Hội thảo thu hút sự quan tâm của đông đảo chuyên gia kinh tế, lãnh đạo bộ ngành địa phương, các nhà khoa học. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự hội thảo.
Hội thảo được tổ chức ngay sau khi đóng điện lưới quốc gia ra đảo Lý Sơn, có ý nghĩa lớn trong việc cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế biển của Đảng và Nhà nước tại huyện đảo tiền tiêu này.
Ông Vương Đình Huệ, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, khẳng định: Lý Sơn có nhiều tiềm năng về du lịch và những tư liệu quý về Hoàng Sa, có mối liên hệ gần gũi và chặt chẽ với các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Quảng Ngãi và vùng lân cận.
Nằm trên tuyến đường biển từ Bắc vào Nam, đồng thời là đường ra biển Đông của khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung qua cửa khẩu Dung Quất, Lý Sơn, có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế kết hợp với an ninh quốc phòng.
Việc đẩy mạnh, thu hút đầu tư vào Lý Sơn nằm trong chiến lược phát triển kinh tế biển của nước ta. Với mục tiêu đến năm 2020, Lý Sơn trở thành huyện đảo mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng-an ninh, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội, chất lượng cuộc sống của dân cư trên địa bàn huyện không ngừng được nâng cao; phấn đấu trở thành một huyện đảo xanh, sạch đẹp; là một điểm du lịch, nghỉ dưỡng hấp dẫn của Quảng Ngãi và miền Trung, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư vào Lý Sơn theo nhiều hình thức khác nhau. Các nhà đầu tư vào Lý Sơn sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất theo các chính sách của Chính phủ.
Các bộ ban ngành cần có quy hoạch phát triển rõ hơn cho Lý Sơn, có các giải pháp khơi dậy các nguồn lực để phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Lý Sơn có vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia, và nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển, du lịch.
Tuy nhiên, hiện Lý Sơn còn tới 25% hộ nghèo (tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ 7%), kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ. Đặc biệt, khi Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì cuộc sống mưu sinh của ngư dân bị đe dọa.
Do đó, việc đầu tư, kêu gọi đầu tư vào Lý Sơn có ý nghĩa hết sức to lớn, hướng đến xây dựng Lý Sơn thành một thành phố phát triển kinh tế vững mạnh, một hòn đảo du lịch.
Sẽ có cơ chế đặc biệt
Phó Thủ tướng khẳng định: Lý Sơn cần có chính sách đặc biệt, áp dụng trong giai đoạn 2015–2020. Việc đầu tư kết cấu hạ tầng, Lý Sơn sẽ được ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương.
Các dự án trọng điểm sẽ được ưu tiên hỗ trợ, các nhà đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi cao nhất từ Chính phủ. Chính phủ cũng khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư dưới nhiều hình thức vào các công trình hạ tầng, dân sinh.
Riêng với ngư dân Lý Sơn sẽ được ưu tiên hưởng mức cao nhất theo Nghị định 67 của Chính phủ. Cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang làm việc trên đảo sẽ hưởng chế độ phụ cấp 0,7 (bằng với Côn Đảo).
Ngoài ra, Chính phủ giao Bộ Y tế, Bộ Quốc phòng đầu tư xây dựng bệnh viện Quân dân y kết hợp, hỗ trợ trang thiết bị, đào tạo đội ngũ y bác sỹ phục vụ việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
Hiện nay việc trồng tỏi hành trên đảo Lý Sơn hiệu quả rất cao từ 1,5–2 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp nhiều lần so với đất liền. Do đó việc đầu tư phát triển cần tính đến việc bảo vệ diện tích đất trồng tỏi cho dân, không để bị thu hẹp.
Phải nghiên cứu trồng tỏi, hành công nghệ cao, nhằm xây dựng sản phẩm nông nghiệp quốc gia nổi tiếng. Một việc cần làm ngay là ngăn chặn sự xâm thực, bởi trong vòng gần 40 năm qua, Lý Sơn đã bị biển xâm thực gần 100 ha.
Trong khi đó, hiện chỉ mới 5% diện tích đảo được đê kè chống xói lở. Diện tích còn lại tỉnh, địa phương cần báo cáo để Trung ương đầu tư xây dựng, không để 40 năm sau, Lý Sơn chỉ còn 8km2.
“Cùng với việc phát triển kinh tế, Lý Sơn phải trở thành bảo tàng sống về chủ quyền quốc gia. Phải làm sống lại lễ tế hùng binh Hoàng Sa, phát triển đội tàu đánh bắt hùng mạnh hiện đại vừa phát triển kinh tế biển, vừa đối đầu với tranh chấp khu vực dân sự trên biển hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn hợp tác phát triển Vùng duyên hải miền Trung, cho hay: Muốn phát triển Lý Sơn phải mở đường và có những chính sách đền bù cho những khoản bất lợi khi DN vào đầu tư. Cần có chính sách giảm thuế, Nhà nước phải đầu tư quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư lấn biển để tăng quỹ đất cho Lý Sơn…
Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV, đề xuất: Việc đầu tư vào Lý Sơn cần phải áp dụng cơ chế đặc biệt thay vì cơ chế đặc thù. Cần phát triển Lý Sơn thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia, đẩy mạnh hậu cần nghề cá, xây dựng sân bay nhỏ phục vụ yếu tố an ninh quốc phòng. Việc quy hoạch Lý Sơn cần mời chuyên gia Singapore vì họ có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Phó Thủ tướng cho biết, Chính phủ đã giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT, tỉnh Quảng Ngãi thảo luận chính sách, cơ chế đặc thù cho huyện đảo Lý Sơn. Những ý kiến, đóng góp tại hội thảo sẽ được thu thập, chỉnh sửa đề án để trình Thủ tướng phê duyệt.
Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao tặng 10 căn nhà tình nghĩa cho người dân tỉnh Quảng Ngãi; ông Vương Đình Huệ trao tặng 126 tủ thuốc cho ngư dân Lý Sơn; Ngân hàng BIDV hỗ trợ an sinh xã hội cho huyện đảo Lý Sơn 10 tỷ đồng.
Chương trình Tấm lưới nghĩa tình vì ngư dân Hoàng Sa Trường Sa của Tổng LĐLĐVN hỗ trợ 2 tỷ đồng xây dựng trường mầm non ở Lý Sơn; Thống đốc NHNN và ngành ngân hàng tặng 10 tỷ đồng cho Lý Sơn xây nhà vệ sinh, cải thiện môi trường; Ngân hàng NN&PTNT tài trợ UBND Quảng Ngãi đóng mới 1 tàu cá kiểu mẫu cho ngư dân Lý Sơn.