Lằn ranh sinh tử của "nghề tử thần"

Phan Đình |

(Soha.vn) - Cái nghèo đeo bám, nghĩ đến tương lại vợ con, những người chồng vẫn liều mình mưu sinh ở mỏ đá. Dù họ biết, tai nạn có thể đến bất cứ lúc nào.

Những âm thanh khô khốc, chát chúa phát ra từ tiếng búa tạ, từ mũi khoan chọi khoét vào lòng đá. Có nhọc nhằn nào bằng miếng cơm, manh áo người thợ đá làm ra. Có đau đớn, ám ảnh nào bằng cái chết bị đá đè, rớt xuống từ núi đá. Đời thợ khoan đá, chẻ đá đối mặt với sinh tử trong gang tấc, nhưng vì áo cơm, nhiều người đã, vẫn liều lĩnh bước vào. Nhiều người vẫn quen gọi nghề khoan đá, chẻ đá ở trên những mỏm núi chênh vênh này là "nghề tử thần"

Trong cái hối hả của những ngày cuối năm, chúng tôi có mặt tại tỉnh Bình Định để ghi lại hình ảnh vất vả, nguy hiểm của những thợ đá nơi đây.

Chênh vênh đường lên mỏ đá trên núi Hòn Chà (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn).

Ở núi Hòn Chà (phường Bùi Thị Xuân, TP Quy Nhơn, Bình Định), thợ khoan đá làm việc trong điều kiện vô cùng nguy hiểm. Chân trần mím vào đá, đồ bảo hộ duy nhất của họ là những chiếc mũ vải và khẩu trang.

Càng lên cao những cung đường càng nguy hiểm.

Anh Nguyễn Thái Mẫn (32 tuổi, ở thôn Trung Ái, phường Nhơn Hòa, thị xã An Nhơn), người đã có 6 năm trong nghề khoan đá, chẻ đá, cho biết: “Thợ đá là thợ “ba không”, đó là không hợp đồng, không bảo hiểm, không ràng buộc. Gặp mỏ đá xấu, hao công, sản lượng thấp hoặc khi có điều gì không vừa lòng, xảy ra xích mích với chủ, đám thợ chúng tôi dễ dàng bỏ ngang đi tìm nơi khác làm. Nghề thợ đá là tổng hợp của cái nghề, của sự tự do và cả sự đe dọa tính mạng".

Anh Nguyễn Thái Mẫn (người dưới cùng) và hai thợ đá đang chân trần chẻ đá.

Những phận đời lam lũ cần mẫn đục đẽo mỗi ngày, biến đá thành cơm.

Anh Lê Phú Cường (ở xã Phước An, huyện Tuy Phước) cho rằng: "Những người phải thuộc hạng bần cùng, không tấc đất cắm dùi và phải có máu gan lì mới vào nghề thợ đá. Dẫu cho người thợ đá có nằm lòng một số mẹo cơ bản để tự bảo vệ mình như: Thế đá, độ nghiêng, hướng ngã - lăn - rơi, đường gân, tư thế ngồi, điểm tưạ... thì rủi ro có thể xảy ra bất cứ lúc nào, người bình tĩnh xử lý được trong hoàn cản đó rất hiếm”.

Gia đình không một tấc đất, anh Cường buộc phải vào bãi đá kiếm cái ăn cho gia đình.

Những căn lều tạm bợ của thợ đẽo đá nằm dọc tỉnh lộ 638 (xã Phước An, huyện Tuy Phước).

Nhắc đến những mỏ đá trên núi Chùa Hang (xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ), ai nấy đều rụt cổ, nhăn mặt, một nỗi sợ mơ hồ chạy dọc sống lưng.

Chỉ riêng thôn Hội Khánh của xã Mỹ Hòa (huyện Phú Mỹ) đã có 4 người bỏ mạng, "thịt nát xương tan" vì đá. Cũng bởi cảnh nghèo, áo cơm thúc giục, nghĩ đến tương lai con cái mà những người chồng, người cha liều lĩnh mưu sinh ở mỏ đá. Tai nạn từ nghề đá, nhất là với thợ khoan, thợ chẻ thường bi đát vô cùng.

Đã hơn 6 tháng kể từ ngày anh Huỳnh Công Hạnh (thôn Hội Khánh, xã Mỹ Hòa, huyện Phù Mỹ) đột ngột thiệt mạng ở mỏ đá, bỏ lại cha mẹ, vợ con, nỗi đau, nỗi ám ảnh chưa hề vơi trong gia đình người thợ xấu số này. Hơn 10 năm làm ở mỏ đá, từ thợ chẻ lên thợ khoan, đã nếm trải đủ nhọc nhằn, khắc nghiệt, anh Hạnh định bụng chỉ ráng làm đến cuối năm rồi nghỉ hẳn. Nào ngờ, "tử thần" đã tìm đến anh trước khi anh thực hiện được dự định của mình.

Chị Huỳnh Thị Hồng Yến, vợ Huỳnh Công Hạnh gạt nước mắt kể: “Ảnh nói đá ở dưới thấp hết, phải leo lên tận chơi vơi, cách mặt đất mấy chục mét mà khoan, hãi lắm! Cứ đôi ba hôm ảnh lại nói chuyện nghỉ, nhưng rồi thấy thằng Vũ, con Quỳnh đến tháng đóng tiền học, út Tư đến tuổi đi mẫu giáo bán trú, nghĩ đến cái ăn cho cả nhà rồi chỉ trông chờ vào 1 sào ruộng…, ảnh lại lặng lẽ vào mỏ đá”.

Chị Yến xót xa trước cái chết của chồng.

Anh Mẫn cho biết, chính tại khoảnh khắc đón đứa con đầu lòng từ tay người y tá tại cổng phòng mổ, cũng là lần đầu tiên người thanh niên dạn dày gió sương và có máu liều lĩnh ấy nói đến chuyện giải nghệ với nghề thợ đá. Anh bảo: "Hạnh phúc hay khổ đau của vợ con gắn chặt vào mình, ngay khi có được số vốn nhỏ, tôi sẽ về quê làm ruộng, chăn nuôi”.

 

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại