"Một mốc hết sức quan trọng với các nước trên lưu vực là bộ thủ tục chất lượng nước đã được ký kết. Nếu chúng ta nâng cao được chất lượng nước tức là chúng ta nâng cao chất lượng cuộc sống", thứ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường Nguyễn Thái Lai phát biểu trong phiên họp thứ 17 của Hội đồng Ủy hội sông Mekong tại TP HCM sáng nay.
Phiên họp có sự tham gia của các nước thành viên Ủy hội sông Mekong là Việt Nam, Campuchia, Thái Lan, Lào, đoàn đại biểu của nước Trung Quốc và Liên bang Myanmar cùng tất cả các đối tác phát triển. Phó thủ tướng nước Việt Nam, ông Hoàng Trung Hải cũng đến dự.
Bốn nước ký cam kết bào vệ chất lượng nước sông Mekong. Ảnh:Kiên Cường
Ngoài việc ký kết bộ thủ tục quan trọng về chất lượng nước cũng được coi như cam kết bảo vệ chất lượng nước sông Mekong của 4 nước thành viên, phiên họp cũng đưa ra chiến lược cho 5 năm tới. Cụ thể, đến năm 2015, một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải thực hiện có hiệu quả tuyên bố của Hội nghị Hủa Hỉn do Thủ tướng 4 nước ký vào tháng 4/2010.
"Theo dõi đánh giá một cách chi tiết những hoạt động kiến nghị khai thác sử dụng nước trên dòng chính, triển khai một cách kịp thời những giải pháp biến đổi khí hậu, cần tiến tới lộ trình tăng cường ven sông hoá trong hoạt động ở sông Mekong là những nội dung chính trong chiến lược", ông Lai nói.
Chủ tịch Ủy ban sông Mekong của Campuchia, ông Lim Kean Hor cho rằng năm 2009-2010, các nước lưu vực đã phải đối mặt với việc mực nước sông hạ thấp, ảnh hưởng đời sống người dân, các điều kiện sinh thái khí hậu những năm về sau còn gay gắt hơn. "Kế hoạch chiến lược là rất quan trọng để các nước cùng nhau hợp tác đối phó với những thách thức trên", ông Lim Kean Hor khẳng định.
Về việc Myanmar gia nhập Uỷ hội sông Mekong, ông Lai cho biết tại hội nghị Hủa Hỉn, nước này cũng đã tỏ ý muốn hoà nhập với cộng đồng quốc tế nhưng đến nay do Myanmar có những công việc nội bộ cần xử lý nên việc kết nạp vào hội sẽ được thực hiện trong những năm gần đây.
"Tôi đề nghị hội đồng Ủy hội tập trung vào các giải pháp phát triển bền vững tài nguyên nước, đặc biệt là trên dòng chính sông Mekong; có kế hoạch hành động của lưu vực nhằm ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái và cuộc sống của hàng triệu cư dân phía hạ du", Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải góp ý.
Ông Hải cũng khẳng định các nước thành viên rất coi trọng các tín hiệu tích cực từ các quốc gia đối thoại của Ủy hội, đặc biệt là mức độ cam kết và các hoạt động hợp tác mạnh mẽ của Trung Quốc và sự mong muốn của Myanmar trong việc gia nhập Ủy hội
Theo Vnexpress