Khăn ướt Wesser "lừa mắt" khách hàng bằng bao bì chữ Hàn Quốc

Kiều Linh |

Tuy sản xuất và lưu thông ở VN nhưng giấy ướt Wesser in bao bì hầu hết bằng chữ Hàn khiến người tiêu dùng không thể kiểm tra các chất bảo quản bị cấm như sản phẩm cùng loại khác.

Chỉ sau khi Bộ Y tế khuyến cáo sử dụng khăn giấy ướt có các chất cấm gây hại cho sức khỏe, người tiêu dùng mới tá hỏa kiểm tra khăn ướt Wesser đang dùng và phát hiện có dấu hiệu “bất thường”.

Dùng khăn ướt Wesser vì tin người Hàn Quốc?

30 nghìn đồng/hộp khăn giấy ướt gồm 80 miếng mang nhãn Wesser. Đây là một trong những sản phẩm được nhiều người mua nhất tại cửa hàng Hello Baby (Trần Duy Hưng, Hà Nội).

Một nhân viên bán hàng ở đây cho hay, sở dĩ khăn ướt Wesser được nhiều người dùng vì chất lượng tốt, không nhiều cồn, giấy dai, trẻ em dùng không bị kích ứng da.

Đang loay hoay chọn đồ cho con, chị Vũ Diệu Thuần (đường Xuân Thủy, Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, gần hai năm nay, gia đình chị chủ yếu dùng khăn giấy ướt hãng Wesser vì giấy thơm và giá không quá đắt, phù hợp với túi tiền của gia đình.

“Ngoài việc dùng lau người cho con, mỗi khi đi đường bụi bặm, mồ hôi nhiều hay tẩy trang tôi cũng dùng khăn giấy ướt này cho tiện.

Trung bình một tháng, cả nhà tôi dùng 3 gói, tính ra hết khoảng 100 nghìn đồng. Như vậy là quá rẻ”, chị Thuần nói.

Tuy nhiên, khi hỏi thông tin về sản phẩm, các thành phần có trong khăn ướt Wesser, chị Thuần bối rối: “Thấy người ta giới thiệu hãng này là của công ty Hàn, sản xuất bằng công nghệ Hàn thì mình dùng chứ toàn chữ Hàn Quốc thế kia làm sao biết trong đó có chất gì.

Người Hàn Quốc người ta dùng được thì mình cũng tin tưởng dùng theo thôi!”.

Theo ghi nhận của phóng viên, khăn ướt Wesser không chỉ có mặt ở các cửa hàng dành cho bé như: Hello Baby, Kidplaza... mà trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo hay hệ thống mua hàng trực tuyến Lazada cũng tràn ngập.

Mẫu sản phẩm là gói bóng màu vàng, dày 16cm và dài hơn 20cm.

Mặc dù được giới thiệu sản xuất bởi Công ty Cổ phần Angel Việt Nam (KCN Long Thành, Đồng Nai) nhưng trên bao bì sản phẩm chủ yếu in tiếng Hàn Quốc, thể hiện như một sản phẩm nhập khẩu từ Hàn Quốc.

Nhà sản xuất chỉ dán kèm một tem phụ nhỏ bằng tiếng Việt như bao diêm trên bao bì, ghi địa chỉ sản xuất, thành phần, hạn sử dụng...

Bao bì khăn ướt Wesser chủ yếu ghi bằng tiếng Hàn Quốc

Bao bì khăn ướt Wesser chủ yếu ghi bằng tiếng Hàn Quốc

Trao đổi với chúng tôi về điều bất thường này, bà Trần Thị Bảo Trâm, đại diện truyền thông, Công ty Cổ phần Angel Việt Nam cho hay, khăn ướt Wesser sản xuất tại Việt Nam nhưng xuất khẩu sang Hàn Quốc nên nội dung trên bao bì chủ yếu bằng tiếng Hàn.

Tuy nhiên, vì nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam nên hiện nay công ty lưu thông, bày bán sản phẩm trên thị trường.

“Công ty Angel ký hợp đồng với đối tác bên Hàn Quốc nên nhãn sản phẩm chủ yếu bằng tiếng Hàn và chúng tôi làm theo đúng hợp đồng mua bán, ghi nhãn theo Khoản 3, Điều 5, Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính Phủ”, bà Trâm khẳng định.

Wesser đã vi phạm quy định về nhãn mác

Liên quan đến nhãn mác của khăn ướt Wesser sản xuất tại Việt Nam nhưng bao bì in chủ yếu tiếng Hàn, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Trịnh Cẩm Bình (Công ty Luật sư Biển Đông) về vấn đề này.

Luật sư Bình cho rằng, bao bì sản phẩm khăn ướt của Angel có dấu hiệu vi phạm quy định về dán nhãn.

Cụ thể, bà Bình phân tích: “Theo quy định tại Nghị định số 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hàng hoá được sản xuất và lưu thông trong nước, nội dung thể hiện trên nhãn có thể được ghi bằng ngôn ngữ khác nhưng phải tương ứng nội dung tiếng Việt.

Kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

Hàng hoá được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hoá phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn.

Trong trường hợp hàng hoá không xuất khẩu mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hoá ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định như trên.

Trong trường hợp này, có thể Công ty cổ phần Angel Việt Nam sản xuất hàng giấy ướt xuất khẩu sang Hàn Quốc nhưng đang lưu thông trên thị trường Việt Nam, do đó cần tuân thủ những quy định về nhãn hàng hóa tại Việt Nam”.

Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng Wesser có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn mác

Luật sư Trịnh Cẩm Bình cho rằng Wesser có dấu hiệu vi phạm quy định về nhãn mác

Ngoài ra, luật sư Bình cũng cho rằng, Angel ghi nhãn trên khăn ướt Wesser không rõ ràng về xuất xứ.

Cụ thể, Angel ghi “sản xuất bởi Công ty cổ phần Angel Việt Nam” nhưng kèm theo là địa chỉ tại Việt Nam và trụ sở tại Hàn Quốc.

Điều này, theo luật sư Bình khiến người tiêu dùng dễ nhầm lẫn là Công ty này tại Hàn Quốc và có thể sản phẩm được sản xuất tại Hàn Quốc và Việt Nam.

Trong khi thực tế, hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam và theo quy định cần ghi rõ sản xuất tại hoặc xuất xứ Việt Nam.

Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM) cũng cho rằng, khăn ướt của Angel lưu thông trong nước mà chỉ ghi bằng ngôn ngữ nước ngoài trên hàng hoá là không tuân thủ theo quy định pháp luật.

Luật sư Hùng nói: "Theo quy định tại Điều 25 Nghị định số: 80/2013, Angel có thể bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng vì có nhãn ghi không đúng quy định về kích thước chữ tiếng Việt và tiếng nước ngoài".

Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM
Bác sĩ Trương Phi Hùng
“Khăn giấy ướt tiện lợi. Nhưng, trước thực trạng khăn giấy ướt giả tràn ngập thị trường hiện nay, thì hàng triệu người tiêu dùng đã và đang đối mặt với vô số hiểm họa, bệnh tật khi sử dụng loại khăn ướt giả. Khăn ướt giả chứa nhiều tạp chất, mùi hương… không rõ nguồn gốc, rẻ tiền sẽ gây viêm nhiễm da cho người sử dụng, đặc biệt đối với trẻ em. Trong khăn ướt thường có 2 chất: Parabens và phenoxyl ethanol được khuyến cáo giới hạn về nồng độ cho phép trong sản phẩm, vượt quá giới hạn sẽ gây nguy cơ ung thư, vô sinh, khối u...". (Theo Lao Động)

Trong quá trình khảo sát thị trường khăn, giấy ướt tại các siêu thị ở Hà Nội, chúng tôi phát hiện các sản phẩm Wonder Care, Teen care, Baby Care của Công ty Cổ Phần TM&DV Quốc Tế Việt Úc đều có chất cấm Methylisothiazolinone được in rõ ràng trên bao bì sản phẩm và vẫn được bày bán công khai.

Sau khi chúng tôi phản ánh thông tin này trên mặt báo thì đại diện Công ty Cổ phần TM&DV Quốc tế Việt Úc đã cung cấp cho tòa soạn công văn số 03/CV-AVN gửi Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Trong công văn này, ông Lê Quang Được - Giám đốc Công ty Việt Úc - đề nghị Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam làm đơn vị khách quan, giúp tiến hành các thủ tục kiểm định các chỉ tiêu theo tinh thần công văn của Bộ Y tế đối với các mặt hàng khăn ướt do công ty này cung cấp ra thị trường để có căn cứ chuẩn xác công bố với báo chí và người tiêu dùng.

Tuy nhiên, công ty này vẫn chưa giải thích gì về việc chất cấm Methylisothiazolinone được in trên bao bì của các sản phẩm do họ sản xuất.

>> Những đồng tiền giấy đẹp nhất hành tinh

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại