Falconry - thú chơi mới ở Lào Cai
Từ lâu, ở nhiều nước trên thế giới, nuôi và huấn luyện chim săn mồi không những được coi là thú chơi, mà còn là môn thể thao độc đáo.
Dòng chim săn mồi gồm có các loài như đại bàng, chim ưng, chim cắt, đại bàng ưng hay cú mèo.
Chim săn mồi là loài chim lớn, bản tính hung dữ, trong tự nhiên thường săn bắt các loài chim khác hay bò sát, thú nhỏ làm thức ăn.
Người ta bắt các loài chim này về thuần phục và huấn luyện chúng đi săn trong môi trường tự nhiên, gọi là Falconry.
Ở Việt Nam, khoảng ba, bốn năm trở lại đây, thú nuôi và huấn luyện chim săn mồi mới xuất hiện và phát triển ở một số tỉnh, thành như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng…
Các câu lạc bộ chim săn mồi từ đó ra đời, thu hút nhiều người tham gia, chủ yếu là các bạn trẻ.
Ở Lào Cai, thú chơi chim săn mồi xuất hiện hơn một năm nay và đang được một số người quan tâm.
Trên bãi đất rộng, anh Hoàng Anh (xã Cam Đường, thành phố Lào Cai) vung mạnh cánh tay, chú đại bàng biển tung cánh bay liệng một vòng đẹp mắt, nghe thấy hiệu còi dài của chủ, nó liền bay trở lại đáp gọn vào chiếc găng tay da và thưởng thức miếng thịt bò tươi chủ thưởng cho.
Là một trong những người đầu tiên chơi chim săn mồi ở Lào Cai, anh Hoàng Anh đang sở hữu một con “chim vua” thuộc hạng “ khủng”.
Đây là con đại bàng biển 4 tuổi, nặng gần 3 kg, sải cánh rộng hơn 1m, đôi mắt dữ tợn, cái mỏ và bộ móng vuốt sắc như dao.
Anh Hoàng Anh tự hào khoe: Chim săn mồi là loài dũng mãnh, biểu tượng của sức mạnh, sự kiêu hùng.
Vì thế, nuôi và huấn luyện được một chim săn mồi là niềm mơ ước của nhiều người.
Ở Việt Nam, đắt nhất là chim đại bàng, giá “bèo” cũng vài chục triệu đồng, còn như chim cắt lớn, đại bàng ưng trưởng thành ít nhất cũng từ 7 - 15 triệu đồng.
Các loài chim ưng và cắt nhỏ thì rẻ hơn, không quá 5 triệu đồng, tùy theo chim non, “chim bổi” (mới bắt về) hay đã thuần rồi.
Ở Lào Cai, falconry còn khá mới mẻ. Một số người nuôi chim săn làm cảnh, còn nuôi để huấn luyện đi săn thì mới có vài người”.
Kỳ công huấn luyện “chúa tể bầu trời”
Để sở hữu một con chim săn mồi hiện nay cũng không quá khó đối với những dòng chim săn bình thường, không thuộc loài quý hiếm.
Tuy nhiên, để huấn luyện được một chú “chim vua” biết săn mồi theo sự điều khiển của chủ thì không hề đơn giản.
Anh Huy Dũng (phường Phố Mới, thành phố Lào Cai), một người mê chim săn mồi chia sẻ:
“Có chim rồi thì cần phải sắm đủ phụ kiện để nuôi và huấn luyện chim như găng tay da, dây da để xích chân, chuông đeo chân chim, mũ da bịt mắt, còi, cần đậu, cân điện tử, thậm chí cả thiết bị định vị nữa.
Nếu là chim mới bẫy về thì cần tập cho chim quen người, đậu và ăn trên găng tay, sau đó tập cho chim bay qua tay ăn mồi theo hiệu lệnh còi, rồi đến giai đoạn tập săn mồi bằng mồi giả và mồi thật.
Khi chim đã thuần thục thì tập thả tự do cho chim bay lượn và đi săn ngoài tự nhiên…
Nói thì ngắn gọn vậy, nhưng huấn luyện thành công một chú chim đi săn được phải mất nhiều tháng, thậm chí nhiều năm nên người nuôi cần phải kiên trì…
Có người tưởng như huấn luyện chim thành công rồi, nhưng khi đi săn thả tự do thì chú chim bay mất, thổi còi mỏi mồm chim cũng không về nữa”.
Anh Dũng khoe với tôi con đại bàng ưng non mua từ Hà Nội về khi còn lông ống với giá 3,5 triệu đồng, nay chim đã được 1 kg, bộ cánh gần đầy đủ và chuẩn bị đến giai đoạn tập bay.
Mỗi ngày, chú đại bàng ưng này “chén” hết 4 con chim cút, tính sơ sơ cũng mất 30 ngàn đồng.
Ở Lào Cai, đây là chú đại bàng ưng duy nhất tính đến thời điểm này nên anh Dũng rất tự hào.
Theo anh Dũng, nuôi chim săn từ nhỏ tuy mất nhiều công chăm sóc nhưng chim sẽ quen chủ, khi trưởng thành dễ huấn luyện hơn chim già rừng.
Cùng suy nghĩ với anh Dũng, anh Hoàng Anh cũng cho rằng:
“Chim săn mồi là loài chim ăn thịt nên bản tính rất dữ tợn, móng và mỏ sắc như dao, chỉ cần chúng quắp vào tay là xước da, chảy máu, hàng tuần vết thương mới lành được.
Khi thuần chim hoặc ép cân, giảm khẩu phần ăn của chúng rất dễ bị chúng tấn công”.
Nói đoạn, anh Hoàng Anh vạch tay áo lên cho tôi xem những vết sẹo ngang dọc ở cổ tay, bàn tay - vết tích của những ngày tháng huấn luyện “chim vua”.
Nên suy nghĩ trước khi nuôi chim săn mồi
Huấn luyện chim săn mồi cần có sự kiên trì, kỹ năng và các kiến thức cần thiết thì mới thành công.
Thực tế cho thấy rất nhiều người lúc đầu tỏ ra rất say mê, bỏ không ít tiền để sở hữu một chú chim săn mồi, nhưng sau đó chỉ khoảng 1 tháng hoặc vài ba tháng là bỏ cuộc.
Nguyên nhân vì không thuần được chim, chim bị chết. Vì chim ăn thịt nên nếu gia đình nào không có chỗ nuôi rộng rãi thì rất mất vệ sinh và khó chăm sóc.
Nuôi chim săn mồi phải luôn gần gũi, coi chúng như bạn, sự nôn nóng chỉ làm cho chú chim sợ hãi, tấn công lại chủ, không thể huấn luyện được.
Chơi chim săn mấy năm qua, nhưng anh Hoàng Anh hay anh Huy Dũng cũng mới chỉ huấn luyện thả chim bay tự do theo kiểu biểu diễn chứ chưa đi săn được.
Ngay cả việc thả chim, anh Hoàng Anh cũng hạn chế vì “đại bàng dữ lắm, nếu thả ra, nó đói sẽ bắt gà, bắt chó, mèo của hàng xóm, có trẻ nhỏ chơi gần đó cũng nguy hiểm khôn lường nếu bị nó tấn công…”.
Theo lời khuyên của anh, những ai có ý định chơi chim săn cần suy nghĩ kỹ, chỉ khi nào sẵn sàng về tài chính, kiến thức, kỹ năng và thời gian thì hãy nuôi và huấn luyện chim săn mồi.
Ở nhiều nước trên thế giới, huấn luyện chim săn mồi được công nhận là một môn thể thao và được quản lý theo hình thức cấp phép.
Còn ở Việt Nam nói chung và Lào Cai nói riêng, Falconry vẫn còn mới lạ và chủ yếu phát triển theo hướng tự phát, chưa bị ngăn cấm nhưng cũng không được khuyến khích.
Vì thế, nên chăng việc nuôi và huấn luyện chim săn mồi cần có phương án quản lý phù hợp để bảo vệ những loài chim quý hiếm trong tự nhiên, đồng thời tạo sân chơi lành mạnh, hợp pháp cho những người có chung niềm đam mê huấn luyện “chúa tể bầu trời”.