Kì 1: Kỳ lạ những người điên hung dữ bỗng tự khỏi bệnh

“Mỗi lần lên cơn điên nó bứt xích, đập phá, tôi huy động 5 thanh niên mà không làm gì nổi, phải kêu thêm 5 đứa nữa mới vật được nó ra xích lại".

Cơ sở bảo trợ xã hội Trọng Đức của vợ chồng ông Bùi Văn Thu và bà Trần Thị Tươi (ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng) đang nuôi dưỡng, chăm sóc miễn phí hơn 400 người điên. Mặc dù không có chuyên môn điều trị bệnh tâm thần, không dùng nhiều thuốc, nhưng ông Thu, bà Tươi đã giúp nhiều người điên khỏi bệnh một cách kỳ lạ.

Từ điên nặng đến khỏi bệnh hoàn toàn

Trước khi đến cơ sở bảo trợ xã hội tư nhân Trọng Đức ở xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, tôi đã hình dung đó là một trại nuôi nhốt người điên với toàn những chuyện kinh hãi. Nhưng lạ thay, 400 bệnh nhân tâm thần nam, nữ ở hai khu riêng biệt đều rất hiền lành, vô hại, thậm chí bảo gì là nghe nấy.

Ở dãy ghế đá ngoài khu tiếp khách, tôi gặp vợ chồng anh K'Hải và chị Nguyễn Thị Thanh Hải, cùng đứa con gái đang chuyện trò vui vẻ. Gia đình này ở xã Bảo Thuận, huyện Di Linh, Lâm Đồng. Chị Hải đưa con lên thăm chồng, nhưng cứ nghe họ nói chuyện, khó mà biết ai là bệnh nhân tâm thần. Chị Hải định kể chuyện với tôi, anh K'Hải vội chen ngang: "Không, để anh nói cho". 

Rồi anh Hải kể rành mạch: "Tôi bị bệnh từ cuối năm 2010. Lúc đầu là mất ngủ, nói nhảm. Rồi đầu nhức như muốn nổ tung, mỗi khi cử động lưng kêu răng rắc. Từ khi vào đây tôi thấy dễ chịu quá, đầu hết nhức, lưng hết đau, ăn ngủ ngon lành, trong người khỏe khoắn. Tôi đang tính xin về, một mình bà xã ở nhà bao nhiêu là việc".

Nhưng có những chuyện mà chị phải kể, vì lúc nó xảy ra anh K'Hải không biết gì. Chị Hải nói: "Người ta điên gặp ai cũng đánh, còn chồng em bị điên cứ nhè bố mẹ, vợ con, anh em mà tẩn. Có cuốc dùng cuốc, có gậy dùng gậy mới sợ chứ. Có người vợ nào không xót chồng, nhưng cứ vài ngày lại bị chồng cầm gậy đuổi đánh. Em đau quá, sợ quá, có lúc cái sợ lấn át cả tình thương. Nhiều ngày em bế con trốn đi, nhờ bố mẹ anh ấy sang trông giúp. Gia đình em đưa chồng em đi Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 dưới Biên Hòa 3 lần mà không khỏi, còn bây giờ thì anh ấy khỏi rồi như anh thấy đó...". Tôi nhìn sang K'Hải, anh cười hiền lành: "Lúc đó mình có biết gì đâu, đang bệnh nặng mà, sau này nghe vợ kể mới biết thôi".

Tôi nhờ ông Trần Hoàng Lương (48 tuổi, nhân viên từ thiện của cơ sở) chỉ giúp một người khỏi bệnh đã được về nhà, ông Lương nói: "Tôi là một trường hợp đây". Ông Lương chìa hai cổ tay, hai cổ chân ra chỉ những cái sẹo sâu đến tận xương: "Đây là dấu tích về bệnh điên của tôi, trước đây gia đình phải còng xích tôi suốt 15 năm để tôi khỏi phá phách, đánh người. Sau 2 năm ở đây, tôi đã khỏi bệnh hoàn toàn. Có điều giờ tuổi đã lớn, không vợ con, sức khỏe cũng không được như người ta nên tôi không về nữa. Tôi xin ở lại giúp việc trả nghĩa ông bà Thu, cũng là để chăm sóc cho những người điên khốn khổ như tôi một thời".

Anh Trần Hoàng Lương (mặc áo khoác đứng giữa) và anh Đặng Văn Hoàng (bên phải ảnh) cùng những người khác đã khỏi bệnh.

Anh Đặng Văn Hoàng (47 tuổi) – bếp phó của trung tâm cũng từng là bệnh nhân tâm thần nặng, chạy chữa khắp nơi không khỏi. Để xác tín việc anh Hoàng khỏi bệnh một cách kỳ diệu, em gái của anh là chị Đặng Thị Tâm - ở số 7 Huyền Trân Công Chúa, phường 4, TP Đà Lạt, cho biết, anh Hoàng mắc bệnh từ 20 năm trước, với biểu hiện ban đầu là thích đóng khố, đốt lửa nhảy múa thâu đêm như người dân tộc bản địa ở Lâm Đồng. 

Trước đó, anh Hoàng có quen một số cô gái người dân tộc, gia đình nghi do ghen tuông nên họ đã bỏ bùa ngãi, thuốc thư khiến anh bị điên. Về sau anh bị nặng hơn, hay đập phá, đánh người trong gia đình, nhiều lúc chị phải nhờ công an phường đem roi điện đến mới khống chế được anh. Chạy chữa khắp các bệnh viện tâm thần không khỏi, gia đình đưa anh đến một ông thầy chuyên trị ngãi. Ông thầy này cho một loại bột, giống như bột hạt tiêu, bảo về trộn với cơm cho anh Hoàng ăn. Sau mỗi lần đi thầy, anh Hoàng có đỡ bệnh hơn, nhưng chỉ một thời gian ngắn bệnh lại tái phát. Cả gia đình sống trong khổ sở triền miên.

Anh Đặng Văn Hoàng đã khỏi bệnh, hiện làm bếp phó của cơ sở.

Chị Thanh – vợ anh Hoàng kể: "Đầu năm 2012, gia đình gửi anh Hoàng vào cơ sở của ông Thu, điều bất ngờ là anh đã khỏi bệnh một cách nhanh chóng, kỳ lạ. Tháng nào tôi cũng vào thăm anh 1 - 2 lần, tôi biết anh Hoàng đã khỏi bệnh hoàn toàn. Dạo này anh mập mạp, trắng trẻo, sạch sẽ hơn... Tôi hỏi anh có muốn về không, anh nói thỉnh thoảng về thăm nhà thôi, vì ở đây anh thấy khỏe mạnh, tinh thần thoải mái... Nơi này có gì đặc biệt thì tôi không biết, nhưng có những kỳ diệu không thể lý giải được. Đó là sự thật".

"Người không khỏi hẳn cũng giảm bệnh bảy mươi phần trăm"

Ông Nguyễn Văn Hùng – cha bệnh nhân Nguyễn Mạnh Cường, 37 tuổi, ở thôn Thanh Bình 1, xã Bình Thạnh, cho biết, trước đây phải nhốt Cường vào phòng riêng bằng một dây xích to bằng cổ tay. Mỗi lần thả ra anh ta nhảy chồm chồm, thấy bất cứ ai cũng lao vào bóp cổ, cắn xé.

"Nó bị bệnh nhưng khỏe lắm, mỗi lần lên cơn điên là không ai giữ nổi. Một lần nó bứt xích chạy qua nhà dòng đập phá, tôi huy động 5 thanh niên mà không làm gì nổi, phải kêu thêm 5 đứa nữa mới vật được nó ra xích lại. Trong nhà này nó đánh tôi nhiều nhất, bởi vì nó ghét đàn ông, mà tôi là người đàn ông duy nhất gần gũi nó. Ban đêm nó hú vang như chó sói, cả xóm này không ai ngủ được. Vậy mà gửi cho ông Thu nó hiền khô, sai bảo gì cũng làm. Mỗi lần tôi vào thăm, nó còn nói chuyện tử tế lắm, tôi thấy nó đỡ bệnh bảy mươi phần trăm rồi. Tôi tin rồi nó sẽ khỏi hẳn".

Sau khi đến nhà bà Tươi một thời gian ngắn, nhiều người tâm thần đã tự khỏi bệnh.

Bếp trưởng của cơ sở - ông Nguyễn Huy Sân - 64 tuổi, quê xã Đồng Tiến, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa, là bố của bệnh nhân Nguyễn Huy Cường.

Ông Sân kể: "Năm cuối cấp ba Cường bị bệnh hoang tưởng, trong đầu nó chỉ có mỗi ý nghĩ là tất cả những người nó gặp đều chuẩn bị đánh nó. Lúc đi học nó vác gậy theo, thủ dao trong cặp sách, tôi hỏi thì nó bảo phải mang đi để phòng thân, vì ở trường nhiều đứa sẽ đánh con. Nửa đêm tôi thấy nó chồm dậy áp tai vào tường, nó bảo đang nghe ngóng, vì nhà bên cạnh đang bàn kế hoạch đánh nó. Càng về sau nó càng hung dữ, gặp ai nó cũng hỏi sao mày định đánh tao, rồi nhảy bổ vào hành hung người ta. Chính tôi cũng no đòn với nó, nhưng tôi đau lòng nhiều hơn đau bị con đánh".

Mỗi năm ông Sân đưa Cường đi bệnh viện tâm thần vài tháng, về một thời gian là tái phát, lần sau nặng hơn lần trước. "Nhưng từ khi vào đây nó bỗng hiền lành, bảo gì cũng vâng lời, chưa bao giờ chửi hoặc đánh ai mới lạ chứ" - ông Sân nói. Ông Sân cho rằng con trai ông vẫn chưa khỏi hẳn, nhưng bệnh đã giảm được sáu, bảy mươi phần trăm so với lúc ở nhà. "Trước cứ nhìn thấy tôi là nó lao vào đánh như đánh kẻ thù, còn bây giờ hai bố con nằm chung, tâm sự đủ thứ chuyện rồi mới ngủ. Tuy chưa được may mắn như các trường hợp khỏi hẳn mà tôi chứng kiến ở đây, nhưng nó được như thế là tôi mừng lắm rồi".

Tình cờ "bén duyên" người điên

Năm 2006, trong một chuyến đi từ thiện về xã vùng sâu Liêng S'Rôn, huyện Đam Rông, tỉnh Lâm Đồng bà Trần Thị Tươi gặp một người đàn ông điên bị gia đình nhốt trong cũi sắt. Thấy người điên sắp chết, tay chân lở loét do bị còng xích lâu ngày, bà Tươi đưa về nhà chăm sóc, coi như cứu người. Đó là anh Chu Ru, người dân tộc K'Ho, hiện đã khá tỉnh táo, sống hiền hòa tại nhà bà Tươi. Trong những chuyến đi tiếp theo, bà nhận thêm một số người điên nữa, rồi tiếng lành đồn xa khiến hàng trăm gia đình có thân nhân mắc bệnh tâm thần tìm đến nhờ cậy.

 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại