Sáng 6-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã công bố quyết định bổ nhiệm ông Lê Kim Thành - phó tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) - giữ chức tổng giám đốc Ban quản lý dự án (PMU) đường sắt của Bộ GTVT kể từ ngày 10-1-2015.
Ông Thành (41 tuổi) là kỹ sư cầu đường, được bổ nhiệm chức vụ giám đốc PMU đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai từ tháng 5-2013 và là phó tổng giám đốc VEC từ tháng 12-2013.
Tại cuộc làm việc với ông Mã Giang Kiềm - tổng giám đốc Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc, tổng thầu EPC của dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông - chiều 5-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã buộc tổng thầu Tập đoàn Cục 6 thay giám đốc điều hành, thay nhà thầu phụ có năng lực hơn và ký hợp đồng với tư vấn giám sát phụ của Việt Nam để giám sát hạng mục xây lắp.
"Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông không phải là nơi thí điểm để tổng thầu EPC đưa các cán bộ, kỹ sư thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm sang làm việc"
Bộ trưởng Bộ GTVT ĐINH LA THĂNG nói trong buổi làm việc với tổng thầu Trung Quốc hôm 4-1
Trước đó, ngày 29-12-2014, Bộ trưởng Đinh La Thăng có quyết định kỷ luật đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng - quyền tổng giám đốc PMU đường sắt - xuống giữ chức phó tổng giám đốc kể từ ngày 10-1-2015.
Ông Hùng bị giáng chức vì trách nhiệm người đứng đầu PMU đường sắt trong chỉ đạo, quản lý thực hiện dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông để xảy ra tai nạn chết người ngày 6-11-2014 và sự cố sập đà giáo khi đổ bêtông xà mũ của mũ trụ H7 nhà ga bến xe Hà Đông ngày 28-12-2014.
Bộ cũng đã có quyết định luân chuyển ông Hùng về giữ chức phó tổng giám đốc VEC.
Tại cuộc làm việc với Công ty hữu hạn Tập đoàn Cục 6 đường sắt Trung Quốc vào chiều 4-1, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã cảnh cáo tổng thầu vì để mất an toàn thi công, xảy ra tai nạn chết người ngày 6-11 và sự cố sập giàn giáo ngày 28-12.
Đồng thời ông Thăng cũng ra những điều kiện buộc tổng thầu thực hiện và xem đây là cơ hội cho tổng thầu, nếu không sẽ kiến nghị Chính phủ chấm dứt hợp đồng.
Theo ông Thăng, việc thực hiện dự án quá kém của tổng thầu dẫn đến dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông thực hiện kém cỏi nhất trên đất nước Việt Nam.
Việc ảnh hưởng môi trường, đi lại, tai nạn từ dự án gây bức xúc, phẫn nộ trong nhân dân.
Dù Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ nhưng phía tổng thầu không chịu thực hiện.
Sau những lần tổng thầu hứa nhận khuyết điểm và để xảy ra sự cố, ông Thăng nói thẳng bản thân ông không tin lời hứa và nhận trách nhiệm của tổng thầu nữa.
“Điều tối thiểu tôi yêu cầu khi đổ bêtông thì tạm ngăn đường mà các ông làm ăn như vậy. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn thì các ông lại nhận khuyết điểm rồi cứ trơ ra vậy thôi.
Tôi đề nghị phải thay tổng chỉ huy công trường, đuổi tư vấn giám sát. Tư vấn giám sát để chúng tôi chỉ định, đuổi toàn bộ thầu phụ, thay bằng các nhà thầu phụ lớn của Việt Nam.
Nếu không chấp nhận như vậy thì chúng tôi sẽ báo cáo Chính phủ thay tổng thầu EPC vì không đủ năng lực.
Và kể cả các ông hướng vào chuyện vay vốn thì chúng tôi báo cáo Chính phủ ngừng việc vay vốn, dùng nguồn vốn khác chứ không thể đánh đổi quyền lợi, tính mạng của người Việt Nam để vay vốn được” - ông Thăng chỉ trích.
Kêu gọi đầu tư BOT, PPP và bán quyền khai thác hạ tầng đường sắt
Theo đề án huy động vốn xã hội hóa để đầu tư kết cấu hạ tầng lĩnh vực đường sắt vừa được Bộ trưởng Bộ GTVT phê duyệt, ngành đường sắt sẽ xã hội hóa theo nguyên tắc:
Nhà nước tập trung đầu tư xây dựng các hạng mục kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu, các hạng mục còn lại như nhà ga, kho bãi, các dịch vụ hỗ trợ khác... sẽ huy động xã hội hóa để đầu tư và kinh doanh, khai thác.
Đối với nhà ga, bộ khuyến khích kêu gọi nhà đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp mở rộng để cùng khai thác, kinh doanh.
Đối với kho bãi và các dịch vụ khuyến khích đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp.
Đối với hệ thống hạ tầng đường sắt xây dựng mới, thực hiện kêu gọi đầu tư xây dựng một phần hoặc toàn bộ dự án theo hình thức đối tác công tư (PPP), xây dựng - sở hữu - vận hành - chuyển giao (BOOT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT)... trên cơ sở Nhà nước có cơ chế chính sách hỗ trợ (thuế, phí, lãi vay, thời gian, tỉ giá...); phần vốn Nhà nước tham gia công tác giải phóng mặt bằng, phần vốn đầu tư hạng mục công trình liên quan trực tiếp đến chạy tàu.