Sò đo cam hay còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, phượng hoàng đỏ, đỉnh phượng hoàng, tulip châu Phi, uất kim hương châu Phi. Cây thân gỗ cao 15-20m, thường xanh phân cành, tán lá rậm hình tròn. Lá mọc đối kép lông chim. Hoa lớn đẹp có màu vàng cam.
Cây có khả năng thích nghi và tốc độ phát triển nhanh, bông nở thành từng cụm, hạt có cánh nên có thể phát táng theo gió(Ảnh: Báo Lâm Đồng)
Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đưa loại cây này vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng. Vốn là cây có khả năng thích nghi và tốc độ phát triển nhanh, Sò đo cam tăng nhanh số lượng ở những nơi mà chúng xuất hiện, gây ra sự biến đổi về hệ sinh thái, đe dọa đa dạng sinh học bản địa.
Tại Việt Nam, sò đo cam được gieo trồng và nhân giống ở các tỉnh phía Nam như Lâm Đồng, Khánh Khòa... Vì có màu sắc bắt mắt, hoa đẹp, lại dễ trồng nên các địa phương này chọn trồng Sò đo cam trên các tuyến đường vào khu du lịch, công viên, đường phố. Số cây được trồng ngày càng gia tăng và phủ rộng trong các năm gần đây.
Sò đo cam trồng ở Bảo Lộc, Lâm Đồng (Ảnh: báo Lâm Đồng)
Chỉ tính riêng trong hai năm (2010 và 2011), ngoại trừ 3 huyện Cát Tiên, Bảo Lâm và Đam Rông, các địa phương còn lại trên địa bàn tỉnh đã trồng đến 5.368 cây Sò đo cam.
Việt Nam là một trong những quốc gia có tính đa dạng sinh học bị đe dọa nặng nề nhất. Các chuyên gia bày tỏ lo lắng, cần sớm có những nghiên cứu khoa học để xác định mức độ xâm hại của loài cây này, tránh để rơi vào tình trạng phát triển ồ ạt, khó kiểm soát.
Theo Nguoiduatin