Từ đó, có những quy định rất ngặt nghèo khi tiếp xúc với vật tổ.
Bị rụng răng vì ăn nhầm vật tổ?
Tôi đến với bản Pa Xa Xá (xã Pa Thơm, huyện Điện Biên) trong những ngày trời trở rét. Những mái nhà sàn ấm áp đã che chở cho hàng chục hộ dân Khơ Mú.
Ở đây, tôi được nghe nhiều câu chuyện huyền bí về việc đặt họ của người Khơ Mú.
Bà Quàng Thị Say năm nay đã 58 tuổi, được nhiều người dân trong bản kính trọng vì cái bụng của bà là một kho kiến thức của tổ tiên.
Trong nhiều câu chuyện của bà Say, tôi đặc biệt ấn tượng về quy định của người Khơ Mú với các vật tổ của mình.
Bà Say cho biết, mỗi họ của người Khơ Mú có nguồn gốc riêng, họ thường gắn với một loài vật loài đó.
Ví như họ Quàng có vật tổ là con cáo, họ Lường có vật tổ là con cầy, họ Lò có vật tổ là con đại bàng… Người Khơ Mú quy định rất chặt chẽ việc tiếp xúc với vật tổ.
Khi thấy vật tổ, họ thường kính trọng mà lùi ra xa. Cho đến ngày nay, người Khơ Mú vẫn sống bằng nghề săn bắn nhưng không bao giờ họ được phép bắn loài vật tổ của mình.
Khi thấy vật tổ qua đời, họ còn phải tổ chức mai táng rất chu đáo. Đặc biệt, người Khơ Mú kiêng không bao giờ ăn thịt vật tổ.
Quy định ngặt nghèo đến nỗi nếu khách nào không biết vừa ăn phải vật tổ của họ khi rửa tay ở chum nước họ cũng đổ cả chum đó đi, cúng bái cẩn thận rồi mới tiếp tục dùng nước.
Ngoài ra, mỗi họ lại có cách thờ riêng của mình mà chỉ người trong cùng dòng họ mới biết.
Một câu chuyện đượm mầu huyền bí mà tôi được nghe của bà Say kể là 2 trường hợp của ông Lường Văn Kênh và Lường Văn Sa ở bản Xa Cuông.
Trong dịp đầu năm 2013, hai ông này có đến nhà một người bạn ở xa chơi. Khi được chủ nhà mời ăn tối, họ chủ quan không hỏi là thịt gì mà ăn hồn nhiên.
Ăn rồi họ mới tá hỏa khi biết đó là thịt cầy chủ nhà săn được trên rừng. Sau đó một thời gian, ông Kênh và ông Sa bị rụng hết răng khiến người Khơ Mú cả một vùng kinh hãi.
Để xác minh sự việc, tôi đã tìm đến bản Xa Cuông, nhưng 2 ông này đi làm nương không có nhà. Tuy nhiên, nhiều người ở bản đã xác nhận chuyện này.
Bà Chu Thùy Liên - Phó ban Dân tộc tỉnh Điện Biên - cho biết thêm, việc đặt họ của người Khơ Mú là một phong tục rất độc đáo.
Họ người Khơ Mú nguyên gốc thường theo tên các thú rừng, cây cối, chim, vật vô tri...
Như nhóm tên thú Rvai (hổ), Tmoong (chồn, cầy), Tiác (hươu, nai), Ho Hoa (khỉ), Oivê (rái cá), Mar (rắn), Kưmbur (tê tê), Thràng (phượng hoàng đất)…, đây là dấu vết tô tem (thờ vật tổ) còn sót lại trong xã hội cổ xưa của người Khơ Mú.
Mỗi dòng họ có nghi thức riêng để thờ cúng. Hình thức thờ cúng thường được dấu kín, không tiết lộ cho người ngoài.
Gia đình phải bắt chước 1 số động tác của tô tem, việc này nhằm xác định mình mang họ hổ, chim hay chồn… Dấu vết của tô tem giáo còn thể hiện trong việc cúng bái, kiêng cữ.
Họ không giết và ăn tô tem ngay cả giữa ngày thường vì theo quan niệm của người Khơ Mú, khi chết họ sẽ hóa kiếp trở lại thành vật tô tem của mình.
Nhiều phong tục độc đáo
Bên cạnh việc đặt họ theo vật tổ, người Khơ Mú còn có nhiều phong tục kỳ lạ khác. Bên bếp lửa bập bùng của người dân tộc thiểu số, tôi được nghe cách chế biến món kính coong.
Phải nói thật, tôi là một người đi không ít vùng dân tộc thiểu số nhưng nghe tên món kính coong bản thân tôi cũng phải giật mình.
Hiểu theo tiếng Khơ Mú, thì “coong” có nghĩa là tổng hợp của hầu hết các loại rau củ quả, ớt, hành tỏi, cà rừng, mắc khén... nấu với thịt thối.
“Kính” có nghĩa là một loại canh thập cẩm. Nôm na, kính coong theo cách hiểu của ngôn ngữ phổ thông có nghĩa là canh thịt thối.
Đây là món đặc sản không thể thiếu của người Khơ Mú trong những dịp cưới xin, lễ tết.
Để có được miếng thịt mùi đặc trưng, người Khơ Mú treo thịt lên gác bếp hàng tuần, rồi hàng ngày vẩy nước để tạo độ ẩm, thu hút ruồi nhặng bay đến đậu vào làm tổ, mang theo cả vi sinh vật.
Sau đó, để nấu được món kính coong, người ta phải đổ nước, hầm nát nhừ, rồi cho các loại rau củ quả, thêm một ít bột gạo cho sóng sánh.
Tiếp tục về câu chuyện của người Khơ Mú, tôi được nghe kể về một vũ điệu phồn thực có một không hai nơi đây, đó là “vũ điệu chọc lỗ” giữa núi rừng.
Mỗi độ xuân về, người Khơ Mú đều tổ chức vũ điệu chọc lỗ tra hạt với chiếc gậy độc đáo gắn với nhạc cụ tưng bừng rộn rã như sự giao hòa âm dương, thức dậy những khát vọng về một cuộc sống ấm no hạnh phúc.
Chiếc gậy chọc lỗ tra hạt này làm bằng gỗ cứng, dài từ 1,8m - 2m, đẽo nhọn ở đầu, có khi còn được bịt sắt.
Gậy này có ba phần: Phần đầu bằng gỗ cứng, phần thân thường bằng tre và phần cuối gắn với các nhạc cụ được chế tác đơn giản, gồm những ống tre, nứa nhỏ cho những viên sỏi vào trong.
Khi chọc lỗ, âm thanh dội lên ở phần thân bằng tre như một hộp cộng hưởng. Những viên sỏi va đập vào ống tre, nứa tạo nên những âm thanh trầm bổng, tươi vui, rộn rã giữa non ngàn.
Người Khơ Mú làm nương theo lối đổi công, có thể là một nhóm, có khi cả bản cùng làm.
Đàn ông khỏe mạnh dàn hàng ngang đi trước, vừa nhún nhẩy, vừa vung gậy chọc lỗ tra hạt, những âm thanh như đánh thức đất trời, khích lệ những người tham gia lao động.
Các cô gái theo sau nhịp nhàng vung tay gieo những hạt lúa giống vào lỗ, chân gạt nhẹ lấp đất. Tất cả đều nhịp nhàng uyển chuyển, hài hòa trong khúc dân ca của chính người Khơ Mú:
“Mưa rơi cho cây tốt tươi/Búp chen lá trên cành/ Trên nương hương thơm nếp vàng/ Măng cười hé lên cùng/Ngạt ngào hương thơm bay theo gió/Những chim nướng cùng nếp thơm/Nhìn mà no!”.
Tiếng cười vang xa mấy cánh rừng, bao nỗi mệt nhọc tan biến. Sau mỗi mùa vụ, nhiều đôi thanh niên nam nữ nên vợ nên chồng.