“Thoải mái như ở nhà”
Liên tục trong thời gian qua, hình ảnh một người đàn ông thản nhiên mở cửa xe rồi đứng “tè bậy” ngay trên đường phố đông đúc Hà Nội gây xôn xao dư luận.
Tiếp đó, hình ảnh một phụ nữ cũng ở Hà Nội ngồi “tè bậy”cạnh cửa chiếc ô tô trên hè phố một lần nữa lại gây sốc cho nhiều người.
Thậm chí, người đàn ông có hành vi phản cảm đã bị cơ quan chức năng TP Hà Nội buộc viết cam kết và nộp phạt 200.000 đồng vì cư xử thiếu văn hóa ở nơi công cộng.
Nhiều ý kiến cho rằng những hành động thiếu văn hóa trên do Hà Nội nói riêng và các thành phố ở Việt Nam nói chung đang quá thiếu các nhà vệ sinh công cộng.
Tuy nhiên ở TP Đà Nẵng, vấn nạn “tè bậy” được giải quyết đến từ một sáng kiến táo bạo của Hội doanh nghiệp quận Hải Châu.
Gần một năm qua nhiều du khách lần đầu đến Đà Nẵng cảm thấy lạ lẫm với một tấm logo nhỏ được dán trước cổng nhiều nhà hàng, khách sạn, cơ quan Nhà nước, tòa nhà văn phòng với dòng chữ: “Thoải mái như ở nhà – Comfort as home”.
“Lúc đầu nhìn tấm logo này tôi cũng không hiểu nó thể hiện cái gì. Sau đó tôi tò mò hỏi quản lý khách sạn nơi mình lưu trú thì được biết đó là thông báo dành cho tất cả mọi người thoải mái sử dụng nhà vệ sinh khách sạn.
Họ cho tôi biết thêm là ở Đà Nẵng, bất cứ nơi nào có logo này thì mọi người cứ “tự nhiên như ở nhà”.
Một tuần du lịch Đà Nẵng, tôi thấy nơi nào cũng có logo này, rất hữu ích”, chị Lưu Thị Hà Liên, du khách Hà Nội nói.
Chị Nguyễn Thị Hạnh Châu, du khách TP.HCM cho hay, rất nhiều nhà hàng, khách sạn ở Đà Nẵng có dán logo này. Họ sẵn lòng cho mọi người sử dụng nhà vệ sinh mà không thu bất cứ đồng phí nào. Ai cũng có thể sử dụng.
“Tôi thấy các nhà vệ sinh trong chiến dịch “Thoải mái như ở nhà” đều đảm bảo vệ sinh, sạch sẽ. Các nhân viên cũng thân thiện, tạo điều kiện cho người dân ghé sử dụng nên không tạo ra sự ngại ngần, đúng là có cảm giác thoải mái như ở nhà.
Thật sự đây là ý tưởng tuyệt với cần nhân rộng”, chị Châu hồ hởi.
Anh Lê Đức Hạnh, chủ một nhà hàng trên đường Trần Phú (quận Hải Châu) cho hay, việc tham gia dự án không gây khó khăn đến việc kinh doanh. Ngược lại, ý tưởng này giúp thành phố xây dựng hình ảnh văn minh, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
“Rất nhiều du khách cả trong và ngoài nước ngạc nhiên về việc làm này. Họ đánh giá rất cao và liên tục cảm ơn chúng tôi.
Nhiều khách trong nước còn ao ước ở các thành phố khác của Việt Nam học tập mô hình này của Đà Nẵng. Nhà hàng chúng tôi cũng vui vẻ vì góp sức xây dựng thành phố”, anh Hạnh bày tỏ.
Giúp tiết kiệm ngân sách
Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu (Đà Nẵng) thông tin, dự án “Thoải mái như ở nhà” nhằm thiết lập một chuỗi nhà vệ sinh từ các doanh nghiệp để hỗ trợ hệ thống nhà vệ sinh công cộng của thành phố.
“Chính quyền thành phố không phải tốn chi phí đầu tư mà hệ thống này hoàn toàn dựa trên sự tự nguyện tham gia của các doanh nghiệp.
Chúng tôi chỉ vận động các doanh nghiệp sử dụng hệ thống nhà vệ sinh có sẵn của mình để giúp đỡ du khách”, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp quận Hải Châu nói.
Ông Sơn cũng chính là cha đẻ của ý tưởng thú vị này. Dự án triển khai vào thực tế hơn 1 năm và đã phát huy hiệu quả.
“Khi mới bắt đầu, có rất nhiều doanh nghiệp tham gia nhưng chúng tôi chỉ chọn 60 cơ sở. Đó đều là những đơn vị có nhà vệ sinh đủ điều kiện: sạch, đẹp, an toàn, tiện lợi… cho khách.
Chúng tôi chọn logo màu xanh với mặt hình cười để tạo sự thân thiện.
Hải Châu là quận trung tâm Đà Nẵng nên chúng tôi chọn để bắt đầu. Đến nay, đã có hơn 100 cơ sở tại các quận Hải Châu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn”, ông Sơn thông tin.
Theo như vị PCT Hội Doanh nghiệp quận thì dự án đã và đang giúp thành phố tiết kiệm nguồn ngân sách khổng lồ. Ông Sơn lấy ví dụ ở Singapore có 4,5 triệu dân nhưng có đến 29.500 nhà vệ sinh công cộng, trung bình 152 người dân sử dụng chung một cái.
“Ở Đà Nẵng hiện mới có hơn 20 nhà vệ sinh công cộng. Muốn Đà Nẵng sạch đẹp như Singapore sẽ phải xây thêm hàng nghìn nhà vệ sinh.
Chi phí xây dựng mỗi công trình khoảng 250 triệu, tính ra con số lên đến nghìn tỉ.
Chúng ta chưa có khả năng thực hiện thì cần kết nối nguồn lực có sẵn. Các doanh nghiệp, khách sạn, nhà hàng đều có sẵn nhà vệ sinh và chỉ cần kết nối lại.
Dịch vụ này dựa trên sự tự nguyện nên quan trọng nhất vẫn là thái độ ứng xử từ hai phía phải luôn thân thiện”, ông Sơn cho hay.
Ông Sơn cũng cho biết hiện nhiều thành phố như Hội An, Huế, Hà Nội, Hà Tĩnh… cũng đang học tập mô hình này.
“Tôi tin rằng ở bất cứ đâu cũng có thể áp dụng được. Quan trọng nhất là phải có sự đồng thuận và tin tưởng lẫn nhau ở cách thực hiện”, ông Sơn nói.