Làng Canh Hoạch nằm ở phố Vác, xã Dân Hòa, huyện Thanh Oai, cách trung tâm Hà Nội chừng 30km. Có thể đi đến làng qua quốc lộ 21B đến ngã tư Vác là thấy ngay biển báo làng nghề. Mới đến cổng làng, chúng tôi đã phải dừng xe nhường đường các đoàn xe ra vào tấp nập. Những đoàn xe nối đuôi nhau chở hàng tre, trúc từ những vùng Tây Bắc đổ về, từ trong làng, cánh xe ôm, ba gác cũng tất tả chở hàng chục lồng chim thành phẩm ra ngoài để giao cho các mối hàng. Không khí sản xuất nhộn nhịp khắp làng trên, xóm dưới.
Canh Hoạch là vùng quê của những nghề truyền thống, làm quạt, khuôn nón, lồng chim. Theo thời gian, nghề làm quạt giấy không còn hưng thịnh, đến nay 95% gia đình ở làng Vác đã chuyển sang làm lồng chim, một số ít làm quạt, làm lồng đèn. Nghề làm lồng chim làng Vác có tiếng từ trước năm 1945, nhưng chỉ thực sự phát triển khi thú chơi chim cảnh lên “như diều gặp gió”.
Theo anh Phan Hiệp Hòa (Thanh Xuân, Hà Nội) thì: “Hiện nay chơi chim không chỉ để ở nhà mà còn mang đi thi đấu, giao lưu vì thế một chiếc lồng đẹp, chất lượng rất quan trọng”. Không ưng ý những chiếc lồng bán trên chợ, anh Hòa đã lặn lội xuống tận gia đình cụ Lộc, nghệ nhân làng Vác để đặt 1 chiếc lồng có giá 10 triệu đồng.
Lồng chim có 2 loại chính là hàng chợ và hàng kỹ. Hàng chợ là những loại lồng chim được người thợ Canh Hoạch sản xuất đại trà, kỹ thuật và chất lượng ở mức trung bình, giá buôn từ 100 - 300 ngàn đồng. Còn hàng kỹ là hàng được đặt, kỹ thuật sản xuất đòi hỏi ở mức cao không phải ai cũng làm được và nguyên liệu làm lồng phải là tre, trúc già có tuổi từ 4-5 năm.
Theo nghệ nhân Nguyễn Văn Đồng, người có thâm niên hơn 30 năm làm nghề thì thợ làm lồng cao cấp phải có tay nghề cao, chạm trổ thuần thục các họa tiết hoa lá, long, ly, quy, phụng phù hợp với gánh chim của lồng, những sản phẩm kỳ công như vậy người thợ sẽ phải bỏ ra 2, 3 ngày để làm, giá lồng chim loại này từ 3 triệu đến 20 triệu đồng. Nhưng dù là sản phẩm gì thì cung không kịp cầu, người làng không phải lo về đầu ra cho sản phẩm.
Thị trường chủ yếu của lồng chim Canh Hoạch là Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và cả thị trường châu Âu, Nhật, Mỹ... Anh Nguyễn Văn Nghệ, truyền nhân của nghệ nhân Ba Mi cho biết: “Giờ máy móc cũng đỡ việc chân tay nhiều nhưng mùa cao điểm nhà tôi phải sử dụng tới 20 lao động, lương 5 - 6 triệu/người/tháng. Người dân có thu nhập tốt từ nghề của làng”.
Không chỉ thức thời trong sản xuất, kinh doanh, làng nghề còn thu hút được khách du lịch nước ngoài tới tham quan và thực nghiệm, đa phần đều để lại những phản hồi tích cực.