"Nếu có chiến tranh, thanh niên Việt Nam có chạy trốn!?"

Bạch Dương (TH) |

(Soha.vn) - Việc trên một số diễn đàn tại Việt Nam, thanh niên dạy nhau "thủ đoạn trốn nghĩa vụ quân sự" đang tạo nên những cuộc tranh cãi trên diễn đàn, mạng xã hội.

Trên một diễn đàn, thành viên có nick Thorn birds đã tỏ ra vô cùng bức xúc trước thông tin một bộ phận thanh niên Việt Nam dạy nhau "thủ đoạn trốn nghĩa vụ quân sự" (NVQS), mở đầu chủ đề "Nếu có chiến tranh, thanh niên Việt Nam có chạy trốn như chuột!?", thành viên này có viết:

"Thưa các bác, các cô chú, các anh chị,

Có một vấn đề mà cháu thấy khá bức xúc, nên muốn đưa lên đây chia sẻ để mọi người cùng thảo luận. Cháu có cậu hàng xóm năm nay đến tuổi khám tuyển nghĩa vụ quân sự. Vừa rồi, nó sang chơi, cháu hỏi thăm tình hình thì nó cười rất ranh mãnh rồi bảo "em có cách né rồi". Rồi nó bảo, trên một số diễn đàn cho giới trẻ bây giờ, nhiều thành viên lên mách nhau cách trốn nghĩa vụ quân sự. Cháu nghe xong mà giật mình. Tìm thử một số diễn đàn như cậu kia chỉ thì thấy đúng là có chuyện đó. Chưa biết những chiêu trò mà họ bày cho nhau có thật hay không. Nhưng chỉ riêng không khí bàn tán rôm rả ở mấy topic đó thì đã khiến người đọc vô cùng khó chịu rồi.

Không lẽ giới trẻ bây giờ là vậy sao? Người có điều kiện thì chỉ nghĩ chuyện hưởng thụ, ăn gì, chơi gì. Kẻ ít điều kiện thì chỉ nghĩ cách kiếm tiền. Ra đường thì có khi chỉ vì một cái nhìn mà xông vào ẩu đả, chỉ vì một chút tài sản mà hạ sát cả một gia đình như Lê Văn Luyện. Thế mà đến lúc cần đóng góp mồ hôi, xương máu thì lại chỉ nghĩ cách né tránh. Nhiều người còn có vẻ rất tự hào vì mình "thạo đời", biết nhiều chiêu trò để mách cho kẻ khác.

Thật sự là đọc xong những thông tin đó cháu thấy nản vô cùng. Nếu giờ Tổ quốc lâm nguy, chắc rất nhiều thanh niên khỏe mạnh sẽ trốn như chuột. Không biết các bác, các cô chú có ai bi quan như cháu không ạ?".

	Thanh niên Việt Nam lên đường đi nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

Thanh niên Việt Nam lên đường đi nghĩa vụ quân sự (Ảnh minh họa)

Chủ đề này sau đó đã thu hút được sự quan tâm, chú ý và tranh luận rôm rả giữa các thành viên trên diễn đàn. Các thành viên thậm chí còn đưa ra nhiều cách để "trừng phạt" những kẻ có ý định "trốn NVQS".

"Pháp luật quy định, công dân sau 18 tuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật hành vi của mình. Thời nay đã thấy trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi gây án hay vi phạm pháp luật cũng vẫn chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Làm bậc cha mẹ, sinh con ra, nuôi nó khôn lớn, từ học hành đến ăn mặc đều do cha mẹ đài thọ cả, chuyện nuôi con ra sao chắc các bác ai cũng hiểu, ai cũng dạy bảo và mong cho con em mình những điều tốt đẹp cả, chẳng mấy người dạy con những điều xấu xa. Nay, chúng lớn lên, đủ tuổi đi NVQS là trách nhiệm của chúng và mỗi công dân phải đóng góp. Khi chúng đã trưởng thành (ngoài 18 tuổi) thì mọi hành vi bậc cha mẹ không còn chịu trách nhiệm nữa.

Theo tôi, biện pháp tốt nhất là chính quyền kết hợp cùng gia đình, động viên, khuyến khích, giáo dục để thanh niên thấy được nghĩa vụ và trách nhiệm của mình mà tham gia NVQS bảo vệ Tổ quốc.", Thành viên có nick Binhyen1960 bình luận.

"Hôm nay em mới đọc cái chủ đề này, kể cũng hay các bác ạ, lâu lắm quán nước lại có chủ đề Hot. Cá nhân em thì nghĩ thời này là thời bình, đi lính thì cũng chỉ huấn luyện 18 tháng xong ra quân. Bây giờ bộ đội cũng có kham khổ như ngày xưa đâu mà phải ngại. Chỉ những ông quen nhung lụa mới sợ thôi chứ con nhà lao động họ lên đường ầm ầm.

Tiêu chuẩn chọn lựa bộ đội bây giờ cũng cao, chất hơn lượng cho nên mỗi năm tuyển quân ít lắm. Những ai có khả năng đi học đại học, cao đẳng sau khi tốt nghiệp cấp III hình như miễn. Kể ra thì ai chả muốn lo cho cuộc sống tương lai khi đi học nghề chứ có mấy ai ...thích đi lính, chỉ có thích đi...sĩ quan thôi. Nhưng chả có việc gì mà đến tuổi nhà nước gọi đi chứ sao? ngày trước ba năm như giấc ngủ trưa, bây giờ năm rưỡi khác gì ...cái chớp mắt các bác nhỉ", thành viên Linh Quany bình luận.

"Việc thực thi luật NVQS ở nước ta còn lỏng lẻo. Đơn cử những trường hợp đi làm ăn xa sẽ thoát khỏi việc quản lý ở địa phương. Nhìn sang các nước xung quanh ta thấy pháp luật rất nghiêm với tất cả các đối tượng trong diện thực hiện NVQS, cho dù người ấy là ai và đang ở bất cứ nơi nào trên thế giới đến kỳ thực hiện NVQS đều phải có mặt để thực thi.

Cách đây đã lâu tôi có dịp biết đến 1 quan chức người Israel đang làm việc cho UNESCO. Hôm ấy anh ta gặp chúng tôi tay cầm chai rượu và nói "A Dieu" (Vĩnh biệt) mà không nói "Au revoir" (Tạm biệt) để về nước. Thì ra anh ta là 1 trung úy lái trực thăng (ngạch dự bị) phải về nước thực hiện NVQS. Anh ta nói rằng: đất nước anh đang ở trong tình trạng chiến tranh, nếu như chẳng may trong thời gian đi NVQS có điều gì xấu xảy ra sẽ không gặp lại chúng tôi nữa cho nên phải có lời A Dieu trước.", thành viên Lexuantuong1972 bình luận.

"Thời nào cũng có người vì nước quên thân và cũng có một số không ít người tìm chỗ êm ấm mà trốn. Kẻ hạ đẳng thì trốn công khai không cần sợ mang tiếng, kẻ lõi đời thì tìm cách để khỏi ra chiến trường vừa có danh vừa có lợi , khỏi phải hy sinh. Có kẻ cũng đi NVQS nhưng tìm cách chạy chọt....", thành viên Hải Ruộng nêu ý kiến.

"Thanh niên thời nay chán thật đấy! Động tý là kêu khổ, mới chỉ là đi NVQS thôi mà đã tìm cách trốn thì khi có chiến tranh chắc họ sẽ tìm cách tháo chạy ra nước ngoài sinh sống hoặc nếu có ra chiến trường thì cũng run sợ mà né tránh...Thiết nghĩ chính quyền và gia đình cần có các biện pháp giáo dục, khuyến khích con em mình sẵn sàng tham gia NVQS có giấy báo gọi...", thành viên Hungtran bình luận.

Trên đây là một vài ý kiến nổi bật mà chúng tôi tổng hợp lại, chắc chắn các cuộc tranh luận về vấn đề này sẽ chưa thể dừng lại, không những thế nó thậm chí còn thu hút được nhiều hơn nữa sự quan tâm của dư luận trong một thời gian dài.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại