Muốn tự tử sau khi gỡ “di ảnh” của mình khỏi ban thờ

Trở về "làm người còn sống", không hộ khẩu, không chứng minh thư, sau vài năm đi kêu cầu nhưng chưa được, nản quá, ông Hào đã nghĩ đến cái chết, với kế hoạch mua xăng tự tử.

Trong những giai đoạn dài đánh đuổi các Thực dân, đế quốc hùng mạnh bậc nhất địa cầu của chúng ta, chiến thắng thật quật cường, nhưng hy sinh cũng không nhỏ. Có những tử biệt sinh ly, những liệt sỹ được thờ cúng nhiều thập niên rồi lặng lẽ trở về bằng xương bằng thịt, những khó khăn thời hậu chiến - “hậu liệt sỹ” chứa đầy nước mắt và đôi khi cả sự bất bình xót xa.

Ông Lê Xuân Hào người gốc ở xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Sinh năm 1960, gia đình có truyền thống cách mạng, Lê Xuân Hào đã 2 lần nhập ngũ, được huấn luyện để thực hiện sứ mệnh thiêng của trai thời chiến với non sông gấm vóc. Lần thứ 2, vào năm 1983, cũng là lần định mệnh cuối cùng, Lê Xuân Hào kiêu dũng hòa mình vào đoàn tráng binh sang Campuchia thực hiện nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn.

Gia đình, xóm mạc, vùng quê Ứng Hòa anh hùng tiễn các anh lính trẻ ra đi, nhiều người đã đỏ ngực huân huy chương trở về từ lâu, nhưng Lê Xuân Hào suốt 7 năm, gia đình không nhận được tin tức gì. Chỉ biết, anh được “phiên” vào tiểu đội 2, trung đội 4, đại đội 12, tiểu đoàn 4, đoàn 7704, mặt trận 497, Campuchia. 

Ông Hào.

Cụ thân sinh ra anh Hào tên là Lê Đức Mạnh. Ông Mạnh có ít nhất 30 năm tuổi Đảng, nhiều năm làm cán bộ thôn, xã. Lúc gần đất xa trời, ông mới lọm khọm lên xã, lên huyện dò hỏi tin tức của con, rằng: tôi giao con cho các đồng chí bao năm nay, giờ cháu nó ra sao, các đồng chí phải trả lời cho tôi chứ, nó sống hay đã chết? Tôi cần một câu trả lời. Hy sinh cho đất nước, cho nước bạn thanh bình, dù thương tiếc vô ngần, nhưng cũng là vẻ vang cho gia đình tôi lắm. Và phải sau khi đi hỏi nhiều lần, gia đình mới nhận được “giấy báo tử” vào năm 1992. Cũng năm đó, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng bấy giờ là đồng chí Võ Văn Kiệt đã ký trao Bằng Tổ quốc ghi công cho “liệt sỹ Lê Xuân Hào”.

Giấy báo tử nói rõ: Lê Xuân Hào đã hy sinh “Ngày 0, tháng 3 năm 1984”.

Chúng tôi (những người viết bài này) thật sự không hiểu “Ngày 0” là ngày gì, chỉ dám đoán trước “vong linh liệt sỹ”, ngày đó là ngày không xác định được. Đặc biệt đáng sợ ở chi tiết này: trong các việc thông báo về cái chết anh dũng, vì non sông gấm vóc của một người con ưu tú ấy, người ta đã tắc trách đến khủng khiếp.

Tôi không hiểu người ta đã nghĩ gì khi viết “văn bản về sự hy sinh” đó, không hiểu gia đình ông Hào đã nghĩ gì khi nhận nó!? Một văn bản do ông Phạm Thanh Hiền hay gì đó (vì dấu đỏ rất mờ) là Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hà Tây (cũ) ký vào ngày 25/5/1993. Văn bản về sự hy sinh anh dũng của một con người ưu tú, thông báo tin đau buồn với một gia đình, dòng họ, xóm làng thân thích, mà Sở nỡ “tẩy xóa”, “viết đè” tới 4 cụm từ. Nó nguệch ngoạc, cẩu thả kinh dị.

Các cụm từ “Hà Sơn Bình” in sẵn thì được viết đè loằng ngoằng chữ “Hà Tây” lên trên, chỗ “mai táng phí” thì bị viết đè không thể đọc được chữ “lễ tang” lên trên, cộng trừ, thêm gạch thêm mấu lung tung, cứ như một bản nháp gì đó. Vậy mà “công văn” đó được một Phó Sở đại diện cho Sở thông báo chuyện về liệt sỹ cho bố liệt sỹ đọc!

Thật mừng quá. Mừng “chết đi sống lại” theo đúng nghĩa đen: 28 năm bị tin là đã chết, bị thờ cúng trên bàn thờ, Lê Xuân Hào đã thất thểu, tật bệnh, nghèo đói thê thảm trở về bằng xương bằng thịt. Về đến nơi, anh (bây giờ đã là ông), nhìn lên ban thờ. Than ôi, cả bà nội, cả bố, cả mẹ đều đã “ngự” trên đó. Bố mới về trời cách đây dăm năm. Vậy là, “thằng Hào này” không được gặp bố, không được chăm sóc bố lúc tuổi già gần đất xa trời, không báo được cho bố biết tin Hào còn sống suốt hơn 20 mà ông tưởng Hào đã chết kia.

Nói xong câu ấy, tiếng khóc vang một góc làng. Đông đảo bà con nháo nhác, ai cũng gạt nước mắt mừng mừng tủi tủi.

Trên ban thờ ở góc nhà bên phải, có thờ Liệt sỹ Lê Xuân Hào, với hình ảnh là một bức chân dung vẽ vụng về. Bởi khi đi, anh Hào không để lại tấm ảnh nào, bà nội và bố đẻ anh đã phải ra chợ huyện miêu tả ngoại hình, gương mặt con cháu mình rồi nhờ người ta “vẽ tưởng tượng” ra một chàng bộ đội trẻ để thờ cúng. Bố mẹ, ông bà chết hết, ngôi nhà tuổi thơ của Lê Xuân Hào đóng cửa bỏ hoang. Nó lụp xụp, hổng hoác, gạch vữa rơi lả tả. Những người anh em ruột của Lê Xuân Hào bảo: Nhà này, sau khi có giấy báo tử, cũng là nơi diễn ra lễ truy điệu “anh” đấy nhé. Quan tài bằng gỗ, phủ cờ đỏ sao vàng đặt chỗ này.

Trước khi chết, bố còn dặn mọi người: Bằng mọi giá phải đi tìm được chút xương cốt của “anh” về quê hương, dù là nắm đất đen cũng được. Lê Xuân Hào trèo lên bàn thờ mình, dỡ bức truyền thần “vẽ mô tả” mình xuống. Thôi thì ban thờ, bát nhang cứ để đó làm… kỷ niệm.

Bị thất lạc đơn vị khi đang đi hái rau rừng, bị tàn quân Pôn Pốt đánh dữ dội, bị thương nặng ở đùi, bị sức ép do “phụt” B40 quá nhiều, khiến Lê Xuân Hào bây giờ lúc nhớ lúc quên. Phải ăn, ngủ, tâm sự rất dài với ông Hào, phải kết hợp với văn bản giấy tờ, với ký ức tài liệu của những người tình cờ “phát hiện” ra ông Hào ở Campuchia khi đi đốn gỗ trong đại ngàn, rồi thân nhân lặn lội sang nước bạn đón “liệt sỹ” về, chúng tôi mới dựng lại được quãng đời thê thảm của ông Hào (chuyện sẽ kể ở kỳ sau). Chỉ những gì quan sát được trong nhà ông Hào hôm nay, đã đủ để xót xa.

Vì sao con gái ông Hào phải tự tử?

Trở về “làm người còn sống”, ông Hào chỉ có một cái túi nilon, trong đó có bộ quần áo, đến cái dép đi ở chân cũng không có. Đàn con 5 đứa bên Campuchia nheo nhóc, đói khát, vợ chết vì bệnh hiểm nghèo đã lâu. Ông mang đứa con gái nhỏ đáng thương nhất về Việt Nam, còn đâu cắn răng… bỏ lại tất cả.

Về quê, ông không có hộ khẩu, không chứng minh thư. Sau vài năm đi kêu cầu, báo cáo, trình bày (có cuộc cả buổi sáng ngồi “khai” ở công an huyện), nhưng vẫn chưa có được hộ khẩu và chứng minh thư, nản quá, ông Hào đã nghĩ đến cái chết, với kế hoạch mua xăng tự tử.

Con gái ông thì đi lấy chồng, không có hộ khẩu không làm được đăng ký kết hôn, rồi buồn nản xích mích, đã uống thuốc ngủ tự tử, phải đi cấp cứu ở Bệnh viện Bạch Mai mới sống sót. Xót xa hơn là cảnh nghèo đói.

Căn nhà rách bị đóng cửa bỏ đó đã nhiều năm, giờ dọn dẹp lại để ở tạm. Vườn hẹp, không ruộng nương, không nghề nghiệp. Chân đi thập thễnh vì vết thương. Thỉnh thoảng di chứng từ sức ép bom đạn lại khiến ông Hào ôm đầu la hét lớn, lúc nhớ, lúc quên, hay nổi nóng, đã vác dao đuổi đánh ông em trai Lê Xuân Vui thừa sống thiếu chết. Lại thêm tính “liêm khiết” thời cổ: xã bảo làm hồ sơ đề nghị là hộ nghèo, ông Hào kiên quyết nói Không. Vì mình vẫn lao động được, cố mà làm ăn, suất hộ nghèo dành cho bà con trong xóm. Hàng ngày ông đi làm thuê, rồi đóng một cái xe cải tiến đi mua đồ phế liệu về bán lại cho đại lý, phập phù kiếm ăn lần hồi.

Ông Hào trở với cỗ xe đi thu mua phế liệu, vài con gà nhép và mấy "cục gạch" kê vào bếp nấu giữa sân.

Khi chúng tôi đến, một phụ nữ quá lứa nhỡ thì thương hoàn cảnh ông Hào thiệt thòi, chịu thương chịu khó đã đến gá nghĩa với ông. Căn nhà lụp xụp rêu mốc. Vườn tược ẩm ướt, ruồi muỗi bay như ong. Hai người lọ mọ lấy giấy báo nhóm lửa, nướng một con cá rô phi bé xíu ăn với nhau ở ngoài sân. Mấy con gà công nghiệp co ro rét mướt trong đám cám bã giữa sân, ông nuôi gà công nghiệp vì nó chậm chạp lù rù đỡ phải đi đuổi.

Vợ chồng ông Hào với bữa cơm đạm bạc nấu ở góc sân.

Trưởng thôn An Hòa, người thân, đều xác nhận chuyện ông Hào cực kỳ khó khăn trong việc xin cấp chứng minh thư, nhập khẩu ở địa phương sau thời gian làm “liệt sỹ”. Thậm chí, có lần họ cấp khẩu cho ông và con gái Lê Thị Thùy Dương được vài tiếng thì họ cho người đến… tịch thu lại.

Mãi gần đây ông mới được cấp, còn Lê Thùy Dương thì không. Trò chuyện với chúng tôi qua điện thoại, từ nhà chồng mình ở Sóc Sơn, Thùy Dương cũng xác nhận, cô tự tử vì buồn, vì không có hộ khẩu đăng ký kết hôn. Ông Hào khóc nức nở buông đũa bát: tôi đã chuẩn bị 300 nghìn, mua xăng về để tự thiêu vì buồn chán, uất ức: sao thủ tục làm người còn sống lại khó khăn đến thế, sao con gái tôi lại khổ đến thế… Chị vợ gá nghĩa cũng buông đũa gạt nước mắt: “Anh nghĩ thế, thì có khác gì anh giết em”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại