Sau khi vụ việc các nhà máy chế biến hải sản xả nước thải ra sông Chà Và khiến hàng chục hộ nuôi cá lồng bè tại xã Long Sơn, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lao đao vì cá chết hàng loạt.
Thì ngay gần khu vực cống số 6 (thuộc tổ 10, thôn Cát Hải, xã Tân Hải, huyện Tân Thành), hàng chục hộ dân cũng đang khổ sở bởi mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Nước chuyển thành màu tím
Chúng tôi vừa bước chân đến con đường rẽ vào khu vực cống số 6, nơi gần với 14 cơ sở chế biến hải sản hoạt động, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Đi sâu vào bên trong theo con đường đê ngăn hồ chứa nước thải của 14 cơ sở chế biến hải sản, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên bởi hồ nước (khoảng hơn 10 ha) chuyển thành màu tím, càng đi sâu vào thì mùi hôi thối càng khủng khiếp.
Người dân nơi đây cho biết khi các nhà máy chế biến hải sản mới về, tình trạng trên không xảy ra nhưng càng về sau thì mức độ ô nhiễm càng thể hiện rõ khi đồ đạc làm bằng kim loại đều bị hỏng hóc và bào mòn nhanh hơn bình thường gấp nhiều lần.
Gia đình chị Phạm Duy Dung (46 tuổi; ngụ tổ 10, thôn Cát Hải) cứ 2-3 năm phải thay tủ lạnh vì linh kiện bên trong bị hoen gỉ, riêng tivi thì từ năm 2010 đến nay đã thay tất cả 5 chiếc.
“Không biết trong không khí có chất gì nhưng nhà ai mà lợp mái tôn thì được vài tháng là bắt đầu lấm tấm đen rồi hoen gỉ” - chị Dung nói.
Chị Phạm Duy Dung phản ánh việc nước trong hồ chuyển sang màu tím vì ô nhiễm
Không chỉ không khí có vấn đề, người dân nơi đây còn bị hành hạ bởi mùi hôi thối bốc lên từ sáng tới tối, đặc biệt vào lúc nửa đêm.
Trẻ em thường xuyên mắc các căn bệnh về đường hô hấp và ốm đau liên tục. Chị Lê Thị Hồng Lan (ngụ tổ 9, thôn Cát Hải) cho biết con chị mới 2 tuổi nhưng thường xuyên nhập viện vì nhức đầu, khó thở hoặc bị ngứa ngáy khắp người.
“Khi đang ăn cơm mà gặp một cơn gió thì mọi người phải đóng cửa, thậm chí có người nôn thốc nôn tháo. Bạn bè không dám tới nhà chơi, muốn chuyển đi nơi khác cũng không được vì bán nhà không ai mua” - chị Lan bức xúc.
Cống đóng nhưng nước thải vẫn chảy
Sau khi xảy ra việc 14 nhà máy chế biển hải sản xả thải trực tiếp ra sông Chà Và khiến cá nuôi lồng bè chết hàng loạt, cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu buộc các nhà máy tạm dừng hoạt động để tiến hành thanh tra, kiểm tra.
Sau đó, các nhà máy này lại tiếp tục hoạt động bình thường.
Trước đây, cống số 6 bị hư hỏng nặng, hệ thống ngăn nước không còn tác dụng nên nước thải trong hồ ra vào tự do.
Theo đó, khi thủy triều lên thì nước từ sông Chà Và đi qua cống đổ vào hồ chứa nước thải, khi thủy triều xuống thì nước trong hồ bị đẩy ra sông kéo theo nước xả thải của 14 cơ sở chế biến hải sản khiến tình trạng ô nhiễm nặng nề.
Khoảng gần 2 tháng nay, vị trí cống số 6 đã được sửa lại và được người của Trung tâm Quản lý khai thác công trình thủy lợi Bà Rịa - Vũng Tàu canh giữ.
Tuy nhiên, không chỉ nước thải trong hồ có màu tím mà một diện tích lớn sông Chà Và, gần với vị trí của các hộ dân sinh sống, nước cũng có màu tím và bốc mùi.
Lý giải về vấn đề trên, nhân viên canh giữ cống cho biết có thể do cống số 6 và đê đã cũ nên nước thải bị rò rỉ ra sông chứ cống thì đóng cả ngày đêm.
Theo nhân viên này, anh thường xuyên ăn ngủ tại đó để canh cống số 6, tránh trường hợp người ngoài mở cống để thoát nước thải ra sông nên chịu ảnh hưởng trực tiếp của mùi hôi thối bốc lên từ hồ chứa nước thải, khoảng 2 hoặc 3h sáng thì mùi thối không thể chịu được.
Thiệt hại hơn 18 tỉ đồng
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong 3 đợt cá chết trong năm 2015, thiệt hại của người dân là 18,1 tỉ đồng.
Qua 2 lần đối thoại với UBND tỉnh, 14 doanh nghiệp chế biến hải sản vẫn chưa thống nhất việc bồi thường cho người nuôi cá và xin UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời gian để bàn bạc và được chấp thuận.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp trên phải trả lời cho UBND tỉnh trước ngày 10-12, nếu quá thời hạn trên thì cơ quan chức năng sẽ hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa.