Khai giảng gọn nhẹ: "Chỉ đạo của Phó Thủ tướng thật sự có ý nghĩa"

Phong Nguyên |

Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam có ý nghĩa quan trọng trong việc biến ngày khai giảng thành ngày hội thực sự của học trò.

Trong hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học mới vừa qua, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đề nghị Bộ GD–ĐT chọn một ngày khai giảng thống nhất trên toàn quốc.

Theo đó, lễ khai giảng sẽ được tổ chức gọn nhẹ, tránh rườm rà, nhất là tránh để học sinh tập luyện nhiều tiết mục văn nghệ, đứng ngoài trời để nghe hay chào đón các đoàn đại biểu…

Theo Phó Thủ tướng, nếu được, cả nước cùng làm một buổi, cùng một giờ, cùng một thời khắc, cùng hát quốc ca, cùng chào cờ, cùng đọc thư Chủ tịch nước. Đến phần sau là ngày hội cho học sinh với các thầy cô giáo.

Trao đổi với phóng viên, PGS Văn Như Cương – Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh cho hay, ông hoàn toàn đồng ý với chủ trương này.

“Tôi thấy cái hay của quy định mới này là gọn nhẹ, thân thiện, vui tươi chứ không bắt các em phải nghe triết lý, dài dòng, hết ông này đến ông kia phát biểu.

Đây là cách làm vì học sinh chứ không phải vì người lớn hay vì ai khác và cũng là điều hoàn toàn đúng đắn.

Khi các phát biểu ít đi thì các anh chị khóa trên sẽ có thời gian dẫn các em khóa mới đi làm quen với trường lớp, tiếp xúc với các thầy cô giáo.

Có như thế, các em mới có ấn tượng ngay từ đầu. Đó là những gì tôi cảm nhận thấy thông qua chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam”, thầy Cương nói.

Theo thầy Cương, một số vị quan chức phát biểu rất dài, nhưng kỳ thực trẻ con thì chẳng hiểu gì, chúng chỉ thích vui đùa trong ngày khai giảng.

Trước đó, khi đưa ra chỉ đạo này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có dẫn chứng rất thuyết phục từ chính trải nghiệm của bản thân ông.

Cụ thể, Phó Thủ tướng cho hay, trong một lần ông đến dự lễ khai giảng, nhà trường yêu cầu phát biểu, nhưng ông để ý thấy phần lớn các cháu học sinh không để ý.

Thầy Văn Như Cương - Ảnh: Kênh 14
Thầy Văn Như Cương - Ảnh: Kênh 14

PGS Văn Như Cương cũng cho rằng, Phó Thủ tướng đã đưa ra một dẫn chứng khác rất đúng thực tế.

Đó là, trường nào mời quan chức đến dự lễ khai giảng thì học sinh cứ ngồi chờ bao giờ xe sắp đến thì bắt đầu chạy ra xếp hàng, đứng nghiêm, vỗ tay hoan hô trịnh trọng.

“Phó Thủ tướng chỉ dự một vài lễ khai giảng mà còn nhận xét như thế, vậy tại sao Bộ GD – ĐT lễ khai giảng nào cũng cử lãnh đạo đi, thậm chí còn phát biểu tràn lan, chẳng lẽ không nhận thấy điều đó?

Rõ ràng, ai cũng thấy điều đó, nhưng chỉ khi Phó Thủ tướng nói Bộ GD - ĐT mới nghe", thầy Cương nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, GS. TS Nguyễn Minh Thuyết - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết:

“Từ trước đến nay, về cơ bản các trường đều khai giảng vào ngày 5/9. Giờ biến điều đó thành quy định là rất tốt”.

Theo GS Thuyết, vấn đề quan trọng nhất là làm sao để các em học sinh cảm thấy ngày khai giảng vui tươi, nhẹ nhàng, lấy học sinh làm trung tâm để các em không mệt mỏi khi phải nghe những bài phát biểu quá dài dòng của các quan chức có mặt trong sự kiện đó.

“Chỉ đạo trên của Phó Thủ tướng thật sự có ý nghĩa vì nó đã giúp ngày khai giảng thực sự trở thành ngày hội của học trò”, GS Thuyết nhấn mạnh.

Nói về ảnh hưởng của các bài phát biểu dài lê thê của quan chức tới tâm lý của trẻ trong ngày khai giảng, ông Thuyết cho rằng, đó là "bệnh hình thức".

“Việc quan chức tới dự các lễ khai giảng là việc rất nên làm, bởi vì đây là dịp để lãnh đạo các cấp nhìn thấy thực tế của các trường, thấy được thành tích, khó khăn của giáo dục để có biện pháp giúp đỡ, chỉ đạo ngành giáo dục phát triển.

Tuy nhiên, nếu có chỉ đạo, các vị có thể trao đổi riêng với hội đồng nhà trường, các giáo viên, chứ buổi khai giảng là lễ hội của trẻ em, không nên bắt chúng phải nghe người lớn nói những chuyện mà chúng chưa hiểu”, ông Thuyết phân tích.

Cũng theo vị này, ở nước ngoài, lãnh đạo rất quan tâm tới việc khai giảng ở các trường đại học. Nhiều người tận dụng diễn đàn của trường đại học để tuyên bố những chính sách quan trọng của đất nước, bởi vì đó mới là chỗ cần phải nói.

Ở Việt Nam thì khác, khai giảng ở bậc đại học thấy rất ít tuyên ngôn như thế. Người ta chỉ có bài nói ở các trường phổ thông. Hơn nữa, nếu có phát biểu họ nói dài dòng.

Ông Thuyết khẳng định, điểm nhấn của ngày khai giảng là để nhà trường đón các em học sinh mới, các anh chị lớp trên đón các em lớp dưới.

“Học sinh có thể tổ chức vui chơi, hát hò, biểu diễn văn nghệ, nhưng nên coi đó là việc thường xuyên của các em để khỏi mất công các em tập duyệt nhiều quá dẫn đến mệt mỏi”, GS Thuyết nói.

PGS Văn Như Cương cho rằng, nên để cho các em học sinh tự tổ chức vui chơi, hát hò trong ngày khai giảng để các em được thể hiện mình, được làm việc theo nhóm, sinh hoạt tập thể với nhau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại