tinh thần đoàn kết giúp nhau được các ngư dân thực hiện theo phương pháp chia ca cứu tàu. Con tàu đang chìm lấp lửng nên ngư dân chia nhau 6 người một ca sang tát nước cứu tàu.

60 ngư dân thay phiên nhau đi ca giữa biển, mỗi ca 1 tiếng đồng hồ. Thuyền trưởng tàu bị nạn gọi vào đất liền cho biết: “Chúng tôi tính từng giờ từng phút và mong tàu cứu nạn, Cảnh sát biển ra đưa tàu bị nạn vào bờ”.

Ông Võ Văn Sinh, Chủ tịch, và ông Huỳnh Xuân Bình, Phó Chủ tịch UBND xã Phổ Quang (Đức Phổ) nóng ruột đến ngồi trực tiếp và hỏi thăm các ngư dân qua máy điện đàm.

Ông Sinh bật máy và liên tục kêu gọi ngư dân của làng chài mình ngoài biển đoàn kết và giúp nhau lúc hoạn nạn.

Cứu nạn tại chỗ đang thực thi nhiệm vụ

Tối qua, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Bùi Tấn Nguyên – Giám đốc Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Hàng hải KV 2 (DANANG MRCC) cho hay, trong thời điểm xảy ra vụ việc trên biển, đơn vị có nhận được thông tin tuy nhiên vẫn chưa có kế hoạch điều động tàu ra cứu nạn bởi lực lượng cứu nạn tại chỗ vẫn đang thực thi nhiệm vụ.

Theo ông Nguyên, thông tin từ hiện trường báo về cho hay, có 6 tàu ngư dân Việt Nam cùng một tàu kiểm ngư thuộc Chi đội Kiểm ngư 3 (đóng tại Đà Nẵng) đang tham gia cứu ngư dân. “Hiện 2 tàu của chúng tôi gồm SAR 412 và SAR 274 trong tư thế sẵn sàng, chỉ cần có lệnh là chúng tôi lên đường ngay”.

Nam Cường

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại