Tuy nhiên, với việc xử lý không đến nơi đến chốn, thậm chí cho tồn tại và yêu cầu người dân cam kết tự tháo dỡ không bồi thường khi Nhà nước có yêu cầu của các cơ quan chức năng đang khiến cho nạn lấn chiếm dọc bờ sông Sài Gòn ngày càng gia tăng.
Xâm lấn bờ sông “liên tục phát triển”
Ngay từ những ngày đầu xảy ra lấn chiếm (từ 2004 trở về trước), các cơ quan chức năng của thành phố (TP) thiếu những biện pháp quản lý hiệu quả cũng như không kiên quyết xử lý giải tỏa đến nơi đến chốn nên dần dần diện tích bị lấn chiếm bờ sông biến thành của riêng.
Thực trạng này có thể thấy ở mặt tiền dọc bờ sông thuộc khu vực Thanh Đa (Q.Bình Thạnh), một số khu thuộc Q.2 hay Q.Thủ Đức, những ngôi nhà biệt thự to đùng được chủ xây kè bêtông kiên cố, kéo cả hàng rào biến thành một phần khu vườn của biệt thự; hoặc những nhà hàng, quán ăn chiếm ngữ ra đến tận mép sông.
Để tận hưởng không gian bờ sông phải có tiền mua nhà trong các dự án bất động sản hạng sang.
Năm 2004, khi thành phố ban hành QĐ 150 về việc quy định quản lý, sử dụng hành lang trên bờ sông, kênh, rạch thuộc địa bàn TPHCM, thì tình trạng lấn chiếm sông, hành lang bờ sông Sài Gòn cũng không giảm.
Đáng nói hơn, dù các trường hợp vi phạm rành rành ra đó, nhưng một số vụ chính quyền địa phương vẫn không xử lý rốt ráo.
Cụ thể như một số trường hợp ở đường Ung Văn Khiêm vi phạm lấn chiếm sông và hành lang bờ sông Sài Gòn P.25, Q.Bình Thạnh, với diện tích vi phạm lên đến hàng nghìn mét vuông được phát hiện từ đầu năm 2010.
Chính quyền địa phương cũng đã ra văn bản xử phạt hành chính, buộc yêu cầu tháo dỡ trả lại hiện trạng ban đầu, trên thực tế đến nay các trường hợp vi phạm này vẫn ngang nhiên tồn tại...
Khi PV liên hệ chính quyền sở tại để tìm câu trả lời, thì lãnh đạo địa phương lấy lý do bận họp, chưa thể tiếp.
Dưới góc độ cơ quan quản lý chuyên ngành, từ năm 2010 đến nay, Sở GTVT đã nhiều lần có văn bản yêu cầu địa phương xử lý đến nơi đến chốn, nhưng địa phương vẫn tỏ ra bình chân như vại, khiến vi phạm diễn ra liên tục, kéo dài hơn 2 năm qua.
Ông Trần Thế Kỷ - Phó GĐ Sở GTVT – cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị UBND TPHCM chỉ đạo địa phương nhanh chóng xử lý các trường hợp vi phạm. Nếu đối tượng vi phạm không tự ý tháo dỡ phần công trình xây dựng thì phải tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ”.
Xử phạt, nhưng công trình lấn chiếm vẫn hoàn thành
Theo ông Trần Thế Kỷ, các trường hợp vi phạm sau khi phát hiện phần lớn được chính quyền địa phương lập biên bản vi phạm hành chính và ra quyết định xử phạt, ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục trả lại hiện trạng ban đầu. Nhưng thực tế không ít đối tượng vi phạm không chấp hành, còn cơ quan chức năng lại thiếu kiên quyết cưỡng chế đến cùng.
Có trường hợp lấn chiếm được chính quyền địa phương cho phép tồn tại và yêu cầu đối tượng vi phạm cam kết không bồi thường khi Nhà nước có yêu cầu giải tỏa. Chính vì vậy, đến nay còn tồn đọng rất nhiều trường hợp vi phạm lấn chiếm sông – rạch mà vẫn chưa xử lý dứt điểm.
Trong khi đó, ông Phan Hoàng Trí – GĐ Khu Quản lý đường thủy nội địa TPHCM - cho biết, do chính quyền địa phương chưa giám sát chặt chẽ nên xảy ra tình trạng sau khi lập biên bản vi phạm ban đầu, các tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục xây dựng công trình hoặc lấn chiếm. Đến khi các cơ quan chức năng xác định rõ hành vi vi phạm thì công trình đã hoàn thành.
Đáng nói, thường những tổ chức, đơn vị như nhà hàng, khách sạn vi phạm lấn chiếm với quy mô lớn, kinh phí đầu tư lớn, do vậy các tổ chức, cá nhân vi phạm luôn tìm đủ mọi cách lách để được tồn tại. Đến khi nào họ không tìm cách tồn tại được diện tích vi phạm thì mới buông xuôi chấp nhận tháo dỡ.
Theo ông Phan Hoàng Trí, vấn đề mấu chốt hiện nay phụ thuộc vào chính quyền các địa phương. Nếu địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát và kiên quyết xử lý ngay từ đầu những trường hợp phát sinh thì sẽ không còn tình trạng... xử phạt cho có rồi vẫn để cho vi phạm “liên tục phát triển” như hôm nay.
Theo một số kiến trúc sư, giá trị cảnh quan mà sông Sài Gòn mang lại cho TPHCM là vô giá, nếu khai thác tốt dọc bờ sông Sài Gòn đẹp không kém sông Seine ở Paris nước Pháp hay sông Thame của London nước Anh.
Đáng tiếc trong một thời gian dài việc đánh giá tầm quan trọng của giá trị cảnh quan sông Sài Gòn mang lại cho TPHCM chưa đúng tầm nên chưa có những chính sách giữ đất hiệu quả để sau này khi có điều kiện sẽ thực hiện quy hoạch.
Hiện nay, những dải đất dọc sông Sài Gòn trên địa bàn quận Thủ Đức, quận 2... đã được giao cho nhiều dự án bất động sản, do vậy sau này dù có tiền thì cũng khó mà khắc phục được.