Trong tiếng Việt cá lưỡi trâu có rất nhiều tên như cá lưỡi mèo, cá lưỡi bò, cá bơn cát, cá bơn, cá thờn bơn.
Khi mới ra đời, chúng tương đối bình thường. Tuy nhiên, trong quá trình sinh trưởng, hộp sọ của cá lưỡi trâu dần biến dạng.
Cuối cùng, hai mắt của chúng cùng nằm về một bên cơ thể. Đặc điểm cấu tạo này cho phép loài cá lưỡi trâu có thể nằm trên một mặt phẳng, ngụy trang thành một tấm thảm có khả năng ăn thịt.
Vây ngực của cá lưỡi trâu tiêu giảm dần theo thời gian. Phần lớn chúng có môi thuôn dài hoặc mõm bao quanh phía trước hàm khiến miệng chúng trông giống như một lỗ răng, cho phép chúng bắt mồi đồng thời từ hai bên cơ thể.
Ở Việt Nam, chúng sống nhiều ở sông Cái Lớn, xuất hiện nhiều nhất vào đầu mùa mưa, khoảng tháng 3, 4 âm lịch hàng năm. Nhiều người đem cá lên bờ làm khô hoặc làm mắm.
Với nguồn cá đồng dồi dào quanh năm, từ lâu người dân vùng U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang đã nghĩ ra cách biến các loại cá như cá sặc, cá trê vàng, cá rô... làm mắm.
Tuy nhiên, mắm được làm từ con cá lưỡi trâu mới thực sự là mắm ngon và chỉ có trên thị trường cách đây một vài năm.
Đây cũng là một đặc sản rất riêng của vùng đất U Minh Thượng mà ai đã có dịp thưởng thức một lần thì sẽ nhớ mãi.
Cá mắm lưỡi trâu có thể chế biến thành nhiều món ăn như: ăn sống, mắm chưng, mắm kho, lẩu mắm… nhưng phổ biến nhất vẫn là ăn sống kèm với thịt luộc, rau xanh, chuối chát.
Mắm sống có thể dùng được ngay nhưng tùy khẩu vị từng người có thể trộn thêm với nước cốt chanh, tỏi băm và đường.
Những ngày ăn thịt, cá nhiều nếu có dĩa mắm sống hay lẩu mắm nhúng rau sẽ là món ăn tuyệt vời, xua đi cái ngán ngấy của ngày Tết.
Trước đây, cá lưỡi trâu bị xem là không có giá trị về kinh tế. Khi kéo lưới được, người dân chỉ dùng làm phân bón hoặc thức ăn cho gia súc gia cầm.
Hiện nay, giá cá lưỡi trâu nguyên liệu đã lên đến 20.000 đồng/kg, giá mắm lưỡi trâu thành phẩm mua tại nơi chế biến đã lên 60.000 đồng/kg.
Làm mắm cá lưỡi trâu cũng đã tăng thêm thu nhập, cải thiện mức sống cho người dân ở vùng đất U Minh Thượng.
Tổng hợp