Năm 2013, "ế" hơn 10 nghìn SV ngành ngân hàng?

kimngan |

Khoảng 12000 sinh viên chuyên ngành tài chính, ngân hàng ra trường sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái ngành.

Kết quả khảo sát của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính cũng cho thấy, năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính, ngân hàng ra trường, nhưng sẽ chỉ có khoảng 20.000 người được các tổ chức tài chính, ngân hàng tuyển dụng. Số còn lại, đương nhiên sẽ phải đối mặt với tình trạng thất nghiệp hoặc làm trái ngành nghề.Còn trong vòng 4 năm tới, số sinh viên tài chính - ngân hàng không được tuyển sẽ khoảng 13.000 người.

Sinh viên năm cuối hoang mang

Hiện nay, chất lượng của các ngân hàng thương mại đang được cảnh báo, tái cơ cấu ngân hàng nhiều, kết quả kéo theo là cắt giảm nhân viên. Hơn nữa, những năm gần đây, ngành tài chính ngân hàng (TC-NH) được coi là “hot”, trường nào cũng đua nhau mở ngành. Đầu ra tăng nhưng đầu vào tuyển làm việc…thì liên tục giảm.

Năm 2013, "ế" hơn 10 nghìn SV ngành ngân hàng? 1
Năm 2013, 12 nghìn sinh viên ngành ngân hàng, tài chính sẽ phải đối mặt với thất nghiệp, làm trái ngành nghề.

Không bất ngờ lắm về thông tin này, Nguyễn Quỳnh Loan (sinh viên năm cuối, lớp Chất lượng cao, khoa TC-NH, ĐH Ngoại thương) chia sẻ:“Mặc dù lo lắng cho khả năng công việc của mình vì mỗi năm các trường đều tăng chỉ tiêu tuyển sinh, năm sau cũng tăng một lượng như vậy, chưa kể du học sinh về nước. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tâm lý của sinh viên TC-NH chuẩn bị ra trường vì đó là chuyên ngành. Vậy mà những sức ép từ nhân lực và sự ảnh hưởng của nền kinh tế tác động đến sự suy giảm công việc của nhiều người thì nên đa phần sinh viên rất e ngại”.

Quỳnh Loan cho biết rằng, khả năng mình làm trái nghề đến 70% vì hiện nay ngành TC-NH đào thải nhân viên ngày càng lớn, áp lực tuyển dụng ngày càng cao, sinh viên ra trường ngành này chiếm khá nhiều.

Vì là người tỉnh lẻ nên Nguyễn Quốc Đạt (sinh viên năm 4, khoa Thanh toán quốc tế, Học viện Ngân hàng) lo lắng gấp đôi sau khi biết thông tin này.“Kinh tế gia đình mình không khá giả, mà chi phí xin việc ở hà nội rất lớn, hơn nữa lại có sự cạnh tranh gay gắt và sự khắt khe đầu vào của các ngân hàng hiện nay”, Đạt cho biết.

Tuy nhiên, Đạt cho rằng đó là bình thường đối với giáo dục đại học bây giờ. Hơn 10 nghìn sinh viên ngành TC-NH thất nghiệp trên tổng số 32 nghìn sinh viên ra trường có thể coi là một sự tất yếu.

Cũng khá lo sợ vì có khả năng sẽ phải làm trái ngành hoặc làm công việc không được như mong muốn, sinh viên năm cuối, khoa Tài chính Ngân hàng, ĐH Ngoại thương, Trần Lê Thanh Thanh nói:“Đến tháng 7 năm 2013 em sẽ ra trường nhưng cũng đang loay hoay để tìm cơ hội thực tập sinh ở ngân hàng để lấy kinh nghiệm và chuẩn bị sẵn tinh thần đối mặt với khó khăn xin việc”.

3 nguyên nhân…tất yếu

Khi đưa ra lý do năm 2013 sinh viên ngành TC-NH sẽ “ế”, bạn Quỳnh Loan cho rằng, hiện nay sinh viên ra trường thất nghiệp không phải ít, khó khăn nhiều và có nhiều bất cập.

Theo đa số ý kiến cho rằng, do ngân hàng đòi hỏi chất lượng sinh viên ngày càng cao, đầu vào khắt khe như đòi hỏi chiều cao, dáng người… Rồi chưa kể đến vài tiêu cực như chạy tiền, quen biết… mà người thi tuyển cũng phải chấp nhận.

Và nền kinh tế hiện nay đang suy thoái, nên ngành nào cũng phát triển khó khăn, sinh viên mới ra trường khó có cơ hội xin việc làm phù hợp.

Nguyên nhân thứ hai đó là sinh viên thiếu kinh nghiệm làm việc. Ban đầu vị trí bắt đầu cho một sinh viên mới ra trường là giao dịch viên hoặc dịch vụ khách hàng. Do nhiều áp lực nên sinh viên mới ra trường khó chạm đến mức nhân viên ngân hàng đó.

Lý giải điều này, Đạt cho rằng:“Học trong trường chỉ được 30%, nơi nào cũng đòi hỏi kinh nghiệm nên sinh viên mới ra trường khó có thể được nhận vào làm.Nơi nào cũng yêu cầu phải có kinh nghiệm, nhưng sinh viên mới ra trường…thì không hề có. Hơn nữa,chất lượng vẫn chưa đồng đều thì thất nghiệp tất yếu sẽ xảy ra ở một mức cao hơn”.

Còn theo Thanh Thanh, nguyên nhân chính đó là:“Hiện giờ các ngân hàng đang tái cơ cấu, cắt giảm hàng loạt nhân viên, xin vào ngân hàng khó hơn trước nhiều. Mà số lượng người dự tuyển đông nên ngân hàng đẩy tiêu chuẩn dự tuyển lên cao hơn. Hơn nữa,một vài năm trước ngành ngân hàng có xu hướng phát triển mạnh, nên số lượng sinh viên thi vào khối kinh tế quá nhiều nên số lượng sinh viên thất nghiệp nhiều là dễ hiểu”.

Sinh viên đối mặt như thế nào?

Đối mặt với thực trạng sắp tới, nhiều sinh viên năm cuối dự định có thể sẽ làm trái ngành nghề như công ty xuất nhập khẩu, bảo hiểm, các loại doanh nghiệp…

Năm 2013, "ế" hơn 10 nghìn SV ngành ngân hàng? 2
Mỗi sinh viên phải tự trang bị cho mình kỹ năng và kinh nghiệm để có thể "tồn tại" trong môi trường nền kinh tế suy thoái.

Theo bạn Quỳnh Loan, “Điều cần thiết là khả năng thích ứng, bản lĩnh trong một môi trường mới, bên cạnh kết quả học tập và những hoạt động trong thời gian học ĐH đã được chứng nhận. Bản thân phải kiên nhẫn và chấp nhận đi từ những công việc bình thường nhất dù mình có thể làm được hơn ở mức đó vì học ở đại học chỉ là một phần, đi làm phải học lại từ những điều nhỏ nhất”.

Và bạn Thanh Thanh nêu ra quan điểm: “Đầu tiên, bảng điểm không quá tệ để chứng minh học lực không thấp, tiếp theo là tiếng anh phải giỏi và vi tính tạm ổn. Bên cạnh đó cần hiểu tiếp thêm về các kiến thức thực tế và học hỏi thêm kĩ năng, kinh nghiệm của những người đi trước như là kĩ năng giao tiếp, phỏng vấn...hơn nữa là cần một sự kiên trì và cần có thời gian để thử thách”.

Còn Quốc Đạt nghĩ rằng: “Nếu mình thật sự có năng lực và phẩm chất thì chuyện xin được việc đúng mong muốn không có gì khó cả!”.

Không chỉ ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế khó xin việc mà đa phần sinh viên mới ra trường đều “chật vật” kiếm được công việc chuyên ngành đúng theo mong muốn. Điều quan trọng là bản thân sinh viên phải trau dồi kinh nghiệm, kiên nhẫn để đối mặt với khó khăn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại