Uống máu chó nguy hiểm đến chính tính mạng
Những ngày qua, dư luận đang xôn xao về đoạn clip một thanh niên “máu lạnh” sát hại chó một cách man rợ. Sau đó, chính nhân vật này dùng chậu hứng máu chó và ngay lập tức cho vào miệng uống.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, thanh niên trên là Nguyễn Văn Q. sinh năm 1989, quê gốc ở Phú Thọ và hiện đang sống ở Bắc Ninh.
Q. cũng chính là người tung đoạn clip dài đến 7 phút lên mạng, khiến người xem không đủ can đảm chứng kiến cho đến đoạn kết.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Đức Chính, đại diện Liên minh bảo vệ chó châu Á tại Việt Nam cho biết, ông đã không dám theo dõi hết đoạn clip này vì hành động của thanh niên Q. "quá dã man, tàn ác".
"Tôi chưa từng chứng kiến một hành động nào dã man và ghê sợ như vậy.
Thanh niên này có thể tâm lý không bình thường mới có thể hành động tàn nhẫn như vậy, kể cả những người chuyên mổ chó lâu năm cũng không dám uống máu chó tươi như thế này", ông Chính nói.
Ông Chính cũng cho rằng, hành động tàn nhẫn, phản cảm trong đoạn clip này không chỉ gây ảnh hưởng đến xã hội mà trước hết sẽ gây hệ quả đến chính sức khỏe bản thân thanh niên Q.
"Hành động uống máu chó này trước tiên chính là thể hiện sự tàn nhẫn với bản thân, vì nguy cơ lây nhiễm bệnh từ con chó là rất lớn như bệnh các bệnh về ký sinh trùng và đặc biệt là bệnh dại có thể gây tử vong.
Ngoài ra hành động dã man phản cảm này ảnh hưởng xấu đến xã hội, tâm lý cộng đồng. Thậm chí ảnh hưởng đến hình ảnh của Việt Nam nếu báo nước ngoài cũng đưa tin về sự việc này. Lúc đó, chúng ta sẽ bị lên án mạnh mẽ", ông Chính bày tỏ.
Một số ý kiến cho rằng, trong các khóa huấn luyện ở nước ngoài, có chuyện người ta cho uống máu rắn để thể hiện lòng dũng cảm. Do vậy, có thể cậu thanh niên này cũng học đòi theo để thể hiện mình.
Trước ý kiến trên, ông Chính cho rằng: "Không thể nào có chuyện uống máu chó để thể hiện lòng dũng cảm, điều đó không có căn cứ và phản khoa học.
Máu chó chứa rất nhiều ký sinh trùng gây bệnh do loài chó thường ăn uống la liếm thiếu vệ sinh. Chúng ta không nên tin vào những điều mê tín vô lý này để rồi tự mang bệnh vào mình".
Cần có các biện pháp xử phạt nghiêm khắc
Theo ông Chính, ở nước ngoài, người dân coi loài chó như những người thân trong gia đình và được chăm sóc bảo vệ rất tốt. Hầu hết các nước trên thế giới không ăn thịt chó.
Tuy nhiên, ở Việt Nam việc giết mổ chó làm thức ăn đã có từ lâu đời. Quan niệm về phúc lợi động vật nói chung và loài chó nói riêng vẫn còn rất mới mẻ ở Việt Nam, mọi người vẫn còn thờ ơ với các loại động vật, thậm chí còn đối xử với chúng rất tàn nhẫn.
"Với loài chó cũng vậy, mỗi năm có tới 5 triệu chú chó bị giết thịt tại Việt Nam. Trước khi bị giết thịt, chúng bị kẹp cổ bằng kìm sắt dài, giống như trong clip, bị nhốt chặt trong các lồng sắt nhỏ không đủ không gian để di chuyển.
Không có thức ăn, nước uống và bị vận chuyển nhiều ngày như vậy trước khi đến các lò mổ, tại đây chúng bị giết thịt bằng dao nhọn trước sự chứng kiến của các chú chó khác.
Có thể thấy ở Việt Nam hiện nay mặc dù ngày càng có nhiều người nuôi chó là thú cưng trong nhà và chăm sóc chúng rất tốt , thì vẫn còn hàng triệu chú chó vẫn bị đối xử tàn nhẫn và là nạn nhân của ngành kinh doanh thịt chó", ông Chính thông tin.
Ông Chính cũng cho rằng, cách duy nhất để chấm dứt hoàn toàn các hành động giết mổ, đối xử tàn ác đối với loài chó chính là việc mọi người nên dừng ăn thịt chó. Tuy nhiên đây là mục tiêu lâu dài và cần sự chung tay của cả cộng đồng.
Và mới đây Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật thú y, trong luật này có quy định về đối xử với động vật đã nêu rõ:
Tổ chức, cá nhân chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng động vật có trách nhiệm sau đây:
a) Quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, vận chuyển phù hợp với từng loài động vật;
b) Giảm thiểu đau đớn, sợ hãi, đối xử nhân đạo với động vật trong chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, vận chuyển, giết mổ, tiêu hủy, phòng bệnh, chữa bệnh và nghiên cứu khoa học.
"Đây là một bước tiến rất quan trọng của Chính Phủ Việt Nam trong việc nâng cao phúc lợi cho các loài động vật trong đó có loài chó.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các công tác tuyên tuyền giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng đặc biệt là thế hệ trẻ nhằm lên án các hành động tàn nhẫn với loài chó và nâng cao tình yêu thương đối với chúng", ông Chính nêu ý kiến.
Cùng với đó, theo ông Chính, cơ quan nhà nước cần có các biện pháp xử phạt, răn đe thích đáng với hành động dã man của thanh niên trong clip này cũng như những trường hợp ngược đãi dã man đối với các loài động vật nhằm chấm dứt các hành vi trên.
Ngoài ra, cần có nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục cho cộng đồng nâng cao nhận thức bảo vệ động vật.