Kỳ 2: Truy lùng thủy quái nơi hồ trên núi

Hồng Thanh - Phong Thu |

(Soha.vn) - Đang ngồi bàn chuyện sinh nhai mùa cá mới thì nghe tin có một con cá trắm to khoảng 1 tạ lọt vào chuồng lưới của xí nghiệp cá, nhưng rồi để sẩy mất.

Những con cá hàng chục triệu đồng

Không chỉ nổi tiếng là hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Miền Bắc đã từng đi vào thi ca nhạc họa của giới văn nghệ sĩ, Cấm Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) còn là nơi những cần thủ khắp mọi vùng miền đổ về thực hiện khát khao chinh phục những gã thủy quái dưới lòng hồ.

Được biết, trước đây, hồ Cấm Sơn là hợp lưu của hai dòng suối lớn là suối Cấm (thuộc xã Hữu Kiên, Chi Lăng, Lạng Sơn), và suối Phong Vân (thuộc xã Hữu Lâu, Chi Lăng, Lạng Sơn). Vì thế đập Cấm Sơn còn được đắp trên địa bàn huyện Hữu Lũng.

Năm 1974, xí nghiệp thủy sản Lạng Giang có thả cá, chăn nuôi, cung cấp nguồn thực phẩm lớn cho toàn miền Bắc. Tuy nhiên, do hoạt động không hiệu quả nên đến khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước thì giải thể. Từ đó, hồ được giao về cho bốn xã của huyện Lục Ngạn quản lý. Cư dân sinh sống khu vực ven lòng hồ lấy đã tận dụng mọi thứ của thiên nhiên để làm kế mưu sinh của mình.

Cuộc sống của người dân khu vực ven lòng hồ là lấy lòng hồ làm kế mưu sinh của mình

Đường vào lòng hồ Cấm Sơn không dễ như chúng tôi tưởng tượng. Vượt qua những khúc cua dốc dầy rặt đá và con đường đất đỏ ngoằn ngoèo, cuối cùng chúng tôi cũng đến được nhà của ông Lường Văn Giang, một cán bộ xã Cấm Sơn.

Được biết thôn Cấm là thôn nằm trọn trong khu vực hồ, người dân chủ yếu sống bằng nghề đánh bắt cá. Là người quản lý địa bàn, lại cũng từng có kinh nghiệm lâu năm đi đánh bắt cá trên hồ Cấm Sơn, ông Giang hào hứng kể cho chúng tôi nghe những chiến tích đã thu về hàng trăm con cá khổng lồ cho người dân nơi đây.

Theo lời ông Giang, thời điểm nhiều cá nhất trong năm là vào cuối tháng 4 đầu tháng 5. Đó cũng là khoảng thời gian người dân thường bắt được những con cá “khủng” lên tới hàng chục kg. Có hai kiểu đánh cá được người dân áp dụng là đánh úp và kéo lưới. Khi đánh úp, người ta thường dùng mảng lưới rộng khoảng 20-30m, dài 50m và cho khoảng 4 xuồng máy kéo. Lưới úp thường để đánh cá ở những khu vực nước sâu khoảng 30m trở lên.

Đánh cá kiểu này các tay chài thường bắt được cá đủ các kích cỡ, trọng lượng và những con cá to thường cũng khó thoát khỏi vòng vây của những chiếc thuyền máy. Khi đêm xuống, thông thường người dân sẽ thả lưới hoặc dùng kích điện.

Ông Lường Văn Gian chia sẻ những khoảnh khắc bắt cá ở lòng hồ với phóng viên
Ông Lường Văn Gian chia sẻ những khoảnh khắc bắt cá ở lòng hồ với phóng viên

Kể về những chiến tích săn cá khủng trên lòng hồ Cấm Sơn, ông Giang cho hay, đầu những năm 90, hầu như chuyến đánh bắt cá nào của người dân cũng có cá mè, trắm hay chép chừng chục k sa lưới.Còn những chú cá nặng khoảng 20-30kg thì có đôi chút hiếm hơn. Thường cứ khoảng một vài tháng người dân lại bắt được một con cá to đến mấy chục cân.

Tính đến thời điểm hiện tại, con cá giữ vị trí quán quân về cân nặng mà người dân Cấm Sơn ghi nhận đó là con cá mè nặng 54 kg được công nhân của Xí nghiệp Thủy sản Lạng Giang bắt được năm 1994. Số tiền bán cá thu được có lần lên tới cả chục triệu đồng.

Dùng súng truy lùng “thủy quái”

Cách Cấm Sơn chừng 25 km, trước khi tiến thẳng vào khu lòng hồ, chúng tôi đã tạm dừng chân ở một quán nước nằm ven mặt đường. Chủ quán nước là một ông cụ chừng 60 tuổi. Tiện điểm nghỉ ngơi, chúng tôi liền hỏi thăm ông cụ đường về Cấm Sơn còn xa không.

Có lẽ nhận ra khách là người ở xa đến, ông cụ chỉ dẫn tận tình và còn vui chuyện kể cho chúng tôi nghe về những tốp khách lạ thường xuyên hỏi đường về lòng hồ. Ông cho biết, cứ lâu lâu, ông lại tiếp một vài tốp người đồ đạc lỉnh kỉnh, tìm về Cấm Sơn và hỏi chuyện ông về nghiệp đánh cá dưới đó.

Thời trai trẻ cũng đã từng rong ruổi xuống vùng lòng hồ, ông vui vẻ chia sẻ một số thông tin cơ bản và đặc biệt là câu chuyện liên quan đến việc săn tìm thủy quái. Ông khẳng định như đinh đóng cột: Về Cấm Sơn săn cá khủng là đúng nơi rồi. Khó đấy, khổ đấy nhưng cũng có cái thú vị của nó.

Trong chuyến công tác lần này, chúng tôi may mắn gặp được một số nhân chứng trong vụ vây bắt con cá gần 1 tạ. Là một trong số đó, ông Vi Văn Sáu (SN 1963, thôn Cấm, xã Cấm Sơn) nhớ như in một ngày đầu tháng 5 năm 1996.

Hôm đó, ông đang ngồi bàn chuyện sinh nhai mùa cá mới thì nghe tin có một con cá trắm to lọt vào chuồng lưới của xí nghiệp cá. Ông cùng một số anh em trong làng lập tức kéo đến vùng hồ đó. Đến nơi ông quan sát thấy con cá có phần lưng đen bóng, vảy to, dài tới cả mét đang vùng vẫy trong chuồng.

Phần đông những người có mặt lúc đó đều khẳng định, con cá trắm này phải nặng gần 1 tạ. Vì sợ khi chiếc chuồng không chịu được sức nặng và sức bật của con cá nên những người có mặt lúc đó quyết định không nhấc chuồng lên mà trở về ban quản lý của xí nghiệp để lấy súng bắn cho cá đuối sức rồi mới đưa cá lên bờ. Tuy nhiên vì sự việc gấp gáp và súng chưa kịp đưa đến nơi thì con cá đó đã phá được chuồng đi mất.

Về Cấm Sơn săn cá khủng là đúng nơi rồi. Khó đấy, khổ đấy nhưng cũng có cái thú vị của nó

Thời gian sau đó, công nhân của xí nghiệp cũng như người trong vùng tìm mọi cách để bắt vây bắt lại con cá đó. Không ít người đã có may mắn gặp lại gã thủy quái khổng lồ đó song có lẽ vì không đủ phương tiện hiện đại và không đủ sức trấn áp nên mọi nỗ lực vây bắt đều trở nên vô nghĩa.

Khi chúng tôi thắc mắc rằng không biết đến thời điểm này thì con cá ấy còn sống không, ông Vi Văn Sáu liền giải thích tỉ mỉ: Đến nay thì không ai có thể khẳng định chắc chắn được con cá đó còn sống hay không.

Tuy nhiên theo tôi, có lẽ nó vẫn còn nhưng chưa ai bắt được nó mà thôi. Nước hồ chưa bao giờ cạn nên chắc chắn cá không thể chết được. Hơn nữa,với dạng khổng lồ, lão làng như nó thì không thể có chuyện bị các loài khác ăn hiếp. Mới năm ngoái, tôi còn nghe một người ở Tân Sơn nói kể rằng suýt bị lật úp thuyền vì cá quẫy, không chừng đó có thể là con cá đó.

Cũng theo lời ông Vi Văn Sáu, từ ngày đó đến nay, không chỉ có những người đánh cá lâu năm trong vùng mà lâu lâu lại có những tốp người ở những vùng khác, họ đến Cấm Sơn với danh nghĩa du lịch sinh thái nhưng cái chính là để tìm cách săn lùng chú cá năm xưa.

Nhiều người cũng cho rằng, ngoài con cá trắm ngót tạ đã từng phá lưới ấy, hồ Cấm Sơn chắc chắn sẽ còn không ít những con cá to tương tự. Đó là những con cá được thả ngay từ lứa đầu (khoảng những năm 1966-1968).

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại