Ngân hàng “mách nước” để không bị rút trộm tiền tại ATM

Phương Nhi |

Theo Techcombank, rủi ro trong việc bị rút trộm tiền ở ATM có thể bắt nguồn từ sự bất cẩn trong việc lưu trữ, bảo quản thẻ vật lý hoặc do thiếu thông tin về bảo mật thẻ.

Vừa qua, một số chủ thẻ ATM của ngân hàng Vietcombank, HD Bank tại TP.HCM, Bình Dương than phiền về việc bất ngờ bị rút mất tiền trong khi thẻ ATM vẫn giữ gìn cẩn thận ở trong túi.

Trong thực tế, có tới hơn 90% trường hợp khiếu nại lên ngân hàng về việc “mất tiền oan” có nguyên nhân do khách hàng đã không quản lý chặt chẽ thẻ ATM của mình.

Để giúp người tiêu dùng Việt tránh những sự cố mất tiền không đáng có cũng như đảm bảo an toàn cho tài khoản, PV đã có buổi trao đổi với ông Đặng Công Hoàn – Giám đốc Trung tâm Thẻ - Techcombank.

Vì sao dùng thẻ an toàn hơn giữ tiền mặt?

- Thưa ông, một số chủ thẻ ATM khá bức xúc khi thẻ đang trong túi, không hề giao dịch mà tiền tự dưng bị rút trộm. Ông có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Ông Đặng Công Hoàn: Trong thực tế, việc quản lý thông tin thẻ/thẻ của ngân hàng luôn phải tuân theo một cơ chế nghiêm ngặt.

Mọi quy trình phát hành/thanh toán đều phải được đảm bảo thực hiện theo đúng các quy định của ngân hàng và tuân thủ đúng/đủ các tiêu chuẩn của hiệp hội thẻ trong nước và các tổ chức thẻ quốc tế Visa/Master/JCB, đặc biệt cả tiêu chuẩn quốc tế PCI DSS.

Hơn nữa, ngân hàng còn đảm nhiệm một chức năng vô cùng quan trọng đó là thanh tra giao dịch. Các chi tiêu giao dịch thẻ đều được Ngân hàng kiểm soát chặt chẽ.

Các giao dịch bất thường, tiềm ẩn rủi ro có thể được phát hiện sớm để ngăn ngừa, giảm tổn thất cho cả khách hàng lẫn ngân hàng.

Ông Đặng Công Hoàn – Giám đốc Trung tâm Thẻ Techcombank lưu ý: Người dùng nên xây dựng thói quen trong việc kiểm tra thông tin tài khoản và giao dịch thẻ qua điện thoại.
Ông Đặng Công Hoàn – Giám đốc Trung tâm Thẻ Techcombank lưu ý: Người dùng nên xây dựng thói quen trong việc kiểm tra thông tin tài khoản và giao dịch thẻ qua điện thoại.

- Theo các chuyên gia, hiện nay, đa phần thẻ ATM ở Việt Nam sử dụng công nghệ thẻ từ cũ nên tính bảo mật kém, dễ bị làm giả và bị đánh cắp thông tin cá nhân. Quan điểm của Techcombank về vấn đề này?

Ông Đặng Công Hoàn: Công nghệ thẻ từ đã được các nước phát triển bắt đầu sử dụng phổ biến và rộng rãi trong thanh toán thẻ từ cách đây hơn 30 năm.

Tính đến thời điểm hiện tại, hầu hết các nước trên thế giới cũng đã dần thay thế và chuyển sang thẻ chip có chuẩn bảo mật và an toàn cao hơn.

Tuy nhiên, ở góc độ chuyên môn đánh giá, thẻ từ có thể dễ bị đánh cắp thông tin để làm giả hơn, không có nghĩa là thẻ từ hoàn toàn kém bảo mật.

Để sử dụng được thẻ cần phải có đầy đủ 2 yếu tố là: Thẻ vật lý và PIN hay password (mật khẩu), do vậy nếu tuân thủ, chú ý bảo mật trong khi sử dụng thì thẻ từ vẫn là phương tiện an toàn hơn nhiều so với tiền mặt.

Thông thường tội phạm thường lợi dụng ATM là địa điểm giao dịch tự động, không có sự hiện diện trực tiếp của nhân viên ngân hàng để cài đặt các thiết bị copy, ăn cắp dữ liệu thẻ.

- Để tránh nguy cơ tội phạm lợi dụng ăn cắp dữ liệu thẻ của khách hàng, các ngân hàng có các biện pháp nào để hạn chế rủi ro?

Ông Đặng Công Hoàn: Đối với các điểm ATM của Techcombank, việc áp dụng tối đa các biện pháp bảo mật tại ATM như gắn thiết bị báo động chống xâm nhập, khe đọc thẻ chống trộm, thiết bị chống sao chép thông tin thẻ - AntiSkimming luôn được chú ý.

Chúng tôi cũng đã có sự chủ động phối hợp với cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao để phối hợp theo dõi và phòng ngừa tội phạm.

Ngoài ra, Techcombank cùng các ngân hàng thường xuyên cập nhật, chia sẻ thông tin để cảnh báo, ngăn chặn kịp thời đối với những giao dịch có dấu hiệu gian lận rủi ro.

Thêm vào đó, do ATM là một hệ thống kết nối liên thông quốc gia và quốc tế.

Vì vậy, để hiệu quả trong việc phòng chống tội phạm công nghệ cao, mỗi ngân hàng cần tập trung xây dựng những hệ thống cảnh báo rủi ro trên cơ sở các nguyên tắc cảnh báo của các tổ chức thẻ quốc tế.

Có như vậy sẽ nhằm ngăn chặn kịp thời, giảm thiểu tổn thất đối với các giao dịch thẻ giả mạo

Người dùng nên làm gì để tránh “mất tiền oan”?

- Theo ông, đâu là nguyên nhân chính dẫn tới việc “mất tiền oan” của khách hàng?

Ông Đặng Công Hoàn: Thực tế tại Techcombank, có đến hơn 90% các trường hợp khách hàng khiếu nại lên ngân hàng về việc “mất tiền oan” có nguyên nhân do khách hàng thiếu cẩn trọng khi dùng thẻ.

Họ đã không thật sự quản lý chặt chẽ thẻ của mình, tiết lộ thông tin mã PIN cho người thân, bạn bè và đôi khi còn đưa thẻ cho người khác sử dụng.

Những trường hợp khiếu nại có nguyên nhân rủi ro từ phía ngân hàng, chúng tôi đều có phương án hoàn lại tiền cho khách hàng đồng thời rà soát hệ thống để phòng ngừa tối đa rủi ro phát sinh cho chủ thẻ và ngân hàng.

Ngoài ra, rủi ro có thể bắt nguồn từ sự bất cẩn trong việc lưu trữ, bảo quản thẻ vật lý hoặc cũng có thể do thiếu thông tin về bảo mật thẻ.

Khi xu hướng sử dụng thanh toán online ngày càng nhiều, nếu khách hàng sử dụng thông tin thẻ để mua bán các dịch vụ/hàng hóa trên các trang mua bán online không uy tín có thể cũng dẫn đến những rủi ro bị đánh cắp thông tin thẻ.

Khách hàng dùng ATM tuyệt đối không được đưa thẻ cho người khác sử dụng (Ảnh minh họa)
Khách hàng dùng ATM tuyệt đối không được đưa thẻ cho người khác sử dụng (Ảnh minh họa)

- Trong trường hợp mất thẻ, khách hàng đã làm lại thẻ và sử dụng thẻ mới. Vậy thẻ cũ (bị mất), ngân hàng sẽ xử lý thế nào? Nếu 1 người khác nhặt được, lại đoán biết mật khẩu, tình trạng mất tiền oan sẽ xảy ra?

Ông Đặng Công Hoàn: Chúng tôi xin khẳng định ngay, nếu mất thẻ, chủ thẻ cần thông báo kịp thời cho các ngân hàng để khóa thẻ. Khi thẻ đã được khóa thì người nhặt hoặc chiếm hữu không thể dùng thẻ đó để giao dịch được.

Chúng tôi chỉ lưu ý, khi chủ thẻ thông báo về việc mất thẻ qua điện thoại và văn bản tới ngân hàng, theo đúng quy định trong các điều khoản đã ký kết, thẻ của khách hàng sẽ được khóa muộn nhất trong vòng 2 giờ làm việc.

Tuy nhiên, để hỗ trợ tối đa cho khách hàng, khi nhận được thông tin báo mất thẻ, các ngân hàng thường thao tác khóa thẻ nhanh chóng, ngay sau khi xác minh được thông tin chủ thẻ yêu cầu để hạn chế rủi ro cho khách hàng.

Thời gian thẻ được khóa so với thời điểm thông báo có thể có độ trễ nhất định do thao tác trên hệ thống hoặc chênh lệch múi giờ đối với các thông báo từ nước ngoài.

Theo quy định, thẻ đã khóa sẽ không được mở lại ngay cả trường hợp chủ thẻ tìm lại được thẻ và thông báo với ngân hàng.

Với trường hợp mất thẻ và khách hàng đã thông báo mất thẻ theo đúng quy định, ngân hàng sẽ phát hành lại thẻ mới cho khách hàng sử dụng.

Do vậy, sau khi thẻ đã được khóa, nếu có người nhặt được hoặc cố tình chiếm hữu thẻ, kể cả có biết chính xác mật khẩu cũng không thể sử dụng thẻ tại bất cứ điểm ATM và các điểm giao dịch thanh toán nào.

- Nếu bất ngờ bị rút trộm tiền trong khi thẻ ATM của mình vẫn còn trong túi, khách hàng có cơ may lấy lại được nguồn tiền đã mất không, thưa ông?

Ông Đặng Công Hoàn: Với trường hợp khiếu nại thẻ bị rút tiền nhưng chủ thẻ không sử dụng thẻ rút tiền tại thời điểm giao dịch phát sinh, ngân hàng sẽ điều tra và phối hợp với các cơ quan liên quan như cơ quan điều tra, tổ chức thẻ để điều tra, xác minh

- Ngày Tết đang cận kề, nhu cầu giao dịch ATM tăng đột biến, để tránh tình trạng “mất tiền oan”, ông có lời khuyên gì cho những khách hàng đang sử dụng ATM?

Ông Đặng Công Hoàn: Việc đầu tiên mà người tiêu dùng cần lưu ý là xây dựng thói quen trong việc kiểm tra thông tin tài khoản và giao dịch thẻ qua điện thoại hay công cụ internet banking để kịp thời phát hiện ra bất thường.

Đặc biệt, khi có dấu hiệu bất thường, khách hàng cần thông báo ngay tới ngân hàng để có phương án xử lý kịp thời.

Một số khuyến nghị đối với khách hàng trong quá trình sử dụng thẻ:

+ Tuyệt đối bảo vệ bí mật thẻ và PIN của mình, không được đưa thẻ cho người khác sử dụng

+ Quan sát các thiết bị lạ gắn trên ATM, đặc biệt khu vực phía trước bàn phím xem có camera hay không (vị trí này ngân hàng quản lý ATM không bao giờ gắn camera)

+ Khi giao dịch tại ATM, nếu như ATM chưa được trang bị thiết bị che bàn phím, khách hàng nên dùng tay che bàn phím khi nhập PIN để rút tiền nằm tránh việc kẻ xấu quay camera để trộm dữ liệu.

Trong trường hợp phát hiện các thiết bị lạ tại máy ATM, khuyến nghị khách hàng thông báo ngay với ngân hàng đặt máy ATM để có thể xử lý kịp thời kiểm tra, xử lý.

+ Khách hàng nên sử dụng các dịch vụ hỗ trợ như internet banking và mobile banking để có thể kiểm tra số dư và truy vấn giao dịch nhanh chóng mà không cần đến điểm giao dịch của ngân hàng.

Khi phát hiện có dấu hiệu lừa đảo hoặc bị ăn cắp thông tin, cần báo ngay cho ngân hàng.

+ Khi thanh toán thẻ, chủ thẻ lưu ý không để nhân viên thanh toán cầm thẻ ra khỏi tầm kiểm soát của mình.

Đồng thời yêu cầu nhân viên thanh toán thực hiện hủy ngay giao dịch nếu chủ thẻ cảm thấy nghi ngờ về các thao tác thanh toán đồng thời liên hệ với ngân hàng để xác nhận tình trạng giao dịch vừa thực hiện.

+ Chủ thẻ chỉ nên kích hoạt tính năng thanh toán internet khi chủ thẻ có nhu cầu sử dụng và đóng chức năng này khi không còn nhu cầu thanh toán.

Ngoài ra, nên lựa chọn phát hành thẻ tại ngân hàng phát hành thẻ quốc tế có bảo mật OTP khi thanh toán qua internet và ngân hàng có hệ thống giám sát giao dịch gian lận (fraud Detection) để giảm nguy cơ thiệt hại khi thẻ bị đánh cắp dữ liệu.

Hiện tại chủ thẻ quốc tế Techcombank khi giao dịch qua internet đã có thêm tính năng bảo mật OTP 3D qua công cụ Verfiy by Visa sẽ góp nần giúp chủ thẻ hạn chế rủi ro lợi dụng thẻ trong quá trình thanh toán internet.

+ Không cung cấp thông tin về thẻ như: số thẻ, thời gian hiệu lực của thẻ, số CVV2 của thẻ, … qua email, web qua các không tin không đủ độ tin cậy được gửi đến cho chủ thẻ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Chuyên gia tài chính - ngân hàng
TS.Nguyễn Trí Hiếu
Tại Mỹ, nếu ngân hàng xác định: Mất tiền tại ATM không phải do sự cẩu thả của khách hàng hoặc không có bằng chứng về việc khách hàng cẩu thả hoặc vi phạm vấn đề về bảo mật, ngân hàng sẽ bồi thường, trả lại tiền đã mất cho khách.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại