Gần đây, xảy ra nhiều trường hợp một số người dân khi bị CSGT thổi phạt đã phản ứng quyết liệt, tấn công lại CSGT. Gặp những đối tượng quá khích như thế này, thường thì CSGT đều phải từ tốn, kiên nhẫn giải quyết vụ việc.
Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp các đồng chí CSGT không thể không phản ứng lại. Vậy bị chống đối đến đâu thì CSGT sẽ phản ứng hoặc được quyền dùng vũ lực để trấn áp người vi phạm?
Cầm dao, vỏ chai bia và... xích sắt tấn công CSGT
Khoảng 2 giờ 30 rạng ngày 19-9, lực lượng tuần tra kiểm soát thuộc Đội CSGT Kim Liên (Phòng CSGT Đà Nẵng) đang làm nhiệm vụ tại khu vực đường Tạ Quang Bửu (Q.Liên Chiểu, Đà Nẵng) thì phát hiện xe ô tô container biển số 86C-014.74 do tài xế Trần Văn Nam (trú Phù Mỹ, Bình Định) điều khiển chạy lấn làn đường nên yêu cầu dừng kiểm tra..
Thế nhưng tài xế không chịu dừng mà nhấn ga bỏ chạy. Trung tá Bùi Hòa, Phó đội CSGT Kim Liên dùng xe mô tô đặc chủng đuổi theo. Lái xe container đã hai lần ép và “hất” trung tá Hòa ngã xuống đường khiến trung tá Hòa bị thương và xe CSGT hư hỏng nặng.
Không những thế, phụ xe là Phạm Văn Định còn cầm dao nhảy xuống đe dọa Trung tá Hòa. Định còn đạp ngã xe mô tô đặc chủng xuống đường. Với sự trợ giúp của các lực lượng, khi bị bắt, cả lại xế và phụ xe đã đóng cửa cố thủ nhiều giờ liền.
Vụ việc phải nhờ đến cảnh sát hình sự và cảnh sát trật tự (Công an quận Liên Chiểu) đến hỗ trợ thì vụ việc mới được giải quyết.
Hay ngày 7-6, tại thị trấn Đồng Đăng, khi 2 chiến sĩ CSGT đang làm nhiệm vụ phát hiện một đối tượng không đội mũ bảo hiểm điều khiển phương tiện không có gương chiếu hậu. Lực lượng CSGT đã ra hiệu lệnh dừng xe yêu cầu kiểm tra.
Tuy nhiên, đối tượng không những không chấp hành mà còn lăng mạ lực lượng CSGT làm nhiệm vụ. Không dừng lại ở đó, đối tượng dùng vỏ chai đập vỡ, xích sắt đe dọa tấn công các chiến sĩ CSGT. 2 chiến sĩ CSGT và đối tượng chỉ tránh những đòn đánh của người này, không sử dụng biện pháp nghiệp vụ để khống chế.
Cơ quan CSĐT Công an huyện Cao Lộc sau đó đã vào cuộc điều tra và ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Hoàng Minh Phong (18 tuổi) về tội danh Chống người thi hành công vụ khi có hành vi lăng mạ, dùng vỏ chai, xích sắt tấn công lực lượng CSGT.
Đấm vào mặt, nhổ nước bọt, đấm đá CSGT
Vào lúc 21h tối 9-9, tổ tuần tra kiểm soát giao thông của Đội CSGT Rạch Chiếc phối hợp với lực lượng Cảnh sát cơ động TP.HCM tổ chức kiểm tra, đo nồng độ cồn với những người điều khiển xe say xỉn tại ngã tư Bình Thái (phường Trường Thọ, quận Thủ Đức). Trong thời điểm này, Trung úy CSGT Trần Đình Nam (SN 1987) nhận thấy người điều khiển xe Vespa mang biển kiểm soát 59X1 – 161.70 do chị Nguyễn Trung Tâm điều khiển lưu thông không đội mũ bảo hiểm, có nhiều dấu hiệu say xỉn nên đã mời vào để kiểm tra.
Qua kết quả đo nồng độ cồn từ máy cho thấy, chị Tâm có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Khi tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, chị này đã liên tục có thái độ chửi bới, lăng mạ, xúc phạm Trung úy Nam. Không những thế, Tâm đã bất ngờ dùng tay đấm thẳng vào mặt của Trung úy Nam. Rất may, cú đấm của Tâm chỉ trúng vào mũ bảo hiểm CSGT chuyên dụng, làm mũ bảo hiểm rơi xuống đất, còn miệng của Trung úy Nam có dấu hiệu chảy máu.
Hay trước đó tại Hà Nội, ngày 25-8, khi được báo tin có vụ va chạm giữa hai xe ô tô tại ngã tư Xuân Thủy - Nguyễn Phong Sắc - Trần Thái Tông (Cầu Giấy, Hà Nội), lực lượng CSGT đã có mặt và yêu cầu tài xế hai xe xuống giải quyết sự việc. Tuy nhiên, tài xế ngồi trên một trong hai chiếc xe đã ngồi lì trong xe mặc cho CSGT nhiều lần gõ cửa và yêu cầu người này xuống hợp tác giải quyết. Sự việc đã khiến giao thông tại ngã tư Nguyễn Phong Sắc - Xuân Thủy ùn tắc nghiêm trọng.
Khoảng 15 phút sau, tài xế chiếc ô tô KIA bước xuống xe nồng nặc mùi rượu bia. Người này lập tức chửi bới, nhổ nước bọt và lao vào đấm đá lực lượng CSGT, buộc các chiến sĩ CSGT phải khống chế. Sự việc phải nhờ tới sự hỗ trợ của lực lượng 113 mới được giải quyết.
Bắn chỉ thiên vẫn bị tấn công
Hay vụ việc một chiến sĩ CSGT bị hành hung ngay trước cửa Trung tâm thương mại Vinaconex (TP. Thanh Hóa) khiến dư luận phẫn nộ. Khoảng 11h30’ ngày 10-5 Đại úy Ngô Hồng Hải (cán bộ Đội CSGT TP. Thanh Hóa) được phân công làm nhiệm vụ tại ngã tư Đại lộ Lê Lợi – Trần Phú.
Trong lúc làm nhiệm vụ tại chốt đèn đỏ thì có một thanh niên đi xe máy hiệu Wave RS màu đen mang BKS 36B2-145.51 vượt đèn đỏ nên đã ra hiệu lệnh dừng phương tiện, nhưng người thanh niên này không chấp hành mà cố tình vượt bỏ chạy. Chạy qua đèn đỏ, người thanh niên này dừng trước cửa hàng điện thoại di động thuộc Trung tâm thương mại Vinaconet Thanh Hóa.
Lúc này Đại úy Hải áp sát và yêu cầu người thanh niên nói trên xuất trình giấy tờ để kiểm tra, nhưng người thanh niên này không chịu hợp tác, thay vào đó đã văng lời lăng mạ đối với Đại úy Hải.
Thấy đối tượng tỏ ra ngoan cố, chiến sĩ Hải đã tìm mọi cách lấy được chìa khóa xe máy nhằm mục đích không cho người thanh niên này tẩu thoát. Trong lúc anh Hải tìm cách thu giữ chìa khóa thì nam thanh niên này bất ngờ lao vào đánh tới tấp vào người CSGT này, đồng thời ghì cổ anh ngã vật xuống đường.
Chưa dừng lại ở đó, người thanh niên nói trên còn đấm nhiều cú vào đầu, gáy của anh Hải khiến anh choáng váng.
Trong lúc tình thế cấp bách, Đại úy Hải đã phải rút súng ra và bắn chỉ thiên lên trời. Song đối tượng vẫn không sợ mà còn liều lĩnh xông vào giằng co cho đến khi có sự xuất hiện của CS113 thì thanh niên này mới ngừng tấn công thiếu tá Hải và bỏ trốn.
Ngày 12-5, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố bị can, bắt tạm giam 2 tháng Trần Quang Độ (20 tuổi, trú phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa) là người thanh niên đã hành hung đại úy Hải để điều tra hành vi chống người thi hành công vụ.
Hay mới đây nhất là vụ Trung úy Đào Văn Phương Thanh bị một nhóm người ném đá gãy mũi vào tối 3-10 trong khi đang cùng tổ công tác Đội CSGT Hàng Xanh thuộc Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (P6) - Công an TP.HCM đang trực ở khu vực trên quốc lộ 13 (phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức).
Vậy khi bị chống đối, CSGT sẽ có những quyền gì?
Theo thông tư 65/2012/TT-BCA ban hành ngày 30-10-2012 của Bộ Công an quy định nhiệm vụ, quyền hạn, hình thức, nội dung tuần tra, kiểm soát của CSGT đường bộ, CSGT khi làm nhiệm vụ sẽ được trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ trang bị cho CSGT gồm súng bắn đạn cao su, súng bắn đạn sơn, hoặc gậy/côn điện và còng số 8.
Trả lời báo khampha, một CSGT cho biết, súng bắn sơn để đánh dấu, súng cao su dùng để bắn cảnh cáo. Nếu bắn gần, súng cao su có thể gây thương tích, bắn xa có thể gây rách da chảy máu. Nhưng nhìn chung, các loại súng này không gây tử vong.
Khi đối tượng chống đối sử dụng vũ khí và manh động, CSGT có thể bắn chỉ thiên cảnh cáo. Nếu thấy đối tượng manh động đến mức có thể đe dọa đến tính mạng của mình, CSGT được phép dùng công cụ hỗ trợ hoặc vũ thuật để khống chế đối tượng. Mục đích cuối cùng chỉ là khống chế đối tượng chứ không phải là sát thương.
Lực lượng làm nhiệm vụ được phép dùng công cụ hỗ trợ và vũ thuật nếu nhận thấy đối tượng có hành vi xâm hại tài sản, sức khỏe, tính mạng của người dân hoặc của chính mình. Trong bất kỳ trường hợp nào, đối tượng chỉ chửi bới lăng mạ mà không tấn công vũ lực, CSGT không được phép sử dụng dụng vũ thuật. Trách nhiệm của CSGT là dùng lý lẽ thuyết phục để người đó nhận thức được vấn đề và chấm dứt hành vi.
Nếu đối tượng vẫn cố tình hiểu sai và tiếp tục chửi bới, CSGT phải báo cáo lên cấp trên để đề nghị công an phường, xã sở tại hỗ trợ giải quyết. Biện pháp cuối cùng là cùng các lực lượng phối hợp khống chế, yêu cầu về trụ sở công an phường giải quyết, lập biên bản xử phạt. Hành vi chửi bới, lăng mạ cũng chưa thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Trong mọi trường hợp, CSGT không được nổi nóng, phải có thái độ nhã nhặn, nhẹ nhàng.
Quy định về việc nổ súng, theo Pháp lệnh 16/2011/ UBTVQH12 về “quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ”, người thi hành công vụ chỉ được sử dụng công cụ hỗ trợ khi ngăn chặn người đang có hành vi đe doạ trực tiếp đến tính mạng, sức khoẻ của người khác; bắt giữ người theo quy định của pháp luật; thực hiện phòng vệ chính đáng theo quy định của pháp luật.
Người thi hành công vụ nổ súng khi đối tượng đang sử dụng vũ lực, vũ khí, vật liệu nổ trực tiếp đe dọa đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; Đối tượng đang thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; Đối tượng đang sử dụng vũ khí gây rối trật tự công cộng có thể gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng…
Khi thi hành nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự có tổ chức, việc nổ súng phải tuân theo mệnh lệnh của người có thẩm quyền. Khi thi hành nhiệm vụ độc lập, việc nổ súng tuân theo các nguyên tắc: Phải căn cứ vào từng tình huống, tính chất, mức độ hành vi nguy hiểm của đối tượng để quyết định việc nổ súng; Chỉ nổ súng khi không còn biện pháp nào khác để ngăn chặn hành vi của đối tượng và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.
Nếu việc nổ súng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cho bản thân hoặc người khác hoặc có thể gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được nổ súng ngay; Không nổ súng vào đối tượng khi biết rõ người đó là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; Trong mọi trường hợp nổ súng, người sử dụng súng cần hạn chế thiệt hại do việc nổ súng gây ra.
Điều 257. BLHS quy định: Người nào dùng vũ lực, đe doạ dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
Nếu chưa đến mức truy cứu hình sự, người vi phạm bị xử phạt theo Điều 20 Nghị định 167/2013/NĐ-CP: Phạt 2 triệu - 3 triệu đồng đối với hành vi "có lời nói, hành động đe dọa, lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ; Phạt 3 triệu - 5 triệu đồng đối với hành vi "Dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực để chống người thi hành công vụ".
Xem thêm clip:
CSGT quật ngã thanh niên ngổ ngáo tại dốc cầu Chương Dương
Xem toàn bộ VIDEO HOT trên SOHA