Từ 5 năm nay, mỗi ngày, căn nhà nhỏ của anh Phùng Văn Trường (sinh năm 1977, thôn Nhân Lý, xã Nam Phương Tiến, Chương Mỹ, Hà Nội) luôn vang lên tiếng đánh vần, tập đọc của các em nhỏ. Buổi trưa, tối là khoảng thời gian anh dành để kèm những em học sinh trong làng ôn tập.
Gian nan hành trình luyện chữ
Về Nhân Lý hỏi thăm nhà anh Trường đúng lúc cán bộ xã đến gửi anh bằng khen “Người tốt, việc tốt tiêu biểu” của huyện. Gương mặt anh như rạng rỡ hơn vì “người tốt, việc tốt” tức là chứng minh bản thân anh có ích cho xã hội chứ không phải sống lay lắt qua ngày.
Sinh ra trong một gia đình có 5 anh em, anh Trường là cả. Lúc hơn 1 tuổi, anh không thể lẫy, bò hay đứng dậy như những đứa trẻ bình thường. Căn bệnh liệt cơ, gân đã chú định gắn anh với chiếc xe lăn từ bấy giờ.
“Học hết lớp 8 tôi phải nghỉ vì tay không thể cầm được cây bút nữa, chân cũng không thể bước đi dù có chống nạng. Chuyện học hành cũng chấm dứt từ đấy” anh Trường ngậm ngùi.
Từ đó, cuộc sống của anh gần như gắn với chiếc xe lăn, không gian sống cũng chỉ vẻn vẹn là ngôi nhà. “Hồi đó, tôi nhờ bố mẹ mở cho một cửa hàng tạp hóa nhỏ, chủ yếu là để được nói chuyện với người khác, được gần hơn với cuộc sống bên ngoài” anh Trường kể.
Nhưng chuyện quản một cửa hàng tạp hóa nhỏ xíu cũng không hề đơn giản. Vì chân tay yếu, anh không thể lấy đồ cho khách, hay khi người làng nợ tiền anh không nhớ hết được, mà viết thì không nổi.
“Người ta thương mua giúp thì quý, nhưng khi học chịu tiền, mình nhớ không đúng thì mang tiếng. Ý định tập viết bằng miệng cũng bắt đầu từ đó. Nhớ có bác Nguyễn Ngọc Ký viết chữ bằng chân vậy sao mình không viết bằng miệng được” anh bảo.
Ròng rã ngậm bút mấy tháng trời những nét chữ viết bằng miệng của anh Trường mới thành hình. Anh cười, nhớ lại: “Hồi đó ngậm bút mỏi cả miệng, thân bút xoay tròn chữ được chữ không. Xong rồi tôi còn tính buộc thêm lạt tre vào bút, nhưng buộc vào ngậm bút bị hở, nước miếng cứ chảy dài theo thân bút”.
“Trời không phụ người có tâm, và trời cũng không lấy không của ai cái gì” anh Trường bảo. Có lẽ vì vậy, những nét chữ viết bằng miệng của anh đẹp, đều khiến những người viết bằng tay cũng phải chạy theo dài dài.
Hạnh phúc muộn màng
Mới đầu, lớp học của anh Trường chỉ là để dạy hay đúng hơn là coi giúp các con của các bác, các em trong gia đình để chúng khỏi ham chơi. Nhưng rồi tiếng lành đồn xa, những người dân trong làng đã lần lượt đem con đến gửi. “Có thầy Trường, tụi trẻ học tốt và ngoan hơn hẳn” chị Hiên, một người dân ở Nhân Lý cho biết.
Có thầy Trường, có “Lớp học viết chữ đẹp” những đứa trẻ ở Nhân Lý đã bớt ham chơi, bớt dãi nắng những trưa hè. “Tôi dạy các cháu ngày hai buổi là trưa và chiều tối, mà cũng không cố định lắm, vì các cháu học ở trường về qua đây lúc nào thì tôi dạy lúc đấy” anh Trường, cho biết.
Hơn 2 năm đầu mở lớp, anh Trường không hề thu một đồng tiền nào từ gia đình các em. Anh bảo: “Lúc đó, tôi chỉ nghĩ mình có duyên với các cháu và chính bản thân tôi cũng vui vì được làm việc, để thấy mình không phải là người vô dụng”.
Năm 2012, niềm hạnh phúc dung dị đã đến với anh khi chị Hường đã đến và bước vào cuộc đời anh. “Trước đó, tôi luôn nghĩ, một người tàn tật như tôi, sống được đã là may mắn, tuy cũng muốn có một gia đình của riêng mình, nhưng cũng chỉ là ước mà thôi” anh cho biết.
Chỉ nghe giới thiệu về hoàn cảnh của nhau chứ anh Trường, chị Hường trước đó chưa từng gặp mặt. “Nghe mọi người nói anh ấy tàn tật nhưng có ý chí, tôi nể phục lắm. Tôi chỉ sợ một người buông xuôi tất cả, chứ ý chí vẫn còn thì lo gì không sống được” chị Hường cười hạnh phúc.
Hơn 1 năm sau, bé Phùng Thiên Trường Quảng ra đời. Có lẽ không có gì hạnh phúc hơn với anh. Nhưng niềm vui vẫn xen nỗi buồn, vì anh sợ đứa con bị bệnh giống anh. “Giờ cháu được hơn 1 tuổi, đang tập đi bình thường, cho cháu đi khám cũng không có chuyện gì” anh Trường cười, nụ cười mang theo niềm vui rạng rỡ.
Chị Hường và bé Quảng là niềm hạnh phúc bất ngờ trời ban, bởi anh vẫn nói “trời không lấy không của ai cái gì”. Anh ví von: “Đời tôi như cây dây leo, có một mình chắc gió quật ngã, nhưng có vợ con thì như thêm cái dàn, đỡ đần, che chở lẫn nhau”.
Khoảng 2 năm trở lại đây, khi lớp học của anh Trường trở nên quen thuộc với những người dân làng Nhân Lý thì họ bắt đầu giúp anh bằng cách trả tiền học phí, người thì 50 ngàn, người 100 ngàn/ một tháng.
Họ nói là giúp trả tiền điện, tiền nước cho các cháu, nhưng đúng hơn là họ đã chấp nhận và ghi nhận một người thầy như anh. Với số tiền đó, anh Trường cũng giúp một phần nào cho vợ, cho con và anh cũng có thể tự hào nói “tôi không vô dụng”.
Rời “Lớp học viết chữ đẹp” của anh Trường lúc chiều muộn, tiếng học trò ê a học bài vẫn văng vẳng trong nắng chiều.