Đó là gia cảnh hết sức khó khăn và trớ trêu của vợ chồng anh Dương Văn Chờ và chị Tạ Thị Lòng ở thôn Thích Chung, xã Bá Hiến (Bình Xuyên). Anh Chờ sinh năm 1960, sau 3 năm lên đường thực hiện nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, đến năm 1978, anh trở về làm công tác thủy lợi ở địa phương. Trước khi lên đường nhập ngũ, anh đã lập gia đình với chị Lòng (sinh năm 1959). Cùng thời gian trở về sum họp gia đình, anh chị sinh đứa con trai đầu lòng. Nhưng số phận éo le đã nhanh chóng cướp đi sinh mạng đứa con trai của anh chị.
Năm 23 tuổi, người con trai cả của anh chị bị suy thận, cơ thể phù nề, mắt mờ, không nhìn thấy gì. Con bị bệnh, anh Chờ phải nghỉ công việc ở xã để giúp vợ trông nom, chăm sóc cho con. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, không có điều kiện để chữa chạy nên đã phải ngậm ngùi nhìn đứa con ra đi. Người con trai thứ hai ra đời, may mắn hơn người anh cả một chút, có được sức khỏe bình thường và đã lập gia đình, đi làm ăn xa xứ.
Cuộc sống tưởng chừng cứ như thế phẳng lặng trôi qua. Đến khi anh chị lần lượt có thêm 3 người con gái nữa (sinh năm 1984, 1987 và 1990). Vì nhà nghèo, hai cô chị không có điều kiện được học hành đầy đủ nên chỉ học đến lớp 4 đã phải nghỉ ở nhà phụ giúp công việc cho bố mẹ. Đã vậy, hai cô chị lại cũng bị bệnh suy thận, giống người anh cả và sức khỏe ngày càng yếu đi. Cố gắng lắm, anh chị Chờ mới cho cô con út theo học hết phổ thông trung học rồi xin đi làm ở một công ty dưới Hà Nội. Đi làm được 4 năm, cô con gái út lại tiếp túc phát bệnh suy thận và phải nghỉ làm, về nhà điều trị. Không gì có thể nói hết nỗi đau đớn, buồn tủi của anh chị khi tận mắt nhìn thấy những đứa con bé nhỏ của mình lần lượt mắc phải căn bệnh quái ác. Gia cảnh túng quẫn là thế, cảnh đời lại thêm phần trắc trở. Nhà nghèo, đông con, các con lại đều mắc bệnh hiểm nghèo, không có cơ may qua khỏi nên trong ánh mắt của cả hai vợ chồng luôn ẩn chứa nỗi niềm ưu tư, xót xa cho các con. Anh Chờ chỉ còn biết động viên, an ủi vợ mình cố gắng làm lụng, chắt chiu từng đồng, từng hào để gồng gánh, lo chữa trị cho các con. Riêng anh, vì không có công ăn việc làm, anh chỉ còn biết trông chờ vào sự may rủi sau mỗi mẻ lưới dọc các bờ sông. Anh tâm sự: “Có những hôm, thương vợ thương con, anh thao thức, trằn trọc và tỉnh giấc lúc 3 giờ sáng, lặng lẽ ôm lưới đi xuống tận thị xã Phúc Yên, huyện Mê Linh (Hà Nội) đến mãi trưa mới về, đưa vội bát cơm nguội trộn ít muối lạc cho đỡ xót ruột, anh lại tất tưởi đi làm”. Đánh được cá to, anh phấn khởi mang về cho chị đem ra chợ bán, mong kiếm được chút ít để dành chi phí tiền chữa bệnh cho các con. Còn mấy con tép nhỏ thì nhà để lại kho và ăn dè dặt từng bữa. Hôm nào “tươm” lắm chị Lòng cũng chỉ dám để lại 1 con cá nhỡ để nấu cháo, đổi món cho cả nhà.
Nghẹn ngào, không giấu nổi những giọt nước mắt thương tâm, chị Lòng xúc động chia sẻ về nỗi nhọc nhằn của gia đình: Khi biết các con bị bệnh suy thận mãn, anh chị cũng chỉ còn cách dốc hết tâm trí, sức lực để lao động, mong dành dụm tiền để thuốc thang chữa trị cho con. Nhưng bệnh tình ngày càng trầm trọng, các con gái của anh chị phải đưa nhau đi chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần ở Bệnh viện đa khoa Phúc Yên. Lúc đầu, vì thương con, anh chị phải bỏ hết việc nhà để đưa các con đi khám bệnh. Nhưng dần dần, điều kiện không cho phép, các con phải tự đưa nhau đi. Trong khi đó, chi phí cho mỗi lượt chạy thận khoảng 600.000 đồng. Tính ra, mỗi tuần chi phí chữa bệnh cho cả 3 chị em cũng phải mất khoảng gần 3 triệu đồng. Cũng may là các cháu nhà anh chị được đóng Bảo hiểm y tế nên cũng giảm bớt phần nào chi phí mỗi lần điều trị.
Cảm thông, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của gia đình anh chị, tập thể y, bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa Phúc Yên đã hảo tâm, quên góp ngày lương, hỗ trợ chi phí chữa trị cho 3 chị em. Bà con trong thôn Thích Chung cũng đã đồng cảm, san sẻ cùng anh chị, họ hàng trong gia đình cho anh chị vay mượn ít tiền để mua 1 con bê. Mặc dù suốt ngày lam lũ, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, nhưng vì không có người làm thường xuyên nên một mẫu ruộng cũng không đủ để nuôi sống cả gia đình. Nhìn gương mặt hốc hác, gày gò, sạm đi vì sương gió của hai vợ chồng anh chị, chúng tôi không khỏi bùi ngùi, cảm thông cho gia cảnh bần hàn và số mệnh thiếu may mắn của các cháu.
Dù thương bố mẹ vất vả, lam lũ, nhưng hàng ngày, ba chị em gái cũng chẳng thể phụ giúp được gì ngoài mấy công việc nhỏ trong nhà. Đã vậy, sức khỏe của các em lại ngày càng giảm sút hơn. Chứng bệnh suy thận khiến cơ thể các em gầy yếu, xanh xao. Trên những cánh tay nhỏ bé giờ đây đã không còn một chỗ nào lành lặn, nguyên vẹn. Thay vào đó là những vết bầm tím, những lỗ nhỏ, sưng lên rất to và đau đớn sau khi các bác sĩ phải cấy mô cầu nhận tạo để thuận tiện cho việc chạy thận. Nhìn các con phải chịu đựng những cơn đau nhức, ăn không được, ngủ cũng không yên, tâm can vợ chồng anh Chờ chị Lòng lại càng thêm rối như tơ vò. Dẫu biết rằng, nếu đến bệnh viện chạy thận, các con của anh chị sẽ khỏe hơn nhưng gia cảnh giờ đây đang quá khó khăn, cơm ăn hàng ngày còn bữa đói bữa no, thì biết lấy tiền đâu ra tiền mà lo cho các con.
Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình anh chị, chính quyền địa phương xã Bá Hiến đã vận động các tổ chức, đoàn thể và người dân địa phương cùng quên góp, ủng hộ tiền, gạo cho gia đình. Rất mong có thêm những nhà hảo tâm, các tổ chức nhân đạo giúp đỡ, hỗ trợ để anh chị Chờ có thể vượt qua những tháng ngày gian nan, có thêm động lực chăm sóc, chữa trị cho các con.
Hãy chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh thương tâm bằng cách gửi tiền ủng hộ đến Quỹ Tấm lòng Thiện, Báo điện tử Trí thức trẻ. Tài khoản: 1902.798.7602.011 Dương Thị Hà Vân - Techcombank Lĩnh Nam - Hà Nội Địa chỉ: Tầng 17, tòa nhà VTC Online số 18 đường Tam Trinh, Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tòa soạn sẽ là nhịp cầu nối Tấm lòng thiện của độc giả tới những hoàn cảnh khó khăn. |