Tại phiên giải trình lần 2 của Bộ VH-TT&DL và Ủy ban Olympic VN hôm 29/3, sau khi nghe ý kiến từ một số bộ ngành, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã đưa ra ý kiến nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad 18 (diễn ra năm 2019).
Ông Đam nói: “Tôi đề nghị một mặt các bộ phải chốt lại xem cần bao nhiêu tiền để tổ chức Asiad 18, mặt khác nên tính phương án rút”.
Trường hợp không thể rút được thì phải đề nghị OCA hỗ trợ tối đa cho Việt Nam, phải tính cách tổ chức thật sự tiết kiệm và không đặt nặng vấn đề phải có nhiều thành tích khi Việt Nam là nước chủ nhà.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Cuông, nguyên Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa khóa 11, 12 cho rằng, việc Việt Nam nhận quyền đăng cai Asiad 18 thể hiện sự vội vàng.
"Khi nghe tin Việt Nam nhận đăng cai Asiad 18 thực sự tôi rất bất ngờ và thấy rằng, quyết định đó là hơi vội vàng. Bởi tình hình kinh tế - xã hội của đất nước ta còn đang rất khó khăn. Những năm vừa qua, đất nước ta đã phải chống đỡ với suy thoái kinh tế, nhiều vấn đề quốc kế, dân sinh, rồi tình trạng nghèo khó của người dân còn chồng chất, vậy mà mình lại nhận đăng cai Asiad tốn kém mà chẳng để giải quyết được vấn đề gì.
Vừa qua, chúng ta đăng cai Seagames tuy chỉ trong phạm vi hẹp nhưng cũng rất tốn kém. Không ít công trình xây dựng lên nhưng sau đó để không có hiệu quả, xuống cấp, quản lý các hoạt động cũng yếu kém. Giờ đây lại tiếp tục xung phong đăng cai Asiad tốn kém trong những điều kiện cần và đủ của Việt Nam còn gặp không ít khó khăn, chưa đạt yêu cầu thì thực sự là rất khó hiểu.
Ở đây, phải chăng là có căn bệnh thành tích, bệnh huênh hoang...", ông Cuông nói.
Trong số các công trình phục vụ Asiad 18 phải xây mới, có dự án sân đua xe đạp lòng chảo. (Ảnh: Lao động)
Cũng theo ông Cuông, thực tế, đã có nhiều bài học về căn bệnh huênh hoang mà sau đó chúng ta đã phải chịu hậu quả để lại rất lớn.
"Trước đây, từ vấn đề lấy các kết quả, kinh nghiệm của các nước dẫn đầu thế giới về giáo dục đã đặt ra chỉ tiêu về số người Việt có trình độ đại học trên số dân, từ đó có chủ trương xây dựng các trường đại học tràn lan. Để rồi dẫn đến hậu quả là tình trạng đào tạo tràn lan, sinh viên ra trường không có việc làm rất lớn...
Giờ đây, lại đến thể thao của chúng ta dù có tiến bộ nhưng chưa thấm được vào đâu so với nhiều nước trong khu vực chứ đừng nói đến châu Á. Đó là chưa kể nhiều nước, có đầy đủ nguồn lực hơn Việt Nam nhưng lại không muốn đăng cai, vậy mà chúng ta còn yếu kém, thiếu thốn lại muốn đăng cai thể hiện để ngang tầm với nhiều nước ở châu Á. Tôi cho rằng, điều đó là không phù hợp, không sát với thực tế, thể hiện sự vội vàng...", ông Cuông bày tỏ.
Ông Cuông cũng cho hay, việc giải trình của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch vừa qua về việc cân nhắc đăng cai Asiad cho thấy sự mơ hồ, thiếu chín chắn.
"Dường như có một cái gì đó trong lúc hứng khởi lên rồi tìm mọi cách để được đăng cai nhưng không biết được là trong điều kiện của mình nó có khả thi hay không, nó sẽ đi đến đâu và có được dư luận ủng hộ hay không. Đó là sự thiếu tính toán cụ thể.
Đất nước ta cũng muốn vươn lên, xứng vai với các nước lớn nhưng phải trong khả năng, điều kiện cho phép và phải cân đối nhiều mặt, toàn cục, toàn diện. Không thể có chuyện chỉ biết đến ngành mình và chỉ muốn ngành mình nổi trội lên. Tầm nhìn của chúng ta phải toàn diện, không được cục bộ...", ông Cuông chia sẻ.
Trước ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad, ông Cuông bày tỏ sự đồng tình và cho hay:
"Như đã trao đổi ở trên, tôi đồng tình, ủng hộ ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam là nên cân nhắc rút lui không tổ chức Asiad.
Có thể chúng ta sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến hình ảnh đất nước nhưng các nước sẽ thông cảm cho chúng ta. Bởi thực tế, Việt Nam hăng hái nhưng sau khi tính toán lại thì các điều kiện cần và đủ để phục vụ cho Asiad còn quá khó khăn, không đáp ứng được.
Nếu cứ lao vào, trong điều kiện kinh phí không cho phép mà chúng ta vẫn tổ chức, dẫn đến không chu đáo, không đáp ứng được các yêu cầu thì hình ảnh đất nước sẽ còn bị ảnh hưởng hơn gấp nhiều lần.
Đó là chưa kể đến việc, sử dụng kinh phí quá nhiều sẽ ảnh hưởng đến tình hình đầu tư trong nước, gây mất niềm tin trong nhân dân. Đó mới là điều nguy hiểm.
Vì vậy, dù phải trả giá nhưng quan điểm của tôi là chúng ta nên rút sớm việc không đăng cai và điều đó chắc chắn sẽ được người dân cả nước ủng hộ".
Ông Cuông cũng tái khẳng định, trong lúc đất nước còn nhiều khó khăn, cuộc sống của người dân đang vất vả thì việc tiêu hoang phí cho Asiad là có tội rất lớn với nhân dân.
"Khi mà người dân ở vùng sâu, xa của chúng ta còn đang phải chui vào túi nilon để qua suối trong mùa lũ rồi cuộc sống nói chung của người dân còn đang khắc khổ, khó khăn, tình hình tai nạn giao thông xảy ra nhiều... thì việc đầu tư nhiều trăm triệu USD để cho một hoạt động không thực sự phục vụ nhiều cho cuộc sống của người dân mà chỉ phục vụ cho một bộ phận quan chức, vận động viên như Asiad này thì rõ ràng có tội rất lớn". ông Cuông nhấn mạnh.
Trân trọng mời quý độc giả gửi ý kiến thảo luận và viết bài xung quanh vấn đề đăng cai hay xin rút không đăng cai tổ chức Asiad 18. Những bài hay của quý độc giả (hoặc giới thiệu được bài hay) sẽ được trả nhuận bút theo quy định của tòa soạn. Bài viết xin gửi về địa chỉ btv@soha.vn.